Trước Việt Nam, Telegram đã bị cấm ở nhiều quốc gia

24/05/2025 09:13:15

Trước tình trạng Telegram bị lạm dụng để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật tại Việt Nam, Cục Viễn thông đã yêu cầu các nhà mạng chặn nền tảng này.

Ngăn chặn hoạt động của Telegram tại Việt Nam

Cục Viễn thông (Bộ Khoa học và Công nghệ) vừa có văn bản về việc ngăn chặn hoạt động của dịch vụ viễn thông cơ bản trên Internet có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Cục Viễn thông yêu cầu các doanh nghiệp viễn thông khẩn trương thực hiện các biện pháp ngăn chặn, báo cáo phương án và kết quả thực hiện về cục trước ngày 2/6/2025.

Trước đó, Cục Viễn thông nhận được văn bản của Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05 - Bộ Công an) về việc phối hợp ngăn chặn hoạt động của Telegram tại Việt Nam.

Theo cơ quan công an, Telegram vi phạm nghiêm trọng quy định pháp luật Việt Nam về an ninh mạng và viễn thông, đồng thời gây ảnh hưởng tới trật tự xã hội và an ninh quốc gia.

Quản lý lỏng lẻo, Telegram trở thành "hang ổ" của tội phạm

Ra đời vào năm 2013 bởi hai anh em người Nga Pavel và Nikolai Durov, Telegram ban đầu được xem là giải pháp thay thế an toàn hơn cho các ứng dụng nhắn tin truyền thống. Ứng dụng này cho phép người dùng nhắn tin, gọi điện, gửi tệp và tạo nhóm chat với số lượng thành viên lên đến hàng trăm nghìn người.

Một trong những lý do Telegram trở nên phổ biến là khả năng mã hóa đầu cuối, chế độ trò chuyện bí mật, lưu trữ dữ liệu trên nền tảng đám mây và không cần danh tính thực để tạo tài khoản – chỉ cần số điện thoại. Đặc biệt, người dùng có thể tạo các kênh phát sóng (channel) hoặc nhóm kín (group) để chia sẻ thông tin mà không chịu sự kiểm duyệt chặt chẽ như trên các nền tảng mạng xã hội khác.

Tuy nhiên, chính những tính năng này cũng trở thành “mảnh đất màu mỡ” cho tội phạm mạng, khi nhiều tổ chức và cá nhân lợi dụng Telegram để ẩn danh, tổ chức các hoạt động phi pháp mà khó bị truy vết.

Ngày 14/4/2024, Pavel Durov – nhà sáng lập và CEO Telegram – bị bắt giữ tại ngoại ô Paris, Pháp. Cảnh sát châu Âu cho biết Durov bị nghi ngờ liên quan tới một loạt hoạt động tội phạm có tổ chức trên nền tảng do kỹ sư IT người Nga này điều hành.

Nhiều quốc gia đã ban hành lệnh cấm Telegram

Theo báo cáo, tính đến năm 2024, đã có 31 quốc gia cấm hoặc kiểm soát chặt Telegram, với lý do chủ yếu liên quan đến an ninh mạng, vi phạm bản quyền, kích động bạo loạn hoặc tội phạm có tổ chức.

Trước Việt Nam, Telegram đã bị cấm ở nhiều quốc gia
Telegram bị cấm hoặc kiểm soát hoạt động tại 31 quốc gia. Ảnh: Yahoo News

Ấn Độ

Ngay sau khi CEO Telegram bị bắt tại Pháp vào tháng 4/2024, chính phủ Ấn Độ tuyên bố mở cuộc điều tra đối với ứng dụng này vì liên quan đến hành vi thao túng giá cổ phiếu, lừa đảo đầu tư, phát tán đề thi và nội dung đồi trụy. Trong một vụ việc cụ thể, người điều hành một kênh Telegram đã nhận 20.000 euro để thao túng cổ phiếu của một công ty sản xuất tôn thép.

Belarus

Trong các cuộc biểu tình phản đối Tổng thống Lukashenko, Telegram là một trong số ít ứng dụng hoạt động khi mạng Internet bị chặn. Chính phủ Belarus sau đó xếp nhiều kênh Telegram là "tổ chức cực đoan", và người theo dõi có thể bị truy tố, đối mặt mức án lên tới 7 năm tù.

Nga

Năm 2018, Nga từng cấm Telegram vì CEO Pavel Durov từ chối giao nộp dữ liệu người dùng. Dù vậy, lệnh cấm không được thực thi triệt để và chính các cơ quan chính phủ như Bộ Ngoại giao hay Ủy ban COVID-19 vẫn sử dụng Telegram như một kênh truyền thông chính thức.

Ukraina

Telegram được cả người Ukraina lẫn Nga sử dụng rộng rãi trong chiến tranh. Tổng thống Zelenskyy dùng nó để truyền tải thông điệp tới người dân nhưng Ukraina đang cân nhắc cấm ứng dụng nếu không có sự hợp tác từ phía Telegram.

Đức

Chính phủ Đức từng đe dọa cấm Telegram khi phát hiện 64 kênh phát tán nội dung vi phạm pháp luật, thậm chí có yếu tố phân biệt chủng tộc. Telegram bị phạt 5 triệu euro do không cung cấp thông tin người dùng và không hợp tác với cơ quan chức năng. Sau đó, nền tảng này cam kết xóa nội dung vi phạm để tiếp tục hoạt động tại Đức.

Tây Ban Nha

Năm 2023, Telegram bị một thẩm phán ở Tây Ban Nha ra lệnh chặn sau khi các đài truyền hình lớn như Mediaset, Atresmedia, Movistar... cáo buộc ứng dụng cho phép chia sẻ nội dung có bản quyền một cách trái phép. Sau khi lệnh cấm bị cho là “thiếu cân đối” và ảnh hưởng đến hàng triệu người dùng, phán quyết đã bị rút lại.

Vương quốc Anh

Tháng 8/2024, Telegram bị sử dụng bởi các nhóm cực đoan ở Anh để lên kế hoạch cho các cuộc bạo loạn chống người nhập cư, sau vụ ba nữ sinh bị sát hại. Các kênh Telegram trở thành nơi chia sẻ thông tin về địa điểm và mục tiêu tấn công. Thủ tướng Anh Keir Starmer chỉ trích mạnh mẽ Telegram, kêu gọi áp dụng các biện pháp trừng phạt với các nền tảng mạng xã hội không kiểm soát nội dung cực đoan.

Trung Quốc

Trung Quốc là một trong những quốc gia đầu tiên cấm Telegram do lo ngại về an ninh thông tin và sự hiện diện của các nhóm chống chính phủ trên nền tảng này. Ứng dụng bị cho là công cụ lan truyền tin giả, tổ chức biểu tình và phát tán phần mềm độc hại.

Theo Thái Sơn (SHTT)