Mua hàng nội địa Nhật đã qua sử dụng thì tốt hơn hàng chính hãng sản xuất trong nước là tâm lý chung của nhiều người dân Việt Nam, tuy nhiên qua thời gian hàng Nhật bãi mua về có sử dụng được tốt bền như mới không thì lại là một câu hỏi lớn.
Có bạn thân buôn bán đồ điện tử điện lạnh cũ, vợ chồng anh Đức (Hà Nội) thường mua sắm các đồ gia dụng đắt tiền trong nhà là hàng nội địa Nhật Bản. Từ thứ lớn như máy tính, điều hòa, tủ lạnh, máy giặt đến thứ nhỏ như quạt bàn, ấm siêu tốc...đều là hàng mới tới 80-90% tuy nhiên qua một thời gian sử dụng anh Đức cảm thấy mua hàng nội địa Nhật giống như đánh bạc, ăn may từng cái.
Có món đồ nhà anh dùng rất thích như chiếc tủ lạnh , quạt bàn chưa hề hỏng suốt 2 năm qua. Tủ lạnh bảo quản thức ăn tốt, còn quạt chạy êm hơn hàng mới của Việt Nam, và cơ bản cả hai đều tiết kiệm điện. Tuy nhiên, chiếc máy tính anh đi mua cùng với một người bạn, trong khi của người kia dùng vẫn tốt thì của nhà anh thường xuyên hỏng, liên tục phải đem đi sửa.
Anh Tùng (TP HCM) cũng đồng tình khi mua các sản phẩm nội địa Nhật thường rất "hên xui". Gia đình anh Tùng lắp chiếc điều hòa Nhật 9.000 BTU vào năm 2018, "buổi tối thì được nhưng trưa nắng thì nhiệt độ điều hòa chỉ xuống đến 27 - 28 độ C là dừng, dù tôi đặt chế độ nào".- anh Tùng cho biết.
Ngoài ra do là hàng sản xuất trong nước cho người Nhật sử dụng nên tất nhiên các hướng dẫn, ghi chú trên sản phẩm đều là tiếng Nhật khiến người dùng khó khăn khi sử dụng, sử dụng không hết tính năng hoặc không đúng tính năng của món đồ dẫn đến hư hỏng không mong muốn.
Trong mắt người tiêu dùng Việt Nam, hàng nội địa của Nhật Bản luôn được ưa chuộng. Nhiều người sẵn sàng bỏ ra nhiều tiền hơn để mua hàng Nhật đã qua sử dụng thay vì mua một hàng mới được sản xuất, lắp ráp trong nước.Tuy nhiên, do hàng nội địa Nhật là hàng sản xuất cho người Nhật sử dụng, không dành cho xuất khẩu nên không thực sự phù hợp với điều kiện thời tiết khí hậu Việt Nam.
Dù là hàng cũ hay hàng mới 100% thì những sản phẩm này đều không được bảo hành chính hãng, việc sửa chữa tương đối khó khăn, đôi khi không sửa được. Khi một bộ phận nào đó bị hỏng hóc, ở Việt Nam thường không có sẵn phụ tùng thay thế, đa số thợ sẽ lắp ghép các phụ tùng không đồng bộ hoặc là những bộ phận mà họ đã tận dụng được khi mua đồ đồng nát.
Đức Minh (nguoiduatin.vn)