Tranh cãi quanh chuyện Việt Nam nên cổ vũ hay lo sợ ChatGPT

16/02/2023 09:00:00

Có thể tạo ra luật lệ hay quy định để quản lý, nhưng nếu chỉ thấy mặt xấu của ChatGPT để rồi cấm đoán, đó sẽ là sự thất bại của giới quản lý và các nhà khoa học.

Lời toà soạn: ChatGPT là chương trình xử lý ngôn ngữ tự nhiên do OpenAI phát triển với khả năng trả lời gần như mọi câu hỏi của người sử dụng. Chỉ sau 2 tháng kể từ khi ra mắt, ChatGPT đã chạm mốc 100 triệu người dùng; bỏ xa các hiện tượng công nghệ khác. Cùng với sự nổi lên của ChatGPT, có không ít vấn đề xoay quanh chương trình AI này được "mổ xẻ". Đó là những câu chuyện về khả năng của công nghệ AI, tính ứng dụng hay các vấn đề pháp lý. VietNamNet gửi tới độc giả tuyến bài câu chuyện ChatGPT dưới góc nhìn của giới công nghệ Việt Nam.

Trong buổi tọa đàm chuyên đề về ChatGPT được tổ chức ngày 15/2 tại Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, nhiều ý kiến, góc nhìn khác nhau đã được các nhà khoa học chia sẻ về chương trình AI vốn gây nhiều tranh cãi này.

"ChatGPT không thông minh như chúng ta tưởng"

Theo TS Đặng Minh Tuấn - Viện trưởng Viện nghiên cứu ứng dụng công nghệ CMC (CMC ATI), về bản chất, ChatGPT là một con chatbot được sinh ra dựa trên mô hình ngôn ngữ xác suất (Transformer). Trong đó, các thành phần trong câu (các từ) được dự đoán theo xác suất sao cho sai số thấp nhất. Chương trình AI này không có khả năng hiểu ngữ nghĩa và không phải một hệ cơ sở dữ liệu về tri thức.

“ChatGPT giống như một con vẹt, chỉ nói theo những gì được huấn luyện chứ không hiểu về ngữ nghĩa dù người dùng tưởng như nó hiểu. Nói cách khác, ChatGPT không thông minh như chúng ta tưởng mà chỉ là một mô hình học máy dựa trên xác suất thống kê”, TS Đặng Minh Tuấn chia sẻ.

Tranh cãi quanh chuyện Việt Nam nên cổ vũ hay lo sợ ChatGPT
TS Đặng Minh Tuấn - Viện trưởng Viện nghiên cứu ứng dụng công nghệ CMC (CMC ATI). Ảnh: Trọng Đạt

Điểm nổi bật của ChatGPT là khả năng tương tác, giao tiếp như người với người. ChatGPT giúp người dùng tra cứu thông tin bằng cách đặt câu hỏi. Với lượng dữ liệu đầu vào lớn, bao gồm 115 tỷ tham số, 300 tỷ từ, cộng với nhiều nguồn dữ liệu đầu vào khác nhau, ChatGPT có thể xem là chương trình chatbot tốt nhất từ trước đến nay.

Ở chiều ngược lại, hạn chế của ChatGPT nằm ở việc có thể cho ra đời những câu trả lời không chính xác hoặc vô nghĩa, thậm chí, có sự thiên kiến do phụ thuộc dữ liệu đầu vào. Phần lớn câu trả lời của ChatGPT đều thiếu dẫn nguồn, minh chứng, dẫn đến việc người dùng cần thời gian để kiểm chứng.

Bên cạnh đó, điểm yếu của ChatGPT còn nằm ở việc thiếu khả năng sáng tạo, suy diễn do không phải là hệ cơ sở dữ liệu tri thức. Kẻ xấu cũng có thể lợi dụng công cụ này để phục vụ cho mục đích lừa đảo và gian lận.

"ChatGPT quá mạnh"

Chia sẻ góc nhìn về ChatGPT, TS Chu Cẩm Thơ - Trưởng ban Nghiên cứu đánh giá Giáo dục (Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam) cho rằng, ChatGPT quá mạnh so với các công cụ từng được biết đến trước đó.

“Những bài toán tôi lấy ở trong sách giáo khoa, ChatGPT đều giải được. Với tôi ChatGPT mạnh hơn rất nhiều so với các công cụ chatbot trước đây”, TS Chu Cẩm Thơ chia sẻ.

Ở một góc độ khác, điều làm TS Chu Cẩm Thơ nghĩ đến khi nhắc tới ChatGPT là sự đối phó của học sinh với các yêu cầu học tập, cụ thể là những hành vi gian lận.

“Đích đến của giáo dục là dạy về tư duy, với công cụ mới này, có thể dẫn đến việc các em học sinh lười suy nghĩ. Đây chính là những thách thức cho người làm quản lý giáo dục và nó sẽ tác động đến cả việc dạy và học trực tiếp ở các cơ sở giáo dục”, TS Chu Cẩm Thơ nói.

Tranh cãi quanh chuyện Việt Nam nên cổ vũ hay lo sợ ChatGPT - 1
Sau 2 tháng kể từ khi ra mắt, ChatGPT đã chạm mốc 100 triệu người dùng. Ảnh: Trọng Đạt

Với tư cách là một người từng tham gia vào công tác giảng dạy, nghiên cứu, theo PGS.TS Lê Phước Minh - Chủ tịch Hội Trí thức Khoa học và Công nghệ trẻ Việt Nam, ChatGPT khác hoàn toàn với các con chatbot mà thế giới từng biết.

“Chúng ta khi học lịch sử có khái niệm BC (Before Christ - Trước Công nguyên) và AC (After Christ - Sau Công nguyên), tiếp đến chúng ta có thời đại của BG/AG (Before/After Google - Trước/Sau Google), và tới đây tôi nghĩ chúng ta đang đối mặt với Before Chatbot và After Chatbot (Trước và sau Chatbot)”, PGS.TS Lê Phước Minh nói.

PGS.TS Lê Phước Minh đánh giá: “ChatGPT rất lý thú và tôi đang trông đợi vào sự hoàn thiện của công cụ này. Người làm nghiên cứu và giảng dạy rất khổ cực trong chuyện soạn thảo, chuẩn bị bài giảng, điều này sẽ có thể thay đổi nhờ sự xuất hiện của nó".

Tranh cãi quanh chuyện Việt Nam nên cổ vũ hay lo sợ ChatGPT - 2
PGS.TS Lê Phước Minh - Chủ tịch Hội Trí thức Khoa học và Công nghệ trẻ Việt Nam. Ảnh: Trọng Đạt

Trước những lo ngại về các khía cạnh khác của ChatGPT, PGS. TS Lê Phước Minh cho rằng, ChatGPT giống như một “khẩu súng”, vừa có mặt tiêu cực, nhưng cũng có tác dụng trong việc bảo vệ chủ quyền đất nước.

“Chúng ta có thể có luật lệ hay quy định để quản lý, nhưng nếu chỉ thấy mặt xấu của ChatGPT để rồi cấm đoán thì đó là sự thất bại của giới quản lý và các nhà khoa học”, PGS. TS Lê Phước Minh nói.

Ở góc độ quản lý nhà nước, theo TS Chử Đức Hoàng - Chánh văn phòng Quỹ đổi mới sáng tạo Khoa học Công nghệ (Bộ Khoa học & Công nghệ), ChatGPT hay các chương trình AI đều chỉ là công cụ. Việc ứng xử với những công cụ này như thế nào sẽ phụ thuộc vào nhiều khía cạnh.

Đầu tiên, cần thúc đẩy việc nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ. Với những thứ quá mới, chúng ta cần tạo ra cơ chế thử nghiệm (sandbox) và bám theo chủ trương, định hướng của Đảng, Chính phủ và Nhà nước về phát triển khoa học công nghệ để thúc đẩy công nghiệp 4.0.

Theo Trọng Đạt (ICT News)

Nổi bật