GoerTek (Trung Quốc) - hãng lắp ráp tai nghe AirPods đã thông báo với các nhà cung cấp về dự định chuyển sản xuất tai nghe không dây sang Việt Nam, Nikkei cho biết. GoerTek đã đề nghị các nhà cung cấp trong dây chuyền sản xuất AirPods trong tuần này xác nhận có thể chuyển trực tiếp toàn bộ nguyên vật liệu và linh kiện sang Việt Nam hay không.
Dù vậy, đây chưa phải quyết định cuối cùng, do họ cần bàn bạc thêm với Apple. Táo Khuyết đã được thông báo về kế hoạch này. GoerTek hy vọng tất cả nhà cung cấp của họ có thể đảm bảo giá và việc giao hàng như trong hợp đồng.
Kế hoạch này được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc ngày càng trầm trọng, đẩy Apple và các hãng cung cấp vào thế khó. Tổng thống Mỹ - Donald Trump thường xuyên thúc giục hãng này chuyển sản xuất về Mỹ. Tuy nhiên, Trung Quốc không chỉ là trung tâm sản xuất quan trọng nhất, mà còn là thị trường lớn của Apple, đóng góp 20% doanh thu hàng năm cho công ty này. Vì vậy, việc rời đi sẽ khiến Apple gặp rắc rối lớn.
“Apple là mục tiêu rõ ràng nhất, nếu Trung Quốc muốn trả đũa các công ty Mỹ”, James Wei – nhà phân tích tại Yuanta Investment Consulting nhận xét, “Apple và các nhà cung cấp chính của họ sẽ đối mặt với nhiều rủi ro chính trị khi cuộc chiến tiếp tục nóng lên”.
AirPods, Apple Watch và HomePed của Apple ban đầu nằm trong danh sách 200 tỷ USD hàng hóa từ Trung Quốc bị đánh thuế nhập khẩu khi vào Mỹ từ cuối tháng 9. Tuy nhiên, các sản phẩm này đã được loại ra vào phút chót. Nhiều nguồn tin trong ngành cho biết các nhà cung cấp vẫn lo sợ bị áp thuế, khi Tổng thống Mỹ - Donald Trump dọa đánh thuế thêm 267 tỷ USD hàng Trung Quốc.
Cheng Uei – hãng cung cấp sạc và cáp sạc cho iPhone cùng nhiều smartphone chạy Android cũng cho biết đang cân nhắc chuyển sản xuất về Đài Loan (Trung Quốc) và Đông Nam Á, do căng thẳng Mỹ - Trung. “Chúng tôi đang nghĩ đến việc tăng sản xuất tại nhà máy ở Đài Loan. Việc này sẽ không mất nhiều thời gian đâu. Chúng tôi có thể thực hiện trong một hoặc hai tháng”, Chủ tịch công ty - T.C. Gou cho biết trên Nikkei.
Dù vậy, ông cũng thừa nhận rời Trung Quốc không dễ, do dây chuyền sản xuất ở đây đã tồn tại hàng thập kỷ. Chính quyền địa phương cũng có nhiều chính sách ưu đãi nhằm giữ chân các công ty. Cheng Uei sẽ ra quyết định cuối cùng khi biết chắc chắn ông Trump có thực hiện lời đe dọa trên hay không.
Pegatron – hãng lắp ráp iPhone lớn nhì cho Apple, sau Foxconn cũng đang cân nhắc các địa điểm tại Đài Loan để xây nhà máy mới. Cơ sở này sẽ sản xuất các sản phẩm không thuộc Apple để bù đắp chi phí tăng do chiến tranh thương mại, Nikkei trích lời một nguồn tin thân cận cho biết.
Theo Hà Thu (VnExpress.net)