Mẹ đơn thân "ngậm quả đắng" vì gặp sở khanh
Người phụ nữ mà chúng tôi đã nói tới trong câu chuyện này là chị Nguyễn Thị H. (37 tuổi), trú tại huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên. Sở dĩ, chị này không muốn nêu đích danh tên, địa chỉ của mình vì sợ bố mẹ, gia đình, người thân, bạn bè đau lòng, người đời dèm pha vì "dại trai" để phải "ngậm quả đắng".
Trao đổi với PV, chị H. cho biết, đầu năm 2017, qua mạng xã hội Facebook, chị quen với anh Hồ Văn Đ. (35 tuổi), trú tại thôn Hợp Liên, xã Đồng Hợp, huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An. Cả chị H. và anh Đ. đều đã ly hôn, hiện đang nuôi con nhỏ.
Quen nhau được một thời gian, anh Đ. đã đưa mẹ, anh em ra Thái Nguyên thăm nhà chị H. và xin phép gia đình đón chị này và con gái (6 tuổi) vào Nghệ An chung sống với nhau, để xây dựng hạnh phúc.
Dù còn lưỡng lự, nhưng thấy anh Đ. có tình cảm chân thành, nhiều lần đi lại xa xôi vất vả, muốn cho mình có chỗ dựa tinh thần và con gái có "cha" nên chị H. đồng ý theo "chồng" vào Nghệ An.
Khi đi chị H. mang theo khoảng 100 triệu đồng (tiền mặt và vàng). Đây là số tiền chị tích góp được trong quá trình mở quán cắt tóc, gội đầu ở quê nhà. Do tin tưởng "chồng hờ" nên chị H. đã trao hết số tiền mình mang theo cho anh Đ. để anh này xây ki ốt, sửa nhà tại Hợp Liên, xã Đồng Hợp, huyện Quỳ Hợp (bám mặt đường QL48) để làm quán cắt tóc.
Thời gian đầu, cuộc sống yên ả trôi qua, chị H. cảm thấy hạnh phúc khi nghĩ rằng mình đã tìm được người đàn ông đích thực. Chị đã mơ về ngôi nhà nhỏ, một đám cưới ấm cúng, những ‘thiên thần" sẽ ra đời trong tương lai.
Ít tháng sau, công việc làm ăn của anh Đ. bên Lào không thuận lợi. Anh này rơi vào nợ nần, vay mượn. Cuộc sống "vợ chồng" bắt đầu xảy ra mâu thuẫn, rạn nứt từ đây.
Không muốn tiếp tục ở lại, chị H. đã trao đổi với "mẹ chồng" anh Đ. để xin cho mình đưa con gái về quê. Chị này cũng đặt vấn đề cho mình xin lại số tiền đã đưa cho anh Đ. trước đó để xây ki ốt, sửa nhà (hiện tại, nhà và ki ốt anh Đ. đang cho thuê lại). Tuy nhiên, với lý do làm ăn thất bát, nợ nần nên anh này chưa có tiền trả cho "vợ" và viết giấy xin nhận nợ.
"Vợ hờ" ra đi tay trắng và còn bị bắt chịu tiền ăn hỏi để… gạt nợ
Để mẹ con chị H. yên tâm ra đi, anh Đ. đã viết giấy "vay tiền" nhận nợ với số tiền 40 triệu đồng cho chị này trở về quê.
Anh Đ. cam kết, số tiền 40 triệu đồng sẽ được anh này trả đủ vào tháng 12/2017. Tuy nhiên, tới nay, chị H. nhiều lần liên hệ đòi tiền, nhưng anh Đ. chưa chi trả đồng nào.
Anh Đ. còn nhắn tin nói với chị H., tiền chị này thuê ki ốt của gia đình anh trong 6 tháng là 10 triệu đồng, 20 triệu tiền lễ ăn hỏi và thuê xe, 10 triệu tiền anh này đi lại (10 triệu/10 lần) từ Nghệ An ra Thái Nguyên để "tìm hiểu" lấy vợ. Như vậy, anh Đ. cho rằng, tổng số tiền mà chị H. đang nợ anh là 40 triệu đồng – nó cũng bằng số tiền anh viết giấy nhận nợ khi chị này tay trắng ra đi. Như vậy, giữa anh chị đã hết nợ nần với nhau (?!).
Khi đọc tới đây, chị H. đã nghẹn ngào không nói nên lời. Do theo tiếng gọi của tình yêu, tin tưởng vào "chồng" mà chị đã trao hết vốn liếng tích góp được cho anh xây ki ốt, sửa nhà. Nay, mẹ con phải dắt nhau về quê ngoại bằng 2 bàn tay trắng, còn bị tính tiền ăn hỏi, tiền xe… "chồng hờ" đi hỏi vợ để gán nợ, trừ nợ.
Dù đau xót, nhưng vì sợ bố mẹ, anh em đau lòng, người đời dèm pha nên chị đành im lặng, chịu đựng mấy năm qua. Nhưng do hiện chị đang bị bệnh nặng (hở van tim 3 lá) nên tìm cách đòi lại tiền từ "chồng hờ" để mua thuốc.
Để có thông tin đa chiều về vụ việc, PV báo Người Đưa Tin đã liên hệ với anh Đ. xác minh thực hư câu chuyện trên. Anh này xác nhận, chị H. theo anh về quê chung sống một thời gian là đúng sự thật. Trong quá trình chung sống, chị này có đưa cho anh Đ. tiền để xây ki ốt, sửa nhà với mục đích xây dựng hạnh phúc lâu dài. Tuy nhiên, anh này cho hay, số tiền không tới 100 triệu đồng như chị H. nói. Khi PV hỏi, chính xác số tiền chị H. đưa cho anh này là bao nhiêu thì anh Đ. nói "không nhớ rõ" (?!).
Anh Đ. cũng thừa nhận, mình đã viết giấy nhận nợ (giấy vay tiền) 40 triệu đồng để mẹ con chị này trở về quê. Hiện tại, do làm ăn khó khăn nên anh chưa trả được chứ không có ý quỵt tiền nợ của chị H..
Thời gian tới về nước (anh Đ. đang làm việc ở nước ngoài), anh này sẽ gọi chị H. vào tính toán hết nợ nần với nhau.
"Số tiền thuê ki ốt, tiền ăn hỏi, tiền thuê xe và đi lại tôi hỏi vợ đã tính cả. Nếu chị H. làm căng thì tôi phải tính để trừ vào số tiền nợ rồi", anh Đ. nói.
Ông Trần Xuân Lục, Chủ tịch UBND xã Đồng Hợp cho biết, năm 2017, anh Đ. có đưa một người phụ nữ ở Thái Nguyên thỉnh thoảng về địa phương ở, "cặp kè" và chung sống với nhau. Do địa bàn rộng, lại ở miền núi nên chính quyền không quản lý hết được khi họ chung sống như vợ chồng, nhưng không đăng ký kết hôn.
Theo Xuân Chinh (Nguoiduatin.vn)