Yang Haojie, 25 tuổi, ở miền đông Trung Quốc tình nguyện làm bạn, làm người liên lạc khẩn cấp theo yêu cầu cho 16 người già sống một mình.
Anh được nhiều người biết đến, được ca ngợi, trở thành xu hướng trên mạng xã hội xứ Trung. Trong vài năm qua. anh đã giúp đỡ những người lớn tuổi ở ngôi làng Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông, theo SCMP.
"Tôi lớn lên ở ngôi làng này. Tôi đã chứng kiến nhiều người già đi từng ngày. Sức khoẻ của họ không còn tốt như trước và họ cũng không thể tự mình đi lại tự do. Vì vậy, tôi hy vọng mình có thể góp chút sức để giúp đỡ họ", anh Yang chia sẻ.
Anh dành 3 ngày mỗi tuần để thăm những người già sống một mình. Vợ hoặc chồng của họ đã qua đời, trong khi, con cái sống ở xa. Anh thường giúp họ mua thức ăn, nấu ăn và sửa chữa đồ đạc hỏng hóc trong nhà. Đôi khi anh giúp họ cắt tóc, dọn dẹp nhà cửa.
Trong mọi trường hợp, anh đều tự bỏ tiền túi để trang trải chi phí. Thỉnh thoảng, anh tổ chức tiệc sinh nhật cho các cụ già trong làng. Những hình ảnh, video lan truyền trên mạng xã hội cho thấy nhiều cụ già đã rơi nước mắt trước lòng tốt của anh.
Anh cho biết anh trở thành người liên lạc trong trường hợp khẩn cấp với khoảng 16 cụ già. Số điện thoại của anh đặt nút số 1 trong máy của họ để quay số cho nhanh khi cần.
"Khi có trường hợp khẩn cấp, họ gọi cho tôi. Tôi đặt quay số nhanh ở vị trí số 1 để họ dễ thao tác khi gọi cho tôi. Khi nhìn thấy tôi, họ đều rất vui, tôi cũng vậy. Điều đó khiến tôi thêm tự hào về bản thân mình", anh nói.
Câu chuyện của Yang đã truyền cảm hứng cho nhiều người trẻ. Hiện tại anh quản lý một nhóm dịch vụ chăm sóc tình nguyện trong thành phố. Anh phải chịu trách nhiệm rất lớn khi trở thành người liên lạc khẩn cấp với 16 người già.
Theo số liệu điều tra dân số mới nhất, Trung Quốc có 267 triệu cư dân từ 60 tuổi trở lên, chiếm 19% dân số. Dự đoán đến năm 2035, Trung Quốc sẽ rơi vào nhóm quốc gia già hóa nghiêm trọng, số người trên 60 tuổi lên tới 400 triệu người, chiếm khoảng 30% dân số.
Ít nhất một nửa số người cao tuổi của đất nước sống trong ngôi nhà "trống", không còn vợ hoặc chồng, con cái sống ở xa.
Li Banghua, một quan chức phụ trách lĩnh vực chăm sóc người cao tuổi tại Bộ Nội vụ, cho biết ở các vùng nông thôn, tỷ lệ "nhà trống" có thể lên tới 70%.
Li nói: "Nhiều người già không sống với con cái. Họ sống một mình và phải đối mặt với rất nhiều bất tiện, khó khăn, thậm chí là nguy hiểm, mất an toàn".
Theo Hoàng Dung (VietNamNet)