Nắng nóng tại TP. HCM trong tháng 4 ngày càng trở nên gay gắt, người dân vất vả tìm cách chống chọi với sức nóng hừng hực và không ít các thiết bị điện tử cũng phải hoạt động dưới nhiệt độ cao trong những ngày này, laptop là một trong số đó.
Những chiếc laptop ngày nay đang mỏng hơn và nhẹ hơn bao giờ hết, điều này rất tốt cho tính di động nhưng không lý tưởng về độ bền. Do đó, một số khách hàng sẽ mua thêm các loại ốp bảo vệ cho chúng. Tuy nhiên, có một yếu tố khác cần xem xét khi quyết định sử dụng ốp bảo vệ là khả năng ảnh hưởng đến tản nhiệt của laptop, nhất là trong giai đoạn nắng nóng này.
Nhưng liệu sử dụng ốp có thật sự ảnh hưởng đến khả năng tản nhiệt của laptop?
Đừng chặn các lỗ thông hơi
Hầu hết các laptop ngày nay đều có hệ thống làm mát chủ động sử dụng quạt để hút không khí mát vào hệ thống và đẩy khí nóng ra ngoài. Có một số sản phẩm ngoại lệ, chẳng hạn như Lenovo Legion 9i làm mát bằng chất lỏng hoặc MacBook Air làm mát thụ động. Nhưng phần lớn, laptop sử dụng quạt để giữ cho các bộ phận bên trong không bị quá nóng.
Do đó, laptop thường có lỗ thông hơi được cắt đặc biệt vào khung máy cho quạt hút hoặc thoát khí. Bạn thường sẽ tìm thấy những phần cắt này ở hai bên hoặc phía dưới laptop của mình, hoặc trường hợp như Lenovo Legion 5i và 7i có hệ thống ColdFront HyperChamber với toàn bộ khe tản nhiệt ở phía sau.
Điều quan trọng nhất cần chú ý khi mua ốp bảo vệ laptop là liệu chúng có lỗ thông hơi không. Cụ thể hơn, những phần cắt này phải khớp với vị trí thông hơi trên laptop. Chúng không cần phải chính xác đến từng milimet, nhưng nếu cản trở đáng kể luồng không khí thì có thể khiến máy tính quá nóng. Để đảm bảo mua ốp phù hợp, chúng ta có thể kiểm tra hình ảnh sản phẩm, đánh giá của khách hàng và trang thông số kỹ thuật. Nếu vẫn không chắc chắn, hãy đảm bảo rằng mình mua hàng tại nơi có chính sách hoàn trả tốt để có thể trả lại sản phẩm nếu phần cắt không phù hợp.
Ốp bảo vệ có thể ảnh hưởng tới khả năng làm mát thụ động
Lỗ thông hơi không phải là cách duy nhất giúp laptop thoát nhiệt. Chúng cũng có thể tản nhiệt qua chính khung máy, cho dù đó là kim loại hay nhựa. Nếu từng cảm thấy laptop trở nên ấm hoặc nóng khi hoạt động công suất cao, đó là một ví dụ về nhiệt truyền từ các bộ phận bên trong laptop sang khung máy. Khi sử dụng ốp bảo vệ, về cơ bản, ta đang thêm một lớp ngăn để nhiệt có thể truyền qua. Ví dụ: với ốp nhựa cứng, nhiệt có thể bị giữ lại trong ốp và kết quả là laptop sẽ bị nóng lên.
Tuy nhiên, hầu hết laptop đều sử dụng làm mát chủ động làm cách tản nhiệt chủ yếu. Làm mát thụ động chỉ giải quyết một phần nhỏ trong ngưỡng nhiệt tổng thể, vì vậy việc sử dụng một chiếc ốp bảo vệ có thể sẽ không khiến máy quá nóng.
Đây là điều đáng cân nhắc hơn đối với một laptop như MacBook Air, vốn hoàn toàn không sử dụng quạt và chỉ sử dụng khả năng làm mát thụ động. Nhưng theo thử nghiệm của XDA-Developers với nhiều loại ốp bảo vệ cho MacBook Air thì không nhận thấy bất kỳ hạn chế nào về hiệu suất. Do đó, không hẳn là chúng ta hoàn toàn nên tránh dùng ốp bảo vệ trên dòng máy này, mà hãy nhớ rằng nếu có vấn đề gì về tản nhiệt thì ốp có thể là nguyên nhân cần xem xét đầu tiên, đặc biệt là trong những ngày nắng nóng.
Hầu hết ốp laptop sẽ không gây quá nhiệt
Nhìn chung, ốp laptop không phải là nguyên nhân chính khiến máy quá nóng. Ngoài việc chọn phải một chiếc ốp không có lỗ thoát khí phù hợp cho những máy tản nhiệt chủ động, thì phần lớn các ốp chất lượng trên thị trường, từ các công ty như Casetify, Incase và Supcase, đều có những phần cắt này.
Hầu hết các ốp đều được thiết kế chú trọng đến hiệu suất tản nhiệt nên đây không phải là vấn đề khiến người dùng phải lo lắng. Sử dụng ốp cho laptop có những ưu và nhược điểm riêng, nhưng gây ảnh hưởng đến tản nhiệt không nằm trong số những nhược điểm nếu bạn chọn ốp bảo vệ phù hợp.
Theo Tuấn Nguyễn (Nguoiduatin)