Từ khi ra mắt vào năm ngoái, ChatGPT đã thu hút sự chú ý của cả thế giới nhờ vào khả năng trả lời câu hỏi như con người. Đây là công có tốc độ thu hút người dùng nhanh nhất tại thời điểm nó ra mắt, khi đạt 57 triệu người dùng sau 1 tháng.
Tuy nhiên, công cụ này cũng đặt ra nhiều vấn đề về nguy cơ thông tin sai lệch, lừa đảo và gian lận về học vấn.
Ứng dụng và trang web giả
Hiện tại, ứng dụng ChatGPT do OpenAI tạo ra đã khả dụng ở một số quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, vào thời điểm mới ra mắt, hàng loạt ứng dụng giả mạo chatbot này đã xuất hiện trên các cửa hàng ứng dụng như App Store hay Google Play Store.
Hầu hết các ứng dụng này đều được thiết kế dưới dạng chatbot giao tiếp, có thể trả lời một số câu hỏi của người dùng nhưng không sử dụng mô hình ngôn ngữ GPT của OpenAI.
Không ít người dùng đã tải phải ứng dụng giả, thậm chí còn nạp tiền để mua giói dịch vụ VIP trong các ứng dụng giả mạo.
Vào tháng 2/2023, một số tội phạm mạng đã phát triển ứng dụng ChatGPT giả mạo để phát tán phần mềm độc hại trên Windows và Android và được ghi nhận.
Theo báo cáo của Bleeping Computer, các tác nhân độc hại đã lợi dụng ChatGPT Plus của OpenAI để thuyết phục người dùng rằng họ có thể đăng kí phiên bản miễn phí của công cụ này.
Bên cạnh tiền, mục tiêu của tội phạm mạng còn là đánh cắp thông tin đăng nhập hoặc triển khai phần mềm độc hại.
Giống như ứng dụng giả, các trang web độc hại cũng thường được sử dụng để lừa đảo trực tuyến. Trong trường hợp lừa đảo liên quan tới ChatGPT, các trang web này được thiết kế giống hệt như trang của OpenAI, được cài đặt để ghi lại các lần gõ phím để nhập để dữ liệu của người dùng, từ đó tìm ra thông tin có giá trị để đánh cắp và khai thác.
Nội dung giả và phần mềm độc hại
Email đã được sử dụng như một phương tiện lừa đảo trong nhiều năm. Nó được dùng để phát tán phần mềm độc hại, tống tiền nạn nhân hoặc đánh cắp thông tin có giá trị.
Giờ đây, với sự hữu dụng của ChatGPT, nó cũng đã bị lợi dụng để tạo ra thông tin giả với mục đích lừa đảo. Đầu năm 2023, nhiều ấn phẩm tin tức bắt đầu báo cáo về một làn sóng email lừa đảo do ChatGPT viết.
Ví dụ tội phạm mạng không thông thạo tiếng Anh nhưng muốn nhắm mục tiêu đến các cá nhân nói tiếng Anh có thể sử dụng ChatGPT để tạo email lừa đảo mà không có bất kì lỗi chính tả hoặc ngữ pháp nào. Các email lừa đảo được viết một cách rất chân thực khiến chính nạn nhân cũng không thể nhận ra đó là email lừa đảo.
Vào tháng 5/2023, công an Trung Quốc cũng đã bắt một đối tượng với cáo buộc sử dụng ChatGPT để tạo ra thông tin giả và đăng lên mạng. Thông tin giả cho các AI tạo ra, bao gồm cả văn bản, hình ảnh, âm thanh, đang trở thành một vấn đề nóng với xã hội hiện nay.
Không chỉ có những thông tin giả mạo, ChatGPT hay các chatbot ngang hàng cũng có khả năng sáng tạo, và chúng cũng bị lợi dụng bởi tội phạm mạng khi hiều người lo ngại rằng công nghệ AI phát triển có thể giúp những kẻ xấu lừa đảo và tấn công nạn nhân dễ dàng hơn. Thực tế đã chứng minh những lo ngại này là chính xác.
ChatGPT có thể được sử dụng để viết code tạo ra phần mềm và các hacker đã bắt đầu sử dụng nó để viết mã độc. khi kết hợp với email hay trang web, ứng dụng giả mạo, nạn nhân sẽ vô tình mở đường cho chúng cài đặt mã độc được ChatGPT tạo ra vào máy tính hay điện thoại của mình, từ đó mất thông tin vào tay tin tặc.
Không chỉ có ChatGPT, nhiều công cụ AI khác cũng đang bị kẻ xấu lợi dụng để ăn cắp thông tin, tiền của người dùng qua mạng internet như hình ảnh deep fakes. Để tránh bị lợi dụng và mất thông tin vào tay kẻ xấu, người dùng cần thận trọng khi sử dụng các loại chatbot AI.
Theo Như Khánh (Saostar.vn)