Vào ngày 19/2, các nhà sư của các ngôi chùa Nisshinkutsu, ở Minato-ku, Tokyo - nơi lưu giữ bài vị của rất nhiều người trẻ Việt bỏ mạng ở Nhật Bản đã đến thành phố Bắc Giang, Việt Nam để thăm gia đình nữ thực tập sinh quá cố Nguyễn Thị T. (36 tuổi).
Được biết, chị Nguyễn Thị T. đến Nhật Bản để học tập và làm việc, nhưng gần đây, người bạn cùng phòng bất ngờ phát hiện chị tử vong tại phòng riêng khi vẫn đang nằm trong chăn. Theo phỏng đoán ban đầu, có thể nguyên nhân cái chết của chị Nguyễn Thị T. là do làm việc quá sức, dẫn đến đột quỵ.
Kết cục đau đớn của chị T. cũng chính là nỗi lo sợ của rất nhiều gia đình có con cái đến Nhật Bản với hi vọng tìm kiếm cơ hội mới. Đã từ lâu, người ta coi cái cụm từ "được đi Nhật" giống như một tấm vé đến với xứ sở văn minh và giàu sang hạng nhất nhì thế giới. Người trẻ đi Nhật khiến gia đình mở mày mở mặt với lối xóm; thực dụng hơn thì bà con cô bác họ hàng nhờ vả xách tay món này, mua hộ món kia v.v... Chẳng mấy ai thấu hiểu nỗi khổ của những người con xa xứ, vật lộn với cuộc sống ở đất nước có áp lực xã hội dân sinh cao cũng vào hạng nhất hành tinh.
Riêng ở Nhật Bản, văn hoá bán mạng vì công việc, làm việc đến chết từ lâu vẫn luôn là một vấn đề nhức nhối trong xã hội nước này. Vì vậy, những người trẻ từ Việt Nam bước chân đến vùng đất này cũng không ngoại lệ, họ bắt buộc phải chạy đua để tìm kiếm chỗ đứng cho mình ở môi trường khốc liệt đó, trong lòng vẫn mang nhiều ước mơ, hoài bão và hi vọng có một cuộc sống tốt đẹp hơn trong tương lai.
Ngôi chùa Nisshinkutsu, nơi hiện nay vẫn đang là chốn đi về cho các phật tử Việt Nam ở nơi xa xứ và đồng thời cũng lưu giữ bài vị của 81 người trẻ tuổi được xếp thành hàng trên hương án, tất cả đều qua đời chỉ trong khoảng thời gian từ năm 2012 cho tới cuối tháng 7 năm 2018. Những cái tên viết ngay ngắn trên bài vị cho thấy, cả 81 người này đều mang quốc tịch Việt Nam. Những nhà sư ở đây cũng buồn bã nói rằng họ đến Việt Nam để mong được nghe câu chuyện về hoàn cảnh của gia đình những người trẻ bỏ mạng ở Nhật Bản, tại sao họ chọn xa xứ, dày vò bản thân trong những năm tháng tươi đẹp nhất của cuộc đời chỉ để "chết".
Mặc dù đã nghe nhiều người cảnh báo về những vất vả và khó khăn sẽ gặp phải khi mưu sinh tại nước Nhật, thế nhưng, họ lại không thể dừng lại lúc đối mặt những vấn đề bất ổn, khi mà khoản tiền gia đình chi cho họ để xa xứ thường tốn cả một gia tài, và những gì mà họ đã cố gắng nơi đất khách bỗng trở thành cái cùm giam giữ người Việt khỏi con đường hồi hương - chiếc cùm mang tên "hy vọng".
Vì sinh hoạt phí ở Nhật Bản vô cùng đắt đỏ, nên nhiều người trẻ Việt chỉ có cách chọn một món ăn có giá không quá cao, dù không đủ chất dinh dưỡng như mì gói làm thức ăn trường kỳ để tiết kiệm tiền, đồng thời vẫn duy trì cường độ làm việc cao khủng khiếp để bắt kịp với chính những người Nhật Bản khác. Không biết từ lúc nào, họ lao đầu như thiêu thân vào guồng xoáy "Karoshi" - làm việc đến chết chỉ mong có thể kiếm được thật nhiều tiền gửi về cho gia đình, những người đang ngày ngày đặt niềm tin và kỳ vọng vào họ.
Nhưng hiện thực vô cùng nghiệt ngã, ngày ra đi, cả gia đình đến sân bay tiễn những cô cậu thanh niên hừng hực sức trẻ đến một đất nước xa xôi học tập, làm việc, để rồi đến một ngày nhận được tin dữ: Người con tha hương đã nằm lại mãi nơi đất khách quê người.
Theo Chan (Helino)