Tập làm văn không chỉ là môn học quan trọng của học sinh, trong mắt người lớn, nó còn là vựa muối gây cười, bởi các bài văn đều được viết dưới góc nhìn ngây ngô, đôi khi tưởng tượng quá đà của trẻ con.
Mới đây, dân mạng lại được phen cười nắc nẻ khi đọc một bài văn tả bố của một học sinh tiểu học. Theo đó, học trò đã dùng sức mạnh của ngôn từ để khen ngợi bố hết lời nhưng có vẻ càng về cuối bài càng có nhiều chi tiết mà nếu ai không biết chắc ngỡ như mình đang đọc truyện kiếm hiệp.
Học sinh này có cách mở đoạn khá trôi chảy: "Bố tôi là một người vô cùng tốt bụng, tôi nghe các ông bà hàng xóm nói vậy. Ở hàng xóm láng giềng khi gặp sự cố như tivi hỏng hay chập điện, bố tôi luôn sang giúp rất tận tình. Khi có đợt ủng hộ đồng bào bão lụt hay thiên tai, bố tôi luôn là người đầu tiên đăng ký.
Bố rất thấu hiểu mọi tâm sự tình cảm của anh em chúng tôi. Bố luôn dạy cho chúng tôi những triết lý sống sâu sắc và luôn dạy bảo chúng tôi là khi đã làm gì thì phải làm đến cùng và không được bao giờ bỏ cuộc. Bố tôi còn là một người thông minh và sắc sảo".
Ở phần sau, những tình tiết ly kỳ xuất hiện chẳng hạn: "Thỉnh thoảng, ở sở cảnh sát cạnh công ty bố có vài vụ án vướng mắc, bố tôi luôn cùng các thám tử suy luận và tìm ra chân tướng của vụ án.
Ngoài ra, bố còn là một người vô cùng hào hiệp. Tôi nghe mẹ tôi kể hơn 20 năm trước chính bố đã giải cứu mẹ khỏi một băng giết người cướp của. Bố mặc sự hiểm nguy chính mình đã lần theo băng cướp và dùng võ Kungfu đánh tan băng cướp có vũ trang và giải cứu đám con tin an toàn.
Ngay sau đó bố tôi đã được nhà nước khen thưởng. Nghe mẹ tôi kể mà tôi thấy khâm phục bố. Đối với tôi, bố luôn là một con người tuyệt vời và đáng khâm phục mà tôi luôn kính trọng. Tôi tự hào sẽ học hỏi bố và cố gắng học thật giỏi để bố vui lòng."
Nhiều người cho rằng cậu bé là fan của những bộ phim có yếu tố kiếm hiệp, hành động hay trinh thám nên cách miêu tả bố cũng vì thế mà "đậm mùi" của những cuốn tiểu thuyết điều tra, phá án giật gân. Có lẽ người bố này đúng thật là có những hành động nghĩa hiệp đáng tuyên dương nhưng vì trí tưởng tượng quá phong phú mà cậu bé đã phóng đại thành một câu chuyện ly kỳ như trên. Đến cô giáo cũng phải thốt lên về bài làm này trong phần lời phê.
Đúng là không thể đùa được với suy nghĩ của trẻ con. Có khi lớn lên, cậu bé sẽ theo đuổi nghề nghiệp của một nhà văn viết truyện trinh thám cũng nên.
Theo BOB (Doanh Nghiệp & Tiếp Thị)