Một triển lãm kỹ thuật số từ kho tàng nội dung Steve Jobs Archive cung cấp đoạn băng ghi hình từ năm 1983, trong đó ông có bài phát biểu tại Hội nghị thiết kế quốc tế năm 1983. Tại đây, cố đồng sáng lập Apple nói về sự hứa hẹn của công nghệ mới, có thể phản hồi các câu hỏi và suy nghĩ như con người. Với ông, nó giống như bản kế nhiệm tự nhiên của một cuốn sách mà ông tìm thấy trong những ngày còn đi học.
Theo Steve Jobs, cuốn sách đó là “một hiện tượng. Nó đúng ngay từ khi bắt đầu cho đến khi kết thúc”. Vấn đề là không có cách nào để tương tác với nó.
Hình dung của ông về tương lai như sau: “Tôi nghĩ rằng khi chúng ta bước vào 50 hay 100 năm tiếp theo, nếu chúng ta thực sự có thể sản xuất ra những cỗ máy nắm bắt được tinh thần cơ bản, hay bộ nguyên tắc cơ bản, hay cách nhìn cơ bản về thế giới thì khi Aristotle tiếp theo xuất hiện, có lẽ nếu ông ấy mang theo cỗ máy này cả đời và nhập vào mọi thứ, một ngày nào đó sau khi ông ấy chết đi và biến mất, chúng ta có thể hỏi được cỗ máy: ‘Này, Aristotle sẽ nói gì? Chuyện này thì sao’”. Aristotle là một trong ba trụ cột của văn minh Hy Lạp cổ đại, người đặt nền móng cho triết học phương Tây.
“Hi vọng của tôi là một ngày nào đó... sinh viên không chỉ có thể đọc những lời mà Aristotle viết ra mà còn hỏi được Aristotle và nhận được câu trả lời. Đó là thứ tôi hi vọng chúng ta làm được”.
Đã hơn 40 năm kể từ bài phát biểu của Jobs và thế giới dường như đang đi đúng theo hướng như vậy. Các công ty AI đang đào tạo chatbot như ChatGPT với dữ liệu từ sách vở cùng các nguồn khác để chúng phản hồi câu hỏi của người dùng.
Một số thậm chí còn trả lời như thể chúng là những nhân vật lịch sử nổi tiếng. Đôi khi chúng đúng và đôi khi lại sai, như Jobs đã dự đoán, nhưng đó là một cách mới để tương tác với con người, ý tưởng và lịch sử.
Theo Du Lam (VietNamNet)