Thông tin Tiki chuyển sang làm bảo hiểm vừa được tiết lộ mới đây bởi Bloomberg. Theo đó, công ty đã huy động được 258 triệu USD vốn đầu tư từ AIA Insurance Inc, Điều này diễn ra trong bối cảnh Tiki muốn mở rộng mảng kinh doanh của mình sang lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ.
Ngoài AIA Insurance, các nhà đầu tư tham gia vào vòng gọi vốn Series E này của Tiki còn có ngân hàng UBS của Thụy Sĩ, quỹ đầu tư Mirae Asset - Naver Asia và nhà mạng Taiwan Mobile. Những nhà đầu tư đã từng bỏ tiền trước đó vào Tiki là Sumitomo Corp, Northstart Group và JD - gã khổng lồ trong làng thương mại điện tử Trung Quốc.
Nguồn vốn mới sẽ giúp đẩy nhanh các khoản đầu tư của Tiki vào lĩnh vực hậu cần, bao gồm việc phát triển công nghệ AI và hệ thống robot để quản lý hàng tồn kho, xử lý đơn đặt hàng và cả việc giao hàng. Tiki cũng đang có kế hoạch cung cấp các gói bảo hiểm nhân thọ tùy chỉnh và dễ tiếp cận với người dùng.
Theo ông Trần Ngọc Thái Sơn - Founder và CEO Tike, với khoản đầu tư này, định giá của Tiki giờ đây lên đến gần 1 tỷ USD. Hiện Tiki cũng là một trong những công ty thương mại điện tử lớn nhất Việt Nam với quy mô khoảng 4.000 người.
Cũng theo tiết lộ của ông Sơn, Tiki có ý định sẽ IPO tại Mỹ vào năm 2025. Tuy vậy, kế hoạch này sẽ được đẩy sớm lên một năm, ông Sơn cho biết.
Việc Tiki IPO tại Mỹ có thể mở đường cho làn sóng đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực công nghệ còn khá non trẻ của Việt Nam. Đây là lĩnh vực mà Việt Nam có thể nổi lên như một trung tâm công nghệ của Châu Á.
Số lượng người thuộc tầng lớp trung lưu tại Việt Nam đang ngày càng gia tăng. Những người này cũng có sự chuyển dịch nhu cầu từ mua sắm truyền thống sang thương mại điện tử, đặc biệt là trong bối cảnh đại dịch. Đó cũng lý do người đứng đầu Tiki cho rằng, công ty thương mại điện tử này có thể đạt mức tăng trưởng 40-50% trong một vài năm tới.
Theo một báo cáo hồi tháng 8/2021 của Facebook và Bain & Company, Việt Nam được dự báo sẽ có 53 triệu người tiêu dùng trực tuyến, chiếm tới 71% dân số từ 15 tuổi trở lên. Tỷ lệ này đã tăng khoảng 8% so với chỉ một năm trước.
Việt Nam hiện có tốc độ tăng trưởng người tiêu dùng kỹ thuật số cao thứ 2 tại khu vực Đông Nam Á, chỉ sau Indonesia. Quy mô thị trường bán lẻ trực tuyến tại Việt Nam được dự báo sẽ đạt 12 tỷ USD trong năm nay và tăng lên 56 tỷ USD vào năm 2026.
Theo Trọng Đạt (VietNamNet)