"5 con tôi hôm nào đi học cũng mang theo đồ ăn mẹ làm và không tốn đồng nào cho căng tin trường", chị Đào kể.
Hai vợ chồng tôi lấy nhau khi cả hai tay trắng, chưa có bất cứ tài sản gì và chỉ đi làm công ăn lương. Chồng tôi có mức lượng ổn, còn thu nhập từ nghề chính của tôi (làm văn phòng tại một trường đại học) không mấy cao nên tôi có thêm nghề tay trái là dạy nhạc.
Ngày chưa có con, tôi cũng thuộc dạng "phóng khoáng", cứ thích gì là mua, chẳng bao giờ tính toán hay xem lại hóa đơn chi tiêu. Vì sự quá tay đó mà tôi hầu như không để dành được bao nhiêu dù đi làm chăm chỉ.
Chị Lâm Anh Đào kể, chiếc áo khoác mình mặc mua giảm giá chỉ có giá 120 đôla Australia trong khi giá thường là 370 đôla. |
Từ lúc sinh con, tự thấy nếu tiếp tục kiểu chi tiêu này thì không ổn nên tôi đã cố gắng điều chỉnh. Từ một người vụng về, chẳng biết nấu nướng gì, tôi học hỏi để tự tay nấu cho con ăn chứ không mua đồ hộp như nhiều mẹ khác ở bên này. Ngay cả khi gửi con đi nhà trẻ từ lúc 4 tháng tuổi để đi làm, tôi cũng luôn gửi kèm chiếc hũ đựng thức ăn do mình làm theo. Nhiều người quen thấy vậy gọi tôi là "bà mẹ hà tiện", thậm chí, có chị phụ huynh gửi con cùng lớp còn mua tặng 20 hũ đồ ăn chế biến sẵn, có lẽ vì tội nghiệp con tôi có mẹ "ky".
Đến khi các con đi học, tôi lại tiếp tục "hà tiện" kiểu này với mục đích chính là bảo vệ sức khỏe cho con.
Để các con có bữa ăn trưa đầy đủ chất, tôi giảm một tiếng ngủ nướng, sáng nào cũng dậy tầm 5 giờ. Sau khi chạy bộ hay tập yoga, tôi làm đồ ăn sáng và chuẩn bị bữa trưa để cả nhà mang đi học, đi làm. Một suất ăn trưa ở ngoài giá15-20 đôla Australia. Nếu cả nhà cùng ăn tiệm buổi trưa, mỗi ngày chúng tôi sẽ tốn hàng trăm đôla. 10 năm con đi học, tôi chưa bao giờ để con phải mua đồ chiên nướng ở căng tin và nhờ vậy các bé không trở thành tâm điểm của bệnh béo phì như nhiều bạn cùng lứa, lại có thể ăn được cả đồ Tây lẫn đồ Việt.
Thông thường tôi chi một tuần đi chợ cho 7 người ăn là 200 đô nhưng hầu như chưa bao giờ dùng hết số tiền này vì biết linh hoạt chọn đồ dựa theo mặt hàng được bày bán và món được giảm giá từng hôm. Chẳng hạn, thông thường cửa hàng sẽ bán 3 bó rau là 2 đôla, còn một bó là một đôla. Tôi sẽ mua 3 bó, một để nấu canh, một xào và một luộc. Tôi thường mua những đồ được giảm giá nhưng đảm bảo tươi ngon, chỉ có điều hạn không còn lâu. Điều quan trọng là mình mua về làm ngay và tuyệt đối không mua nhiều bỏ ngăn đá tủ lạnh. Nếu khéo léo tính toán, mỗi tuần bạn cũng tiết kiệm 30-40 đôla, tuy không nhiều nhưng góp gió sẽ thành bão.
Với các đồ thiết yếu cho gia đình như xà phòng rửa tay, xà phòng giặt, giấy lau tay... tôi cũng thường canh đợt giảm giá sâu là mua nhiều dùng hơn 3-4 tháng.
Cuối tuần người Việt có thói quen ra tiệm ăn phở hay bún. Tôi tự mua thịt hay xương về nấu được nồi bún bò Huế to chỉ tốn khoảng 30-45 đôla trong khi ăn ngoài tốn số tiền gấp đôi trở lên.
Chị Lâm Anh Đào và 4 cô con gái. Ảnh: NVCC. |
Về trang phục, thích mặc đẹp cho con và bản thân, tiêu chí của tôi là đồ phải đẹp, bền và rẻ. Thường đồ đẹp, chất liệu tốt sẽ không rẻ, vì vậy tôi phải canh... thời tiết, tức là luôn đợi dịp giảm giá khi giao mùa. Ví dụ, một chiếc áo khoác chất lượng có giá bình thường là 370 đôla, nhưng tới cuối mùa thì giá chỉ còn 120 đô la.
Tôi sẽ chọn các món đồ cơ bản, không bao giờ bị lỗi mốt để mặc được lâu. Cứ sắp sang hè, tôi sẽ đi mua đồ đông và ngược lại khi sắp tới đông thì mua đồ mát cho cả gia đình.
Số tiền tiết kiệm từ mua sắm đó, tôi để dành mua sách và quần áo mới cho các con vào đầu năm học vì những món này thường không bao giờ hạ giá và tốn khá nhiều
Với một gia đình đông con, chi phí cho trẻ là cả một vấn đề lớn. Tôi quan niệm, khi con còn nhỏ mình phải cố gắng làm việc, để tới khi con lớn hơn, mình có thời gian dạy con nhiều. Cách này không chỉ giúp tôi biết ưu tiên từng việc ở từng giai đoạn mà còn thực sự tiết kiệm được khá nhiều chi phí giáo dục trẻ.
Tất cả các con của tôi đều học trường công nên học phí rẻ hơn trường tư. Tôi rèn cho con ý thức tự học từ nhỏ, đồng thời luôn dành thời gian kiểm tra, kèm con vào mỗi tối nên không bé nào phải đi học thêm. Nhiều gia đình khác, khi con vào lớp 3-4 thì thường cho con đi học thêm, mỗi tiếng tốn 30 đôla. Hiện nay, con gái thứ hai đang học lớp 9 của tôi còn dạy thêm toán và Anh văn cho trẻ nhỏ hơn và dành 2 tiếng dạy nhạc tại trường. Anh lớn nhất cũng dạy đánh trống cho 3 học trò nhí. Các con học tập tính tiết kiệm của mẹ, không bao giờ đòi mua sắm đồ gì. Số tiền các con có được từ việc dạy thêm được mẹ mở tài khoản để gửi tiền vào đó.
Ông xã cũng góp phần "hà tiện" cùng vợ. Anh không uống bia rượu, không hút thuốc, tan làm là về nhà phụ vợ, chăm con, chỉ thỉnh thoảng tốn tiền mời vợ đi ăn trưa để "hâm nóng".
Nhờ "hà tiện" như vậy cộng với chăm chỉ làm ăn và tính toán chi ly, sau 23 năm lấy nhau, vợ chồng tôi đã lo cho 5 con ăn học đầy đủ và dần tích cóp mua được xe, nhà lớn ở trung tâm, thuận tiện cho con cái học hành.
Bây giờ tôi bắt đầu chọn việc chứ không để việc chọn tôi. Tôi xin làm 4 ngày/một tuần và giờ giấc phù hợp với việc đưa đón con. Việc làm cuối tuần không còn là việc kiếm tiền mà là tình yêu âm nhạc nên tôi vẫn giữ. Dù cuộc sống khá sung túc, tôi vẫn đi làm với bộ đồ giản dị và khi trở về nhà là vào bếp nấu đủ các món đồ ăn, bánh trái.
Theo L.A.Đào (VnExpress.net)