Các ứng dụng này cho phép sinh viên gặp gỡ các "đàn anh" đang làm việc tại công ty mà họ dự định ứng tuyển. Điều này giúp người xin việc tìm hiểu tốt hơn về văn hóa công ty cũng như công việc họ dự định ứng tuyển. Nhưng các cuộc gặp một-một giữa sinh viên và nhân viên công ty cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Rủi ro từ các ứng dụng tìm kiếm việc làm
Một cố vấn nghề nghiệp tại một trường đại học công lập cho biết số lượng sinh viên yêu cầu giúp đỡ về quấy rối tình dục trong quá trình tìm kiếm việc làm của họ đang tăng mạnh.
Thậm chí, một số trường hợp sinh viên đã bị tấn công tình dục. Vào tháng 3, nhân viên nam của công ty Sumitomo đã bị bắt vì nghi ngờ cưỡng hiếp một nữ sinh sau khi cô say rượu. Hai người gặp nhau khi nữ sinh đến công ty để nhờ tư vấn việc làm.
Một trường hợp khác liên quan đến việc nam nhân viên tại công ty xây dựng đã bị bắt sau khi bị cáo buộc có hành vi phản cảm với nữ sinh. Hai người gặp nhau thông qua một ứng dụng được thiết kế để kết nối sinh viên và cựu sinh viên.
Nhưng đó chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Một cuộc khảo sát của Nikkei trên 1.000 lao động nữ được thực hiện vào tháng 4 năm 2018 cho thấy 42,5% đã trải qua các vụ quấy rối tình dục và hơn 60% không báo cáo.
Theo Chisato Kitanaka, chuyên gia về các vấn đề quấy rối tình dục và là phó giáo sư tại Đại học Hiroshima, cho biết chúng ta vẫn chưa thể có một cái nhìn toàn diện với vấn nạn này.
"Có rất nhiều trường hợp nạn nhân không báo cáo, và các công ty lẫn các trường đại học vẫn chưa thể nắm bắt được thực tiễn nghiệt ngã của vấn nạn quấy rối tình dục", bà chia sẻ.
Điểm chung của các vụ việc này là các cuộc gặp giữa sinh viên và cựu sinh viên trong giai đoạn tìm hiểu công việc, một phần mà các trường đại học và các công ty không được nắm.
Đối với sinh viên, các cuộc họp như vậy là một cơ hội tốt để tìm hiểu thêm về môi trường làm việc tại các công ty. Nhưng các kênh truyền thống để họ tiếp cận những cơ hội này như giới thiệu của các giáo sư lại không rộng mở với tất cả mọi người.
Các ứng dụng tìm kiếm việc làm giải quyết được vấn đề này. Họ sắp xếp các cuộc gặp cho sinh viên và cựu sinh viên tại công ty mà người tìm việc đang theo đuổi, thiết lập một kênh giúp các nhà tuyển dụng gặp gỡ trước những ứng viên tiềm năng.
Nó cũng "khiến gia tăng nguy cơ các nữ sinh viên bị quấy rối tình dục bởi những người mà họ không biết", theo lời cố vấn tại một trường đại học tư ở Tokyo.
Các động thái bảo vệ người lao động
Các công ty và trường đại học đang cố gắng giải quyết vấn nạn này. Một số trường thông báo trên trang web về việc "hạn chế gặp gỡ ở những nơi riêng tư như nhà riêng, quán karaoke hay quán rượu". Đại học Rikkyo thì đăng tải các bài báo về những trường hợp quấy rối tình dục từng xảy ra.
Đối mặt với bê bối tình dục có nhắc đến ở phía trên, công ty Sumitomo đã đưa ra một số quy định như: cấm sử dụng các ứng dụng tìm kiếm việc làm, cấm uống rượu với ứng viên, chỉ được gặp mặt từ 1-6h chiều, nên gặp mặt trực tiếp tại công ty...
Những nhà phát triển cũng đã cố gắng cải thiện ứng dụng của mình, chỉ cho phép những nhân viên được chỉ định bởi công ty chủ quản đăng kí tìm kiếm sinh viên.
Tuy thế, vẫn cần một thái độ gay gắt hơn từ phía các công ty và trường đại học về vấn nạn này. Luật pháp Nhật Bản quy định các công ty phải có nghĩa vụ phòng chống nạn quấy rối tình dục đối với nhân viên. Nhưng các sinh viên tìm việc chưa phải là nhân viên nên trách nhiệm của các công ty vẫn còn yếu. Bộ lao động nước này đang xem xét ban hành thêm các quy định.
Theo Trần Tiến (Tri Thức Trực Tuyến)