Ngày 25/5, OpenAI thông báo sẽ trao 10 khoản tài trợ bằng nhau từ quỹ trị giá 1 triệu USD cho các sáng kiến tìm ra cách thức quản lý AI, cũng như giải quyết các hạn chế của công nghệ này.
Giới phê bình cho rằng những hệ thống AI như ChatGPT có sự thiên vị cố hữu do các yếu tố đầu vào định hình quan điểm của chúng. Người dùng đã tìm thấy các ví dụ về việc AI phân biệt chủng tộc hay giới tính. Không chỉ vậy, việc kết hợp chúng với những công cụ tìm kiếm như Google của Alphabet hay Bing của Microsoft có thể tạo ra những thông tin không chính xác nhưng “có tính thuyết phục cao”.
Bài đăng trên blog thông báo ra mắt quỹ cho hay, khoản tài trợ 100.000 USD sẽ trao cho những người đưa ra được khuôn khổ chung trả lời cho những câu hỏi kiểu như liệu AI có nên chỉ trích nhân vật công chúng hay không, hay thế nào là “cá nhân trung bình” trên thế giới.
Quỹ tài trợ của OpenAI không dành cho mục đích nghiên cứu hệ thống AI - nơi những lập trình viên đang dễ dàng nhận mức lương từ 100 nghìn cho tới hơn 300 nghìn USD.
Các hệ thống AI “sẽ mang lại lợi ích cho toàn nhân loại và được định hình để trở nên toàn diện nhất có thể”, trích bài đăng của startup sở hữu ChatGPT trên blog. “Công ty triển khai dự án tài trợ như một bước đi đầu tiên theo định hướng này”.
“Đụng độ” với các nhà lập pháp EU
Ngày 26/5, CEO OpenAI Sam Altman cho biết công ty không có kế hoạch rút khỏi châu Âu - tuyên bố ngược lại khẳng định được đưa ra trước đó vài ngày về việc ChatGPT có thể dừng hoạt động tại khu vực này nếu việc tuân thủ các quy định quản lý AI trở nên quá khó khăn.
EU đang thảo luận dự luật có thể là bộ quy tắc đầu tiên trên thế giới điều chỉnh lĩnh vực AI và Altman nhận xét về nội dung của dự thảo này là “quá mức”.
Lời “đe doạ” của cha đẻ chatbot ChatGPT vấp phải sự chỉ trích từ nhiều nhà lập pháp của EU, bao gồm Uỷ viên thị trường nội khối Thierry Breton, cũng như một loạt chính trị gia khác.
Hiện Altman đang có chuyến công tác khắp châu Âu, gặp gỡ các nhà lãnh đạo tại Pháp, Tây Ban Nha, Ba Lan, Đức và Anh để thảo luận về tương lai của AI cũng như tiến trình phát triển ChatGPT.
Người đứng đầu OpenAI nhận định rằng chuyến đi lần này “là một tuần thảo luận hiệu quả về cách thức quản lý AI”.
Trong khi đó, startup có sự hậu thuẫn của Microsoft bị chỉ trích vì không tiết lộ dữ liệu đào tạo dùng cho mô hình AI mới nhất của hãng (GPT-4). OpenAI viện dẫn lý do “cạnh tranh và bảo mật” để không công khai thông tin.
“Các điều khoản của Đạo luật AI được xây dựng nhằm thúc đẩy tính minh bạch, đảm bảo AI và công ty đằng sau nó là đáng tin cậy. Tôi không thấy lý do tại sao bất kỳ công ty nào lại né tránh điều này”, Dragos Tudorache, Uỷ viên nghị viện châu Âu, người đứng đầu việc soạn thảo các đề xuất của EU cho biết.
Theo Thế Vinh (VietNamNet)