TikTok, Facebook, Instagram… đang là những nền tảng nội dung hấp dẫn đối với người dùng ở đa dạng độ tuổi. Bên cạnh đó, những nền tảng này cũng là sân chơi đầy hứa hẹn của các nhà sáng tạo khi có thể “hái ra tiền” thông qua việc sản xuất video, bài viết… Tuy nhiên, không ít kênh khiến dư luận dậy sóng vì các nội dung 18+ gây ảnh hưởng tiêu cực đến giới trẻ.
Dù các nền tảng đã áp dụng nhiều chính sách kiểm duyệt nội dung, nhưng không ít kênh vẫn "lách luật" với các chiêu trò, hình thức tinh vi. Chẳng hạn, một số kênh có nội dung "người lớn" chuyển sang dùng biểu tượng, chơi chữ, nói giảm nói tránh để vượt lưới kiểm duyệt nội dung, từ ngữ.
Theo bà Nguyễn Phương Linh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý và Phát triển bền vững (MSD), việc tiếp cận các nội dung độc hại có thể khiến các em thanh thiếu niên bị ảnh hưởng tới sức khoẻ cả về thể chất lẫn tinh thần.
“Tiếp cận các nội dung khiêu dâm trực tuyến trước khi trẻ chuyển sang tuổi vị thành niên có thể khiến trẻ bị rối loạn hoặc mất nhạy cảm với các hành vi tình dục, nhiều trẻ cũng có hành vi nghiện tình dục, hay xu hướng có các hành vi tình dục lệch lạc khi lớn hơn. Trong khi đó, một số nghiên cứu cũng chỉ ra việc xem nội dung khiêu dâm trên Internet có thể làm giảm lượng chất xám trong não trẻ. Đối với một đứa trẻ có trí não đang phát triển, việc giảm lượng chất xám có thể ảnh hưởng tới khả năng học tập, phát triển nhận thức và hành vi”, bà Linh nói.
Ngoài các nội dung 18+, bà Phương Linh cũng đề cập đến nhiều nội dung có ảnh hưởng không tốt đến giới trẻ như thử thách nguy hiểm, cổ xúy bạo lực… Do vậy, đại diện của MSD nhấn mạnh tầm quan trọng của gia đình và nhà trường trong việc giáo dục và định hướng trẻ vị thành niên khi sinh hoạt trên môi trường mạng.
Vị này cũng nhấn mạnh đến tầm quan trọng của gia đình và nhà trường trong việc giáo dục và định hướng trẻ vị thành niên khi sinh hoạt trên môi trường mạng.
Chia sẻ về cách bảo vệ người dùng nhỏ tuổi, vị chuyên gia cho biết, các gia đình hoàn toàn có thể lựa chọn việc giới hạn độ tuổi trên các cửa hàng cài đặt ứng dụng như App Store để chọn lọc các ứng dụng, trò chơi có nội dung phù hợp với độ tuổi của con trẻ một cách nghiêm túc. Tận dụng các tính năng giới hạn nội dung, tường lửa trên các trình duyệt để hạn chế tối đa nội dung độc hại xuất hiện khi con sử dụng các thiết bị.
Tuy nhiên, một điều lưu ý đó là các bậc phụ huynh không nên né tránh chuyện giáo dục giới tính cho con. Các bậc phụ huynh nên đồng hành cùng con khi sử dụng mạng xã hội. Từ đó, cha mẹ có thể phân tích vấn đề và xử lý vấn đề nếu bắt gặp nội dung bẩn. Thông qua các hoạt động chia sẻ chung, hai phía dễ gắn kết và chia sẻ hơn khi trẻ gặp trường hợp tương tự.
“Luôn cởi mở với con trẻ. Hãy nhớ rằng giao tiếp là hai chiều. Cha mẹ có thể học hỏi về công nghệ số và cách sử dụng các ứng dụng từ con. Đổi lại, cha mẹ cũng có thể bày tỏ sự đồng cảm và hỗ trợ cho cuộc sống trực tuyến của con. Không chỉ trích, đổ lỗi cho con khi con bắt gặp những nội dung độc hại hay các rủi ro trên môi trường mạng, hãy cùng con trao đổi về cảm xúc của con, định hướng con và cùng tìm các giải pháp, các quy định để sử dụng Internet một cách hiệu quả, hữu ích”, bà Linh chia sẻ.
Ngoài các công cụ, cơ chế kiểm duyệt, các nền tảng đã có những động thái nhằm nâng cao ý thức người dùng. Google từng ra mắt bộ tài liệu Be Internet Awesome xoay quanh 5 chủ đề cơ bản về an toàn kỹ thuật số và quyền công dân số.
Trong khi đó, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý và Phát triển bền vững cũng cho rằng có người dùng có thể tham khảo một số lời khuyên hữu ích với Trung tâm an toàn của TikTok. Chẳng hạn như quy trình 4 bước khi tiếp xúc với bất kỳ nội dung nào “Dừng lại - Suy nghĩ - Quyết định - Hành động”. Phụ huynh và nhà trường có thể tìm thấy nhiều nguồn tài nguyên và cách hướng dẫn sử dụng các nền tảng để trẻ em khám phá môi trường trực tuyến một cách tích cực hơn.
Theo Duy Vũ (ICT News)