Theo đó, Việt Nam đang được xem xét là địa điểm lắp ráp tiềm năng cho thiết bị AI thế hệ mới, kết quả hợp tác giữa OpenAI và "phù thủy" thiết kế Jony Ive, người từng tạo nên biểu tượng iPhone của Apple.
Vào ngày 21/5, OpenAI đã chính thức thông báo mua lại startup phần cứng io của Jony Ive, xác nhận việc ông sẽ dẫn dắt mảng thiết kế cho các sản phẩm AI mới của công ty. Nếu kế hoạch sản xuất thiết bị này với số lượng lớn bắt đầu vào năm 2027, hoạt động lắp ráp và vận chuyển dự kiến sẽ diễn ra bên ngoài Trung Quốc nhằm giảm thiểu rủi ro địa chính trị.
Thông tin này một lần nữa củng cố nhận định của ông Lê Quang Đạm, Tổng Giám đốc Marvell Việt Nam, tại "Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025" rằng Việt Nam là "điểm đến hàng đầu của doanh nghiệp công nghệ cao". Môi trường đầu tư năng động, sự hậu thuẫn mạnh mẽ từ Chính phủ, cơ sở hạ tầng hiện đại và nguồn nhân lực chất lượng cao là những yếu tố then chốt thu hút các "ông lớn".
Đây không phải lần đầu tiên Việt Nam được các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới "chọn mặt gửi vàng". Trước đó, Meta đã lựa chọn Việt Nam để sản xuất thiết bị thực tế ảo Quest 3S, dự kiến tạo ra 1.000 việc làm và đóng góp hàng triệu USD cho nền kinh tế. Mới đây, CEO Tim Cook của Apple cũng tiết lộ rằng hầu hết các thiết bị Apple bán tại Mỹ, bao gồm iPad, Mac, Apple Watch và AirPods, đều có xuất xứ từ Việt Nam. Điều này càng khẳng định vị thế và năng lực sản xuất của Việt Nam trong chuỗi cung ứng công nghệ toàn cầu.
Về bản thân thiết bị AI đang được phát triển, Ming Chi Kuo tiết lộ nó sẽ có kích thước lớn hơn một chút so với AI Pin, nhưng mang kiểu dáng trang nhã và gọn nhẹ tương tự iPod Shuffle. Mặc dù thiết kế có thể thay đổi, nhưng chuyên gia dự đoán thiết bị này có thể đeo quanh cổ, tích hợp camera và microphone để nhận diện môi trường xung quanh, không có màn hình, và có khả năng kết nối với smartphone và PC.
Việc OpenAI công bố hợp tác với Jony Ive vào thời điểm này được Kuo nhận định là một động thái chiến lược nhằm "đánh lạc hướng" thị trường khỏi hội nghị Google I/O, nơi Google giới thiệu hệ sinh thái AI của mình – một mối đe dọa đáng kể với OpenAI.
Xu hướng "AI vật lý" – tức tích hợp trí tuệ nhân tạo vào thế giới thực – được dự đoán sẽ là bước đột phá quan trọng tiếp theo của ngành công nghệ. Sự kết hợp giữa Jony Ive và OpenAI hoàn toàn phù hợp với xu hướng này, gợi nhắc câu nói nổi tiếng của nhà khoa học máy tính Alan Kay: "Những người thực sự nghiêm túc về phần mềm nên tự làm phần cứng".
Apple, Google hay Huawei là những minh chứng điển hình cho triết lý này, khi họ đồng thời phát triển cả phần cứng lẫn phần mềm để tạo ra hệ sinh thái công nghệ toàn diện. Thành công của dự án hợp tác này trong tương lai vẫn còn là một ẩn số, nhưng tiềm năng mà nó mang lại cho ngành công nghiệp AI và vị thế sản xuất của Việt Nam là vô cùng hứa hẹn.
QT (SHTT)