Sinh năm 1953 ở Tấn Giang, Phúc Kiến, Hứa Liên Tiệp lớn lên trong cảnh thiếu thốn về mọi mặt, từng phải ngủ trên sàn nhà thờ họ. Không được học hết tiểu học, ông bươn trải đủ nghề từ nhỏ để phụ giúp cha mẹ.
Vì không muốn làm nông nghiệp, Hứa Liên Tiệp "tập tành" kinh doanh, buôn bán từ những thứ nhỏ nhặt hàng ngày như trứng, hoa quả, khoai môn hay kẹo kéo,...
Những năm cuối 1970 đầu 1980, Trung Quốc bước vào thời kỳ cải cách kinh tế, mở ra cơ hội cho tư nhân kinh doanh. Đây là bước ngoặt lớn với những người có khát vọng làm giàu như Hứa Liên Tiệp.
Năm 1980, chàng trai họ Hứa khi ấy mới 27 tuổi, đã quyết định thành lập một đội vận tải bằng ô tô. Chỉ một năm sau, ông mở tiếp nhà máy quần áo bảo hộ lao động Hậu Lâm.
Vào thời điểm đó, Tấn Giang đã có nhiều nhà máy gia công quần áo nhưng đơn đặt hàng đến từ nước ngoài tới tấp nên nhà máy của Hứa Liên Tiệp nhanh chóng có lãi và liên tục phát triển.
Nhưng những ngày tươi đẹp này chẳng thể kéo dài. Vào năm 1983, Mỹ chính thức áp dụng hạn ngạch nhập khẩu đối với hàng dệt may từ Trung Quốc, dẫn đến sự sụt giảm mạnh các đơn hàng gia công.
Để ứng phó với khủng hoảng, cùng năm đó, Hứa Liên Tiệp đã thành lập nhà máy sản xuất khóa kéo với hy vọng tìm được điểm tăng trưởng kinh doanh mới, song cũng tiếp tục đi vào "ngõ cụt".
"Cơ hội vàng" thực sự mở ra cho Hứa Liên Tiệp là vào năm 1985, khi ông nhìn thấy tiềm năng lớn của thị trường băng vệ sinh. Ông nhận thấy ưu điểm và sự tiện lợi vượt bậc mà sản phẩm này đem lại.
Khi đó quan niệm tiêu dùng ở Trung Quốc vẫn còn lạc hậu và mức chi tiêu hạn chế. Việc mua bán băng vệ sinh được coi là chuyện xa lạ, trong khi những người có đủ tiền mua thì ngại ngùng.
"Ngay cả đến vợ tôi cũng chưa bao giờ nhìn thấy món đồ đó", ông Hứa chia sẻ.
Ông Hứa tin rằng phụ nữ cần đảm bảo sức khoẻ và cần sử dụng băng vệ sinh. Ông quyết định thành lập công ty sản xuất băng vệ sinh Hằng An. Sau hơn một năm, băng vệ sinh của Hằng An đã chiếm được sự tin dùng của nhiều phụ nữ.
Hằng An dần trở nên phổ biến. Các đại lý liên tục liên hệ đặt hàng. Năm 1991, thương hiệu băng vệ sinh An Lạc của Hằng An chiếm hơn 40% thị phần ở Trung Quốc.
Trên đà phát triển, Hằng An tiếp tục mở rộng sản xuất sang tã trẻ em, giấy vệ sinh, khăn giấy và các sản phẩm chăm sóc cá nhân khác.
Năm 1998, Hằng An được niêm yết tại Sở Giao dịch chứng khoán Hong Kong (Trung Quốc), đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong việc mở rộng quy mô và tầm ảnh hưởng.
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn của truyền thông, Hứa Liên Tiệp chia sẻ triết lý kinh doanh của ông rất đơn giản: Làm ra những thứ mà người ta cần, làm tốt hơn người khác và luôn giữ chữ tín.
Ông đã không chọn những ngành theo xu thế mà bắt đầu từ những nhu cầu thiết yếu như giấy vệ sinh hay băng vệ sinh, rồi làm ra những sản phẩm vượt trội về chất lượng và dịch vụ.
Theo ước tính của tạp chí Hurun, giá trị tài sản ròng của ông Hứa Liên Tiệp vào khoảng 10,5 tỷ Nhân dân tệ (37,3 nghìn tỷ đồng) vào năm 2024.
Ngoài kinh doanh, ông còn hoạt động tích cực trong lĩnh vực từ thiện, quyên góp hàng trăm triệu Nhân dân tệ cho các hoạt động xã hội.
Ngày 17/4 vừa qua, ông Hứa Liên Tiệp qua đời tại nhà riêng. Ông để lại một doanh nghiệp vững vàng, một tinh thần khởi nghiệp gan lì và một tấm gương vượt khó cho thế hệ trẻ.
Dù không biết chữ, chưa từng học quản lý, nhưng một người phụ nữ ở Quý Châu đã gây dựng nên thương hiệu tỷ USD nhờ bí quyết kinh doanh thật thà.
Theo Đỗ An (VietNamNet)