Chợ đồ cổ Cao Minh nằm sâu trong một con hẻm trên đường Nơ Trang Long, quận Bình Thạnh. Chợ thường mở cửa vào Chủ nhật hàng tuần, từ khoảng 6g sáng đến 14g chiều. Đến đây người ta có thể tìm được đủ thứ, từ những món đồ cũ, đồ cổ được người bán dày công sưu tầm từ khắp các vùng miền trên cả nước và nhiều nước trên thế giới, cho đến cả những món đồ còn rất mới nhưng độc lạ.
Người đến chợ đủ cả, người đam mê đồ cổ, người thích tìm lại chút hoài niệm xưa với những món đồ cũ, người thích sưu tầm những món đồ độc lạ…. Phí vào chợ là 40.000 đồng/người, bao gồm một món ăn và đồ uống. Ra đời từ năm 2013, đến nay, chợ là nơi tìm đến của nhiều người giữa Sài Gòn tấp nập.
Covid-19 ập đến và khu chợ “ hoài cổ” này cũng như nhiều khu chợ khác bị ảnh hưởng nặng nề.
Trước khi dịch bệnh xảy ra, mỗi phiên chợ Cao Minh đón từ 500 đến 1.000 khách nhưng từ khi dịch bệnh xuất hiện, con số này đã giảm hẳn. Khoảng hơn một tuần trở lại đây, khu chợ đồ cổ lớn nhất Sài Gòn mới bắt đầu quay lại nhịp sống cũ, tuy nhiên cả người bán và khách mua hàng đều có vẻ e dè, cẩn trọng hơn trong mua và bán…
Đồ ở chợ Cao Minh chủ yếu nhập hàng xách tay từ nước ngoài về. Nhưng do dịch bệnh nên hoạt động vận chuyển bị ngưng trệ. Hiện tại, chợ Cao Minh chủ yếu kinh doanh những mặt hàng của Việt Nam và trao đổi hàng qua lại từ các mối quen hoặc bán các món hàng cũ.
Một vị "lão thành" trong chợ Cao Minh, chuyên các món như tiền cổ, lư đồng… cho biết, từ khi ông bán hàng đến nay (trong hơn 5 năm), chợ chưa bao giờ ế ẩm như trong giai đoạn Covid-19. Gia đình ông, trước dịch, vẫn nhập hàng xách tay nhưng dịch bệnh khiến việc vận chuyển bị ngưng trệ. Giờ ông chỉ bán những món hàng còn lại.
Ông cho biết, buôn bán ế ẩm và các món hàng đều là hàng cũ. Ông chỉ "hy vọng dịch qua đi để có thể nhập hàng mới" phục vụ khách hàng.
Một chủ cửa hàng khác bán đồ mỹ nghệ, kỷ vật chiến tranh… thì cho hay, hàng của ông hiện tại không đa dạng vì không nhập được.
Việc khan hiếm hàng xách tay là tình trạng chung của chợ vì ảnh hưởng của dịch bệnh. Những người bán hàng gắn bó với chợ lâu năm cũng vì nhiều lý do. Có người vì mê đồ cổ, có người kiếm kế sinh nhai...
Theo Đỗ Lan - Văn Văn (Trí Thức Trẻ)