Lời tòa soạn: ChatGPT là chương trình xử lý ngôn ngữ tự nhiên do OpenAI phát triển với khả năng trả lời gần như mọi câu hỏi của người sử dụng. Chỉ sau 2 tháng kể từ khi ra mắt, ChatGPT đã chạm mốc 100 triệu người dùng; bỏ xa các hiện tượng công nghệ khác. Cùng với sự nổi lên của ChatGPT, có không ít vấn đề xoay quanh chương trình AI này được "mổ xẻ". Đó là những câu chuyện về khả năng của công nghệ AI, tính ứng dụng hay các vấn đề pháp lý. VietNamNet gửi tới độc giả tuyến bài câu chuyện ChatGPT dưới góc nhìn của giới công nghệ Việt Nam.
Doanh nghiệp công nghệ Việt Nam có thể dùng lõi công nghệ của những ông lớn để phát triển. Những công ty siêu quy mô sẽ không thể giải quyết các bài toán cụ thể, theo phạm vi hẹp, mang tính địa phương hóa. Đây là cơ hội cho các công ty Việt Nam có thể hợp tác với Big Tech để phát triển.
Ông Nguyễn Mạnh Quý - Giám đốc Trung tâm Không gian mạng Viettel (Viettel Cyberspace) cho biết như vậy khi trao đổi với VietNamNet về tác động của ChatGPT và ứng dụng trí tuệ nhân tạo tại Việt Nam. Trung tâm ông Qúy làm việc là đơn vị chuyên phát triển các giải pháp AI của Viettel với sản phẩm là Hệ thống chặn tin nhắn rác Antispam, Nền tảng AI (Viettel AI Open Platform) và Tổng đài tự động Cyberbot Callbot.
Theo góc nhìn của một chuyên gia, ông đánh giá ra sao về ChatGPT? Con chatbot này liệu có “thần thánh” như nhiều người vẫn nghĩ?
Theo tôi, ChatGPT là một bước đột phá mới trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo. Trước khi ChatGPT ra đời, các chatbot trên thị trường được phát triển theo hướng phạm vi hẹp, ngành hẹp. Ví dụ một con chatbot chăm sóc khách hàng chỉ có thể trả lời các nội dung hẹp liên quan đến công việc của mình.
Với ChatGPT, chương trình này sử dụng một lượng dữ liệu khổng lồ từ Open AI. Theo thông tin ban đầu, trong năm qua họ đã đầu tư 1 tỷ USD cho các mô hình GPT 1, GPT 2, GPT 3 và mới đây nhất là GPT 3,5. Với tập hợp dữ liệu lớn như vậy, ChatGPT giống như một cuốn bách khoa toàn thư ảo.
Khi người dùng hỏi, mô hình chatbot này sẽ lấy dữ liệu đã được xác thực như sách báo, tài liệu, ngoài ra bổ sung thêm dữ liệu trên Internet, website, mạng xã hội... để trả lời, giống như một “ông biết tuốt”. Tuy nhiên, ChatGPT chỉ có thể đưa ra kết quả về dữ liệu rộng, nếu chuyên sâu thì không thể trả lời được.
Trên thế giới liệu đã có chương trình chatbot nào có khả năng tương tự như ChatGPT?
Đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có mô hình chatbot nào như vậy. Sở dĩ ChatGPT phát triển rất nhanh và trở thành cơn sốt bởi mọi người hỏi gì nó cũng có thể trả lời. Nguyên nhân thứ hai là ChatGPT có khả năng sáng tạo nội dung theo chủ đề nhất định. Đây là những yếu tố giúp người dùng có thể sử dụng ChatGPT nhằm tối ưu công việc.
Theo tôi nhận thấy, cùng một câu hỏi nhưng khi hỏi nhiều lần thì cách thức trả lời của ChatGPT không giống nhau. Chính người sáng tạo ra ChatGPT cũng đưa ra lời khuyên là công cụ chỉ dùng để tham khảo chứ không có khả năng đưa ra câu trả lời chính xác.
Với Google, nếu chúng ta gõ một nội dung cần tìm kiếm, nó sẽ đưa ra hàng ngàn câu trả lời khác nhau (các website). Với ChatGPT, điểm mạnh của chương trình này là chỉ cho ra một đoạn text ngắn gọn, tóm tắt được nội dung câu trả lời sau khi tìm kiếm thông tin.
Thế nhưng, câu trả lời của ChatGPT lại không dẫn nguồn. Dữ liệu của chương trình cũng có thể sai, vậy nên người dùng cần cẩn trọng.
Để tạo ra một con AI có khả năng tương tự như ChatGPT cần có những điều kiện gì, thưa ông?
Để tạo ra ChatGPT cần một quá trình rất dài, bằng chứng là OpenAI đã phát triển rất nhiều phiên bản của mô hình GPT với những version từ 1 đến 3,5. Trong quá trình phản hồi tương tác của người dùng, ChatGPT dần được hoàn thiện.
Nhắc tới điều kiện để phát triển một chương trình trí tuệ nhân tạo như ChatGPT, đầu tiên chúng ta phải có một siêu máy tính, tiếp đến là phần dữ liệu đầu vào. Phải làm sạch dữ liệu để đảm bảo chatbot có nguồn thông tin tốt.
Các ông lớn công nghệ có đủ khả năng để thống lĩnh thị trường AI, giống như Google trong lĩnh vực tìm kiếm? Nói cách khác, liệu có còn cơ hội cho các doanh nghiệp khác, trong đó có doanh nghiệp công nghệ Việt Nam?
Những “gã khổng lồ” công nghệ như Google, Facebook, Amazon hoặc Microsoft có nguồn lực rất lớn và phong cách đầu tư khá bài bản. Thông thường, họ sẽ hướng vào việc tạo lập ra các nền tảng, hệ sinh thái.
Trên cái nền đó, các doanh nghiệp khác, trong đó có doanh nghiệp công nghệ Việt Nam có thể dùng lõi công nghệ của những ông lớn để phát triển.
Với những công nghệ cần nguồn tài lực mạnh, doanh nghiệp tại các nước đang phát triển như Việt Nam sẽ khó có khả năng đầu tư và việc đầu tư đi kèm nhiều rủi ro.
Tuy nhiên, những công ty siêu quy mô sẽ không thể giải quyết các bài toán cụ thể, theo phạm vi hẹp, mang tính địa phương hóa. Đây là cơ hội cho các công ty Việt Nam có thể hợp tác với Big Tech để phát triển.
Lợi thế của chúng ta là có dữ liệu "địa phương", nên tận dụng điều đó để hợp tác và hơn hết là tránh bị xâm chiếm về mặt công nghệ.
Trí tuệ nhân tạo là một lĩnh vực rất rộng lớn, xin ông cho biết doanh nghiệp công nghệ Việt nên tham gia vào mảng thị trường nào?
Các công ty AI của Việt Nam nên tham gia vào một số lĩnh vực hẹp của trí tuệ nhân tạo như thị giác máy tính, camera thông minh. Tiếp theo nữa là chatbot, gợi ý sản phẩm trong thương mại điện tử hoặc những bài toán liên quan tới việc tạo ra nội dung.
Theo như tôi biết, phần lớn các công ty công nghệ trên thế giới đều đi theo một ngành hẹp như thế, rất ít công ty phát triển theo hướng bao trùm như các “gã khổng lồ” Big Tech.
Đối với Viettel, chúng tôi đang tập trung nghiên cứu phát triển AI với 3 lĩnh vực chính là xử lý tiếng nói và ngôn ngữ tự nhiên, thị giác máy tính và phân tích dữ liệu. Ngoài ra, Viettel cũng đang phát triển thêm 2 lĩnh vực Robotic và Digital Twin (bản sao số)
Xin cảm ơn ông!
Theo Trọng Đạt (ICT News)