1. Luôn nhận lỗi thay con
Để giúp con rèn luyện tính cẩn thận, các bậc phụ huynh tại Đức thường sẽ tạo cơ hội cho các bé trải nghiệm cảm giác thất bại để rút ra bài học: "Con phải chịu trách nhiệm đối với mọi hành động của chính mình".
Trong khi đó, nhiều bậc cha mẹ châu Á thường mang tâm lý tự trách và hổ thẹn khi con cái vấp ngã hay gặp phải thật bại. Cũng bởi điều này mà không ít trẻ em dần hình thành cách sống thiếu trách nhiệm và mang tâm lý đổ lỗi.
Ví dụ, khi đi học quên mang đồ dùng, có trẻ sẽ không nhận lỗi mà "đổ thừa" cho cha mẹ và quở trách người thân: "Do bố/mẹ con không nhắc, làm cho con bị cô giáo mắng!".
Khi đó, phản ứng thường thấy ở nhiều bậc phụ huynh là sự áy náy kèm theo lời xin lỗi: "Ba/mẹ vội quá nên quên mất, lần sau ba/mẹ sẽ nhắc con".
Việc lặp đi lặp lại của hành động "tự vơ lỗi vào người" từ phía cha mẹ sẽ khiến con trẻ không còn cảm giác áy náy khi làm sai, thậm chí còn tìm cách đổ lỗi cho người khác.
Lời khuyên:
Hành động "tự nhận lỗi về mình" ngay cả khi không sai của các bậc cha mẹ là một trong những biểu hiện nuông chiều con trẻ thái quá.
Nhưng sự nuông chiều ấy không những không mang lại hạnh phúc cho các bé mà còn biến con em chúng ta trở thành những người thiếu trách nhiệm do quan điểm lệch lạc.
Nếu các bậc cha mẹ không xóa bỏ thói quen này, con cái của chúng ta sẽ không thể trở thành những người có trách nhiệm. Khi gặp khó khăn, các em sẽ chẳng bao giờ tìm ra căn nguyên của vấn đề, càng không thể tiến bộ đi lên.
2. Luôn ép con cái phải nghe lời
Từ lâu, không ít bậc phụ huynh đã coi việc con trẻ có nghe lời hay không trở thành tiêu chuẩn để đánh giá "độ ngoan" của các bé.
Trong quan niệm của nhiều người, việc con cái không đi theo đúng con đường mà họ đã vạch sẵn chính là một kiểu "phản nghịch".
Trong cuộc sống, chúng ta gặp không ít những người quản thúc con cái một cách thái quá ngay cả khi các em đã trưởng thành. Thái độ nghiêm khắc không cần thiết này sẽ biến thế hệ con em trở thành "con rối" trong tay cha mẹ, khiến các em trở nên ba phải, phụ thuộc vì không có lập trường, quan điểm riêng.
Cần phải nhấn mạnh rằng, những hành vi này thể hiện sự ích kỷ của các bậc phụ huynh thiếu tiến bộ. Họ đem những lý tưởng mà bản thân chưa thực hiện được để áp đặt lên con cái.
Thậm chí, có một số cha mẹ vì sự nghiệp không thuận lợi, gia cảnh khó khăn mà đem hết sức lực, của cải để bồi dưỡng con em phát triển theo định hướng của họ, mặc kệ điều đó có phù hợp với tâm lý và năng lực của trẻ hay không.
Lời khuyên:
Việc bắt con trẻ "sống cuộc đời của người khác" thay cha mẹ sẽ khiến các em bị phụ thuộc vào gia đình, dần trở nên mất phương hướng, không còn biết bản thân thích gì, muốn làm gì.
Những bức bách bủa vây từ gia đình thậm chí sẽ khiến các em rơi vào tình trạng trầm cảm, chán ghét người thân.
Điều này còn có thể gây ảnh hưởng tới thế hệ cháu chắt của chúng ta. Bởi những đứa trẻ lớn lên trong áp lực sẽ lại tìm cách bắt con cái của mình chịu đựng những áp lực này, từ đó "dẫm lên vết xe đổ" mà chính bố mẹ đã từng làm với các em.
3. Luôn đem con ra để... "khoe"
Một đặc điểm thường thấy ở các bậc phụ huynh hiện nay chính là thói quen "khoe con" trước mặt người ngoài. Mọi thành tích lớn nhỏ từ điểm học trên lớp tới điểm thi đều được các ông bố, bà mẹ cật lực phô trương với suy nghĩ khiến gia đình "nở mày nở mặt".
Chưa dừng lại ở đó, nhiều người còn thường xuyên đem sự chăm chút dành cho con thành thứ để đánh bóng tên tuổi trước mặt bạn bè. Mua sắm cho con cái gì, đưa con đi học thêm ở đâu, tiền học tốn kém biết chừng nào… đều có thể trở thành chủ đề tán gẫu hàng giờ của các bậc phụ huynh.
Cũng xuất phát từ nguyên nhân này, không ít các gia đình đầu tư cho con cái một cách vô tội vạ chỉ vì muốn con không thua kém so với bạn bè.
Nhưng cũng chẳng biết từ bao giờ, con trẻ dần trở thành vật tham chiếu để cha mẹ đem ra so sánh với thiên hạ. Sự phô trương của các bậc phụ huynh chẳng những không mang lại cho các bé niềm vui, mà còn gia tăng cho các em áp lực, biến con cái trở thành kẻ hay ghen tị, khoác lác, sĩ diện hão…
4. Quá tập trung vào con cái
Con cái luôn được coi là "trung tâm" của gia đình. Nhưng đừng vì vậy mà biến các bé trở thành "cái rốn của vũ trụ".
Có không ít các bậc cha mẹ cả đời lao lực vì con em đến nỗi vô tình đánh mất giá trị sống của bản thân mình.
Sau khi có con, nhiều ông bố, bà mẹ tự biến mình thành vệ tinh vây quanh con trẻ.
Họ ít liên lạc với bạn bè, chẳng có nhu cầu giao lưu xã hội, ngay đến vốn thời gian rảnh rỗi cũng vô cùng hạn hẹp. Vì con cái, họ sẵn sàng từ chối tất cả các buổi tụ họp, thậm chí buông lơi cả tiền đồ xán lạn của mình.
Trong quan niệm của những bậc phụ huynh ấy, họ tin rằng bố mẹ tốt là những người phải một lòng một dạ vì con mà hy sinh tất cả.
Nhưng điều đó liệu có phải là tốt hay không?
Trên thực tế, điều gì cũng có tính hai mặt của nó. Sự hy sinh của cha mẹ cũng không phải ngoại lệ.
Quan tâm, chăm lo thái quá tới con trẻ ngược lại chỉ khiến các em luôn mang trong mình cảm giác thiếu thốn, áy náy, bị lệ thuộc vào gia đình.
5. Chăm lo cho con cái quá cặn kẽ
Trong cuộc sống, chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp cảnh một người mẹ thức đêm giặt quần áo cho con, một người bố sáng sớm vội vã đi mua đồ ăn cho con, hay những người ông, người bà đi đâu cũng tay xách nách mang giúp cháu.
Cần cù, chất phác, đảm đam là những truyền thống tốt đẹp của dân tộc, là phẩm chất ưu tú của những bậc làm cha, làm mẹ. Nhưng thay vì báo hiếu cha mẹ, nhiều đứa trẻ lớn lên trong sự yêu thương lại có thể trở thành kẻ ích kỷ, bất hiếu.
Kỳ thực, sự bao bọc thái quá chỉ khiến con tim các bé trở nên hẹp hòi, những vất vả, khổ cực của cha mẹ chỉ đổi lấy tính ích kỷ ngày một lớn dần nơi con cái.
Vì vậy, các bậc cha mẹ, ông ba nên sớm bồi dưỡng cho trẻ năng lực tự gánh vác và ý thức tự lập ngay từ khi còn nhỏ. Lúc con cái đã đủ trưởng thành, ta nên trao cho con em của mình quyền tự quyết định về cuộc đời của mình.
Lời khuyên:
Khi trẻ lên hai, ba tuổi, hãy để các con giúp bạn xách đồ mỗi lúc ra ngoài.
Lúc trẻ lên năm, lên sáu, hãy chỉ con cách quét dọn nhà cửa, rèn luyện cho con ý thức tiết kiệm điện, nhắc nhở con tự dọn dẹp căn phòng của mình.
Khi trẻ đã ở tuổi đến trường, hãy phổ cập cho con những kiến thức tự vệ, tạo điều kiện cho con tự đi học, đi mua đồ giúp bố mẹ.
Vào ngày nghỉ, thay về để con trẻ ăn ngủ chán chê hay nô đùa thái quá, bạn nên dành thời gian chỉ con cách dọn dẹp vệ sinh nhà cửa.
Lúc con trẻ đã lên trung học, hãy để các bé tự quản lý tiền sinh hoạt của mình, để các con biết chi tiêu một cách khoa học, tiết kiệm.
Cuộc đời là cả một quãng đường dài cần con cái của chúng ta tự mình bước đi, tự mình đứng dậy sau vấp ngã. Hãy chấp nhận để con bạn chịu khổ một chút, bởi càng sớm chịu đựng vất vả, các em mới có thể sớm trưởng thành và thành công.
Theo T.Quỳnh (Soha/Trí Thức Trẻ)