Chứng khoán Mỹ tiếp tục bị bán tháo

12/10/2018 08:03:39

Các chỉ số chính tại Wall Street hôm qua giảm thêm 1% - 2%, sau phiên lao dốc kỷ lục trước đó.

Chốt phiên thứ Năm, chỉ số DJIA mất hơn 540 điểm, tương đương 2,1%. Đầu phiên, có thời điểm Dow Jones tăng, nhưng sau đó lại quay đầu giảm do áp lực bán mạnh. Có lúc, chỉ số này mất tới gần 700 điểm. Tổng cộng, đà bán tháo 2 phiên qua đã khiến Dow Jones giảm 1.378 điểm.

S&P 500 hôm qua cũng đi xuống phiên thứ 6 liên tiếp, với 2,1%. Đây là chuỗi giảm dài nhất của chỉ số này trong hơn 2 năm qua.

Nasdaq có thời điểm rơi vào vùng điều chỉnh (giảm tổng cộng 10% so với đỉnh gần nhất). Dù vậy, chỉ số này sau đó hồi phục, chốt phiên với mức giảm 1,3% so với hôm trước. Chỉ số đo biến động thị trường – VIX cũng lên cao nhất kể từ tháng 2.

Chứng khoán Mỹ tiếp tục bị bán tháo
Một nhân viên giao dịch làm việc trên sàn NYSE (Mỹ). Ảnh: Bloomberg

Tổng cộng tuần này, ba chỉ số lớn của Wall Street đã mất hơn 5%. Việc này chưa từng xảy ra kể từ tháng 3. “Kiểu bán tháo này không kết thúc trong một ngày được đâu. Dù phiên thứ Tư khá khủng khiếp, nó có xu hướng kéo dài trong 3 phiên”, Art Hogan – chiến lược gia thị trường tại B. Riley FBR nhận xét.

Hôm thứ Tư, chứng khoán Mỹ có phiên bán tháo mạnh nhất 8 tháng. Lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ tăng và mối lo căng thẳng thương mại với Trung Quốc đã khiến chỉ số S&P 500 chốt phiên mất tới 3,29%. Mức giảm của Nasdaq là 4% và Dow Jones là 3,15%.

Giới phân tích cho rằng thị trường hôm qua khá hơn thứ Tư, vì đã không đóng cửa ở đáy phiên. Wall Street hồi phục phần nào nhờ thông tin Tổng thống Mỹ - Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc – Tập Cận Bình có thể gặp nhau tháng tới tại Hội nghị Thượng đỉnh G20. Cuộc gặp này sẽ thể xoa dịu mối lo căng thẳng thương mại Mỹ - Trung tác động đến lợi nhuận doanh nghiệp và giảm tốc kinh tế Mỹ.

Chứng khoán Mỹ đi xuống phần lớn do nhà đầu tư lo ngại lãi suất tăng. Khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nâng lãi để ngăn lạm phát tăng tốc, nhà đầu tư bắt đầu bán trái phiếu, đẩy giá công cụ này xuống và kéo lợi suất lên. Vì vậy, lợi suất trái phiếu đột ngột trở nên có tính cạnh tranh với một số loại cổ phiếu – đặc biệt là cổ phiếu ngành công nghệ.

Lãi suất tăng cũng làm tăng chi phí đi vay với các gia đình và doanh nghiệp, khiến lợi nhuận các công ty đi xuống.

Theo Hà Thu (VnExpress.net)

Nổi bật