1. Tập cho con thói quen liên lạc bằng điện thoại với bố mẹ khi ở bất kì nơi đâu
Hãy tạo lập một thói quen luôn giữ liên lạc giữa các thành viên trong gia đình và gọi điện thoại thông báo khi ở bất cứ nơi đâu: ở trường, ở nhà, nơi làm việc hay đến một địa điểm nào đó. Bố mẹ nên là những người làm gương trước, tạo thành một thói quen, nếp sống trong gia đình, từ đó các con sẽ bắt chước để làm theo. Đây không chỉ là quy tắc an toàn mà còn là cách thể hiện sự quan tâm giữa các thành viên trong gia đình với nhau.
2. Luôn để tâm đến những tình tiết, câu chuyện bất thường mà con kể
Nếu con nói với bạn điều gì đó đáng ngờ, liên quan đến bạn bè, giáo viên hay những người lạ thì bố mẹ đừng bao giờ lơ là. Những mối đe dọa như bắt cóc, ấu dâm luôn rình rập quanh con, vì vậy bất kì tình tiết nào con chia sẻ với bố mẹ cũng đều rất quan trọng.
Nếu con bất ngờ gọi cho bạn và muốn bạn đón con, hãy lập tức làm ngay. Bởi có lẽ con có điều gì đó nghi ngờ, lo sợ mà không thể nói với bạn qua điện thoại.
3. Ghi lại số điện thoại từ bạn bè, giáo viên của con, dịch vụ cứu hộ khẩn cấp và tổ chức tình nguyện
Trường hợp con không về nhà đúng giờ, hãy nhắn tin, gọi điện cho người thân, bạn bè, giáo viên của con, tất cả những ai bạn có thể liên lạc. Trường hợp xấu nếu con mất tích thì mỗi giây phút đều quý giá. Ngoài ra bố mẹ có thể lập tức liên hệ với đường dây nóng của tổ chức cứu hộ.
4. Trước khi đến sự kiện đông người, hãy chụp ảnh chân dung của con
Nếu con có lỡ đi lạc thì việc miêu tả đặc điểm nhận dạng khuôn mặt, trang phục của con bằng lời nói sẽ khó khăn hơn nhiều so với việc bạn đưa cho mọi người xem hình ảnh của con. Hình ảnh vừa mới chụp ngay trước khi con đi lạc sẽ vô cùng hữu ích để mọi người hỗ trợ tìm kiếm.
5. Nếu con đi lạc, việc đầu tiên cần làm là ngay lập tức tìm kiếm
Dù bất cứ lý do gì khiến trẻ đi lạc, điều cần làm đầu tiên là lập tức tìm kiếm con. Trong trường hợp xấu nhất, chính thời gian là yếu tố chống lại bạn.
6. Dạy con cách xử lý tình huống khó
Trong nhiều trường hợp khẩn cấp, các con sẽ dễ bị lúng túng không biết xử lý ra sao dù con có nắm được lý thuyết. Bố mẹ nên thường xuyên trang bị kiến thức và thực hành cùng con. Lặp đi lặp lại số điện thoại của bố mẹ, đưa ra tình huống giả định và luyện tập như làm gì nếu con bị lạc trong cửa hàng, không thể tìm thấy bố mẹ trên phương tiện giao thông công cộng, nếu một người lạ mặt cố gắng đưa con đi bằng cách cho con kẹo hoặc giả vờ cần sự giúp đỡ. Bạn có thể hướng dẫn con thực hành tại địa điểm cụ thể, tập cho con hét lớn để tìm sự giúp đỡ.
7. Chụp ảnh đế giày của con
Những tình huống như khi vào rừng hái nấm hoặc picnic tại công viên, hình ảnh đế giày của con sẽ rất giúp ích cho bạn khi con đi lạc. Vết dấu giày sẽ hỗ trợ để bố mẹ tìm đường đi của con dễ dàng hơn. Đừng cho con mặc đồ ngụy trang mà hãy lựa chọn trang phục sáng màu.
8. Xác định một địa điểm để gặp nhau nếu con bị tách ra
Nếu đến một nơi đông người (như buổi hòa nhạc, trung tâm thương mại hay công viên) mà con không may bị lạc khỏi bố mẹ, thì hãy gọi điện thoại và luôn xác định một vị trí dễ nhận biết nhất để gặp nhau. Tốt nhất là lựa chọn những địa điểm như đài phun nước, cổng ra vào…
9. Đừng cấm cản con sử dụng mạng xã hội
Thay vào đó, nên cho phép con có tài khoản riêng và theo dõi con quan tâm đến ai, làm bạn với ai.
Hãy dạy con quy tắc về bảo mật thông tin mạng, tránh xa những trang quảng cáo trực tuyến, lừa đảo, tin nhắn rác và sự lôi kéo của những đối tượng xấu. Bố mẹ có thể cài đặt phần mềm kiểm soát dành cho phụ huynh để khóa những website nguy hiểm và theo dõi những trang web mà các con truy cập.
10. Sử dụng các ứng dụng tiện ích
Cài đặt một số ứng dụng trên điện thoại của con sẽ giúp phụ huynh xác định chính xác vị trí của con theo tọa độ và nhận về cảnh báo SOS trong trường hợp có nguy hiểm. Bạn cũng có thể sắm một chiếc máy theo dõi GPS dưới dạng một chiếc vòng tay để con mang theo mọi lúc mọi nơi.
11. Cất một mẩu giấy ghi các địa chỉ liên lạc vào trong túi quần, áo của con
Ghi lại số điện thoại, địa chỉ nhà của bạn, của bạn bè và người thân trong gia đình lên một mảnh giấy và cất trong túi quần, túi áo, túi sách của con phòng trường hợp con đi lạc. Những thông tin này sẽ giúp ích rất nhiều để mọi người xung quanh con có thể giúp liên lạc về gia đình.
12. Đừng la mắng nếu con đi lạc
Vì quá lo lắng và tức giận, nhiều phụ huynh lập tức la mắng con trẻ khi chúng đi lạc. Điều này càng khiến tâm lý trẻ nhỏ trở nên rối loạn, sợ hãi. Hơn hết, việc bố mẹ cần làm là trang bị cho con kiến thức và kĩ năng cần thiết để xử lý tình huống. Nếu con bị lạc và may mắn được tìm thấy, nên nhẹ nhàng ôm con vào lòng an ủi, để tâm lý trẻ ổn định. Khi con đã bình tĩnh, bố mẹ mới nên bắt đầu hỏi về những điều gì đã xảy ra, và hướng dẫn con nên làm gì nếu trường hợp này lặp lại.
13. Tổ chức lớp học dạy trẻ về kĩ năng tự vệ
7 trong số 9 đứa trẻ được theo dõi trong một cuộc thử nghiệm dễ dàng bị dụ đi theo người lạ mặt khi bố mẹ lơ là. Việc thiếu kiến thức, kĩ năng khiến các con dễ rơi vào tình huống nguy hiểm. Bạn hãy sắp xếp bài giảng hoặc khóa tập huấn dành cho con và bạn bè của con về những trường hợp nguy hiểm và cách phòng tránh, xử lý.
Theo M.Phương (Trí Thức Trẻ)