Ngành y là một ngành đặc biệt, vì lẽ đó thầy thuốc không chỉ vất vả mà còn chịu rất nhiều áp lực. Câu chuyện trực tiếp do ThS.BS Thẩm Trương Khánh Vân, Phó khoa Chấn thương, BV Mắt TƯ trải qua trong tua trực ngày 20/4 là một phần trong đó.
BS Vân cho biết, từ 12h trưa ngày 20/4, chị nhận tua trực, là bác sĩ cọc 1 trực điều hành. Dù là thứ 7 nhưng bệnh nhân nặng vào viện khám, cấp cứu đông bất thường khi đến tối cùng ngày, kíp trực khám tổng cộng 36 bệnh nhân, 10 ca cấp cứu, trong đó có tới 9 ca phải phẫu thuật ngay lập tức.
Dù vậy, nhân lực trực rất mỏng, ngoài BS Vân chỉ có thêm 5 người khác gồm 1 điều dưỡng, 2 bác sĩ cọc 2 và 2 học viên.
Do quá đông bệnh nhân, đến 21h30, kíp trực vẫn phải chia đôi thành 2 kíp, 1 kíp khám, 1 kíp tranh thủ đi ăn để 22h lên mổ cấp cứu.
BS Vân chia sẻ, phẫu thuật mắt rất đặc thù vì đều là vi phẫu dưới kính hiển vi, các thao tác phải chuẩn xác tới từng mm, có những ca mổ 3 tiếng mới xong. Trong mỗi ca trực, bác sĩ sẽ phải phân định được ca nào nặng, ca nào nhẹ, ca nào cần làm sớm, ca nào có thể trì hoãn hoặc buộc phải trì hoãn.
Tuy nhiên tất cả các bệnh nhân đều cần hoàn thành các thủ tục như tạo giấy nhập viện, làm bệnh án, kê đơn thuốc, tạo biên bản mổ, giải thích người nhà.... Tất cả luôn phải tuân thủ ưu tiên trước sau dựa trên tình trạng nặng nhẹ của bệnh nhân.
Ngay trong 9 bệnh nhân cấp cứu họ cũng tôn trọng nhau về trình tự, thứ tự nặng nhẹ mặc dù tất cả đều nặng và nếu như có hẳn 9 bác sĩ mổ có lẽ họ sẽ cùng được đưa vào một lượt.
Khoảng 19h30, một nữ bệnh nhân được bố đưa vào cấp cứu vì một hạt bụi bay vào mắt. Do tình trạng không quá nguy cấp, bác sĩ trực mời bệnh nhân ra ngoài chờ để hoàn thành thủ tục cho các bệnh nhân thực sự cấp cứu khác.
Tuy nhiên sau khi chờ khoảng 30 phút, bệnh nhân quay lại nói với BS Vân: “Tôi sẽ cho chị sáng nhất mạng xã hội hôm nay”, đồng thời vu khống rằng: “Các bác sĩ bảo mắt không chết người được nên từ từ.
“Kèm theo đó, bệnh nhân nói: “Các chị có biết vì sao nhân viên y tế các chị bị đánh không? Chính vì chờ đợi như thế này nên các chị bị đánh đấy!!!", BS Vân kể lại.
BS Vân cho biết, do chỉ có 1 kính hiển vi khám bệnh, 1 máy tính để giải quyết tất cả các thủ tục hành chính và khám chữa bệnh nên bác sĩ cũng cần chờ có máy và tôn trọng các bệnh nhân cấp cứu khác. Có thể bệnh nhân thấy bác sĩ đứng chờ máy, không làm gì nên bức xúc.
Theo BS Vân, bụi bay vào mắt có thể gây xước giác mạc, gây khó chịu nhưng đâu đã là gì với những bệnh nhân cần cấp cứu thực sự, vì nếu không được mổ ngay, chắc chắn họ sẽ mù vĩnh viễn.
Một số bệnh nhân khác đang chờ đợi chứng kiến sự việc đã sẵn sàng để lại số điện thoại để làm chứng toàn bộ vụ việc.
“Bệnh nhân bị hạt bụi không to nhưng cứa vào lòng nhân viên y tế một vết thương vô cùng lớn. Khi đã tìm đến bác sĩ kịp thời thì hạt bụi chắc chắn không thể làm hỏng mắt bạn vì họ biết nếu bạn có bằng lòng nhường thứ tự cho người cấp cứu để lùi lại ít thời gian ngồi đợi thì tất cả cùng tốt biết bao!”, BS Vân chia sẻ.
Theo Thúy Hạnh (VietNamNet)