Cứ đến 16h30 hàng ngày, anh Lê Ngọc Toàn (38 tuổi, ngụ phường Nguyễn Cư Trinh, quận 1, TP. HCM) lại tạm gác công việc sửa xe, bơm vá khi nghe thông tin có ùn tắc giao thông tại một số vòng xoay, ngã tư. Anh nói, anh phải đi "giải cứu" kẹt xe.
Vật dụng để trở thành "hiệp sĩ giao thông" của anh chỉ có chiếc còi và áo phản quang, rồi anh cọc cạch chạy chiếc xe đạp cũ đến điểm kẹt xe để điều tiết giao thông. Nhiều người đi đường thấy khó hiểu, nói anh "lo chuyện bao đồng" nhưng anh mặc kệ.
Anh Toàn tâm sự, anh làm công việc này đã hơn 10 năm nay và không bao giờ thấy... chán! Vì với anh, điều gì có thể giúp cho Sài Gòn thì anh sẽ giúp hết mình. "Đó giống như là một thói quen, một trách nhiệm với nơi mình sinh sống vậy".
Anh kể, vào năm 2002, trong một lần chạy xe đi công việc ở quận khác thì bị dính ùn tắc hơn 1 tiếng do chẳng ai nhường ai. Thấy vậy, anh đã dựng xe vào lề đường và tự "bơi" ra biển người đứng chôn chân để điều tiết, giải tỏa ách tắc giao thông. Cảm thấy việc làm của mình tuy nhỏ những giúp cải thiện đáng kể lượng xe cộ, mọi người cảm thấy thoải mái hơn, anh quyết giữ thói quen đó vào bất cứ lúc nào gặp điểm kẹt xe trên đường phố.
Rồi đến năm 2006, anh tình cờ gặp một "hiệp sĩ giao thông" khác cũng đang giải cứu kẹt xe như mình, rồi như cái duyên nợ đưa anh đến công việc này mỗi ngày. Thế là từ đó, ngoài 2 buổi cuối tuần thì ngày nào anh cũng ra đường tìm chỗ kẹt xe để "giải cứu" mà không cần ai trả công.
Lúc đầu khi làm công việc này, người thân, bạn bè đều phản đối vì cho rằng "rảnh quá làm chuyện bao đồng", nhưng rồi sau đó ai cũng hiểu được đam mê của anh nên tạo điều kiện ủng hộ. "Nhiều khi ra đứng giữa đám đông kẹt xe hướng dẫn người dân đi đúng thì bị họ chửi vì cho rằng tôi dở hơi. Nhưng rồi mọi người cũng quen dần, người quen gặp luôn nở nụ cười khi thấy tôi điều tiết giao thông hàng ngày...", anh Toàn tâm sự.
Theo anh, công việc "bao đồng" này cũng như giống như một bản nhạc có nốt thăng nốt trầm, đọng lại trong anh nhiều kỷ niệm không thể nào quên. Ví như những lần được các bác tài xế cho chai nước suối, ổ bánh mì hay những món quà tinh thần đó là cánh tay vẫy chào kèm nụ cười của mọi người, cũng làm anh nhớ mãi.
Theo Tứ Quý (Trí Thức Trẻ)