Bức ảnh 64 chiếc vàng nhẫn đóng vỉ của vợ chồng Hà Nội gây sốt, nghe tới điều này lại càng thấy nể!

22/04/2025 20:43:53

Nhiều người “hoa mắt” khi xem bức ảnh mà cô vợ này chia sẻ, ai cũng phải tấm tắc khen.

Với tình hình biến động giá vàng trong khoảng thời gian vừa qua, không cần nói cũng biết: Những người đã mua vàng từ khi giá vàng còn quanh quẩn “đầu 7, đầu 8” là những người vui nhất! 

Cặp vợ chồng trong câu chuyện dưới đây cũng có sự phấn khởi tương tự, tuy nhiên, điều khiến mọi người trầm trồ nể phục lại không chỉ nằm ở số vàng mà họ tích lũy được.

27 tuổi có 2 căn nhà, từng mang hơn 1 tỷ đi mua vàng 

Trong bài đăng của mình, cô vợ cho biết: “Em với chồng bằng tuổi nhau, đều 27 tuổi. Về tài sản thì bọn em may mắn trước đây công việc thuận lợi nên cũng đã có nhà.

Chồng em tự mua được nhà từ trước khi cưới, giá trị bây giờ khoảng 4,5 - 5 tỷ. Hiện tại bọn em đang ở đây. Còn 1 căn chung cư nho nhỏ khác trị giá khoảng 2-3 tỷ thì bọn em đang cho thuê 8,5 triệu/tháng.

Hôm 6/1 năm nay, em có đăng lên xin ý kiến của mọi người về việc nên làm gì với khoản tiền tiết kiệm 1,2 tỷ thì sau hơn 1 tháng tìm tòi và suy nghĩ, vợ chồng em quyết định rút sổ tiết kiệm để mua vàng hết vào thời điểm tháng 2. Bọn em mua với suy nghĩ là sẽ giữ đến khi nào đủ tiền mua nhà thì thôi, chứ quyết định không bán đi bất cứ tài sản nào hiện tại. 

Em mua vàng đợt đó không phải hứng lên là mua, mà em đã tìm hiểu khá kỹ. Đến giờ cứ có tiền là bọn em vẫn mua vàng, chỉ để lại 1 ít tiền mặt phòng khi có việc gấp. Mua vàng với tâm thế tích sản, chuyển đổi tài sản nên giờ nhìn giá vàng hiện tại em thấy may mắn vì đã quyết đoán không do dự”.

Bức ảnh 64 chiếc vàng nhẫn đóng vỉ của vợ chồng Hà Nội gây sốt, nghe tới điều này lại càng thấy nể!
Bức ảnh 64 chiếc nhẫn vàng trơn đóng vỉ do cô vợ đăng tải khiến ai xem cũng phải trầm trồ

Trong phần bình luận của bài đăng, tất cả mọi người đều bày tỏ lời khen lẫn sự ngưỡng mộ dành cho cặp vợ chồng này. Chưa bàn tới quyết định rút hết tiền tiết kiệm để mua vàng là nên hay không nên, chỉ cần nhìn vào 2 căn nhà họ đã mua được mà không kèm theo khoản nợ nào là đủ thấy sự chăm chỉ, cần mẫn và khả năng kiếm tiền giỏi cỡ nào.

“Còn trẻ mà thông thái quá em, lại được cả 2 vợ chồng đều tu chí nữa. 27 tuổi mà có 2 căn nhà rồi, không biết bố mẹ có hỗ trợ bọn em không chứ tự lực thế này thì quả thực đáng nể” - Một người bày tỏ.

“Mình cũng giống nhà bạn, cứ có tiền là mua vàng, mua từ lúc giá vàng còn đầu 4 tới tận giờ. Chỉ tiếc là thu nhập cũng có hạn nên không phải tháng nào cũng mua được, nhưng cứ gom lại đủ tiền thì mua 1-2 chỉ” - Một người khác chia sẻ.

“27 tuổi là kém mình 10 tuổi lận mà giỏi và nhiều tài sản ghê. Chúc mừng em, xin vía, xin vía” - Một người cảm thán.

Một sai lầm "chí mạng" phải tránh tuyệt đối khi mua vàng!

Gerard Do - Chuyên gia đầu tư, đồng thời là tác giả cuốn sách "Nguyên tắc cơ bản trong đầu tư" cho rằng về bản chất, vàng là một kênh trú ẩn chứ không hẳn là một kênh đầu tư. Vì vậy, anh khẳng định mua vàng tích sản thì được, chứ đừng bao giờ mua vàng với tư duy đầu cơ - nghĩa là mua vào rồi bán ra để "ăn" phần chênh giá.

Bức ảnh 64 chiếc vàng nhẫn đóng vỉ của vợ chồng Hà Nội gây sốt, nghe tới điều này lại càng thấy nể! - 1
Gerard Do

"Nếu bạn có một khoản tiền và đang không biết làm gì với nó, bạn có thể mua vàng và quên nó đi, nghĩa là bạn giữ vàng qua nhiều đợt biến động thì tài sản của bạn vẫn còn nguyên, bảo toàn được giá trị.

Nhưng nếu bạn mua vàng với tư duy đợi giá vàng lên rồi đem bán, tôi cho rằng đây là suy nghĩ rất tai hại, vì không có thị trường nào bền vững đi lên mà không đi xuống, đặc biệt là giá vàng đã tăng quá cao dạo gần đây càng làm cho thị trường này rủi ro hơn với các khoản đầu cơ ngắn hạn" - Anh Gerard Do nhấn mạnh.

Phải nhớ: Không bao giờ được “bỏ hết trứng vào một giỏ”!

Trong thế giới đầu tư đầy biến động, việc xây dựng một danh mục đầu tư vững chắc và hiệu quả luôn là mục tiêu hàng đầu của mọi nhà đầu tư, từ những người mới bắt đầu đến các chuyên gia dày dặn kinh nghiệm. Giữa vô vàn chiến lược, đa dạng hóa danh mục đầu tư nổi lên như một nguyên tắc cốt lõi, một "chiếc ô" che chắn hiệu quả trước những cơn gió ngược của thị trường.

Vậy, điều gì khiến đa dạng hóa trở thành "kim chỉ nam" không thể thiếu trong đầu tư?

Thứ nhất, giảm thiểu rủi ro. Đây có lẽ là lý do kinh điển và dễ hiểu nhất. Thị trường tài chính luôn tiềm ẩn những yếu tố bất ngờ, những biến động khó lường có thể tác động tiêu cực đến một loại tài sản cụ thể hoặc một ngành nghề nhất định. Nếu toàn bộ vốn của bạn tập trung vào một vài cổ phiếu hoặc một loại tài sản duy nhất, một sự kiện bất lợi có thể gây ra tổn thất nặng nề. Ngược lại, khi bạn phân bổ vốn vào nhiều loại tài sản khác nhau như cổ phiếu, trái phiếu, bất động sản, vàng, sự sụt giảm của một tài sản có thể được bù đắp bởi sự tăng trưởng hoặc sự ổn định của các tài sản khác. Điều này giúp giảm thiểu đáng kể rủi ro tổng thể cho danh mục đầu tư của bạn.

Bức ảnh 64 chiếc vàng nhẫn đóng vỉ của vợ chồng Hà Nội gây sốt, nghe tới điều này lại càng thấy nể! - 2
Ảnh minh họa

Thứ hai, nắm bắt cơ hội tăng trưởng từ nhiều nguồn khác nhau. Không một loại tài sản nào có thể duy trì hiệu suất vượt trội mãi mãi. Các giai đoạn tăng trưởng và suy thoái thường luân phiên giữa các thị trường và các ngành nghề. Bằng cách đa dạng hóa, bạn có cơ hội tiếp cận và hưởng lợi từ tiềm năng tăng trưởng của nhiều lĩnh vực khác nhau. Ví dụ, trong giai đoạn thị trường chứng khoán tăng trưởng mạnh mẽ, cổ phiếu có thể mang lại lợi nhuận cao. Tuy nhiên, khi thị trường điều chỉnh, trái phiếu hoặc các tài sản trú ẩn an toàn như vàng có thể trở thành "bến đỗ" an toàn, bảo toàn vốn và thậm chí mang lại lợi nhuận ổn định.

Thứ ba, tối ưu hóa tỷ suất lợi nhuận điều chỉnh theo rủi ro. Mục tiêu cuối cùng của đầu tư không chỉ là đạt được lợi nhuận cao nhất mà còn là đạt được lợi nhuận tương xứng với mức độ rủi ro bạn chấp nhận. Một danh mục đầu tư quá tập trung có thể mang lại lợi nhuận cao trong một giai đoạn nhất định, nhưng đi kèm với đó là rủi ro thua lỗ lớn hơn nhiều. Đa dạng hóa giúp bạn xây dựng một danh mục cân bằng hơn, nơi bạn có thể đạt được mức lợi nhuận ổn định và bền vững hơn so với mức độ rủi ro bạn gánh chịu. Các loại tài sản khác nhau thường có mối tương quan lợi nhuận khác nhau, thậm chí là tương quan nghịch. Việc kết hợp các tài sản này một cách thông minh có thể giúp giảm thiểu biến động của danh mục mà không làm giảm đáng kể lợi nhuận kỳ vọng.

Cuối cùng, đa dạng hóa giúp nhà đầu tư ngủ ngon hơn. Tâm lý là một yếu tố quan trọng trong đầu tư. Một danh mục quá rủi ro có thể khiến bạn lo lắng và đưa ra những quyết định sai lầm dưới áp lực của thị trường. Khi bạn biết rằng tài sản của mình được phân bổ một cách hợp lý và rủi ro đã được kiểm soát, bạn sẽ cảm thấy an tâm và tự tin hơn trong hành trình đầu tư dài hạn.

Tuy nhiên, đa dạng hóa không có nghĩa là đầu tư vào càng nhiều loại tài sản càng tốt. Điều quan trọng là phải hiểu rõ mục tiêu đầu tư, khẩu vị rủi ro và thời gian đầu tư của bạn để xây dựng một danh mục đa dạng hóa phù hợp. Việc lựa chọn các loại tài sản có mối tương quan thấp hoặc thậm chí âm là yếu tố then chốt để đạt được hiệu quả đa dạng hóa tối ưu.

Theo Ngọc Linh (Nguoiduatin.vn)

Nổi bật