Bà Nguyễn Thị Bích Vân (61 tuổi) đến từ huyện An Khê, tỉnh Gia Lai là một nữ "phượt thủ" lớn tuổi khiến nhiều người trẻ ngưỡng mộ bởi những hành trình đã đi qua trong suốt 5 năm qua. Người phụ nữ nhỏ nhắn đến từ Tây Nguyên đã có 3 lần xuyên Việt, trong đó có một lần đi xuyên qua 3 nước Đông Dương là Việt Nam, Lào và Campuchia, chinh phục 40 ngọn núi cao bậc nhất khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên, Nam Trung Bộ.
Bà cũng đi thăm hầu hết các ngọn thác tại Việt Nam và tham gia nhiều giải hơn 50 giải chạy bộ cự ly trên khắp cả nước trong những hành trình của mình. Mới đây, bà Bích Vân cũng vừa trở về sau chuyến chinh phục những đỉnh cao mới tại Sơn La, Hà Giang và giành giải Nhất cự ly 15km của người trên 50 tuổi. Bên cạnh đó, bà cũng lái xe từ quê hương Gia Lai vào TP HCM xem diễu binh, duyệt binh dịp 30/4 vừa qua.
Con trai khơi nguồn cảm hứng xê dịch
Không phải là một người đam mê xê dịch khi còn trẻ, bà Bích Vân khiêm tốn nhận mình là một phụ nữ nội trợ bình thường. Bà Vân có bố là người miền Trung, mẹ là người Hà Nội. Gia đình bà cũng có truyền thống hiếu học từ nhỏ. Tuy nhiên, năm con trai bà Vân học lớp 10, cháu chia sẻ chỉ thích hội họa mà không thích học văn hóa. Chính điều đó đã khiến bà Vân ngỡ ngàng và hoảng loạn, lo lắng. Tuy nhiên, sau khi nghe mọi người khuyên và góp ý, bà Vân quyết định để con đi theo đam mê, sở thích và chọn đồng hành bên con bằng những hành trình khám phá thiên nhiên, cảnh sắc quê hương đất nước.
"Tôi có tham khảo ý kiến mọi người thì được biết, nên cho con trai tiếp xúc nhiều hơn với thiên nhiên khi theo học hội họa. Thay vì cho con đi học thêm, tôi đèo con đi chơi, trải nghiệm vào dịp cuối tuần, lễ tết hoặc nghỉ hè", bà Bích Vân chia sẻ với PV.
Từ những chuyến đi bằng xe máy tới các địa điểm gần như Quy Nhơn, Bình Định hay những chuyến đi dọc duyên hải miền Trung, bà Vân đã cho con trai được thỏa sức ngắm cảnh đẹp quê hương. Không chỉ vậy, chính bà cũng cảm thấy hiểu con hơn, và hiểu được niềm đam mê, sở thích của chính bản thân mình.
"Tôi chỉ nói với con, sau này, bạn ấy có ước cũng không thực hiện được những chuyến đi như vậy vì tôi không đủ sức khỏe làm điều đó với con. Qua những chuyến đi, tôi thấy mình cũng thức tỉnh chính bản thân, nhận ra niềm đam mê xê dịch khám phá ẩn sâu bao năm qua", bà Bích Vân kể lại.
Chính từ những chuyến đi với con trai, bà Bích Vân quyết định tiếp tục niềm đam mê trên chiếc xe máy kể từ đó. Nhưng bà không đi với con mà đi độc hành kể từ năm 2020, ngay sau khi vừa nghỉ hưu.
Bà kể, ban đầu gia đình cũng lo lắng không muốn cho bà đi một mình ở lứa tuổi này nhưng sau đó, bà được chồng, em trai và các con ủng hộ, chuẩn bị những thông tin, vật dụng tốt nhất cho những chuyến đi của bà.
"Con gái tôi sẽ chuẩn bị, tìm hiểu thông tin cho tôi ở các điểm tôi định tới. Em trai tôi trang bị đèn xe để tôi có thể đi trong sương mù, đèn có báo động, ủng đi mưa, bao bọc tay chân, mua cho tôi mũ bảo hiểm tốt để đảm bảo an toàn. Ông xã cho tôi tiền để thực hiện những chuyến đi. Anh chỉ dặn tôi đi cẩn thận vì gia đình ở nhà sẽ lo lắng.
Bản thân tôi cũng học xem bản đồ, học vá xe... chuẩn bị tất cả mọi thứ cho những chuyến đi của mình. Tôi rất cẩn thận trên từng chuyến đi nên chưa bao giờ gặp khó khăn gì nghiêm trọng. Lần đầu tôi đi mọi người lo lắng lắm nhưng từ những lần sau mọi người cũng quen và yên tâm hơn", bà Bích Vân chia sẻ.
Là người "tham lam" trải nghiệm
Dù có nhiều "chiến tích" đã chinh phục được trong những cung đường suốt 5 năm qua nhưng bà Bích Vân luôn khiêm tốn, không dám nhận đó là điều gì quá đặc biệt. Bà chỉ thấy tự hào khi bản thân là một người thích xê dịch kiểu khám phá chứ không chỉ đi theo thành tích.
Bên cạnh đó, bà Vân còn được nhiều ngưỡi ngưỡng mộ vì kết hợp những chuyến đi xuyên Việt của mình với các giải chạy dọc khắp đất nước từ Bắc đến Trung và Nam.
"Tôi là người tham lam lắm. Khi chạy xe tới mỗi địa điểm, tôi còn phải đi thăm thú, chinh phục các ngọn núi, thác, cảnh đẹp ở địa phương đó rồi mới tham gia các giải chạy. Ví dụ khi chạy giải Măng Đen hồi tháng 2/2025, tôi chạy xe từ 2h - 5h sáng tới nơi. Sau đó, tôi leo đồi cao khoảng 5-6km tại đây rồi xuống đồi, lên thuyền đi ngắm hoa lan. Tối về tôi mới ngủ và sáng hôm sau tham gia giải chạy 15km và giành giải nhất ở lứa tuổi mình.
Nhưng sau đó, tôi không kịp nhận giải thưởng mà chạy xe hơn 100km về nhà để sáng hôm sau lên xe khách ra Bắc tham dự một giải chạy khác ở Hà Giang. Tôi di chuyển nhiều lắm nhưng thường không nghỉ ngơi nhiều mà muốn khám phá hết mọi thứ ở những nơi mình đến", bà Bích Vân kể lại.
Trong suốt những năm qua, chuyến đi bà nhớ nhất là chuyến đi xuyên 3 nước Đông Dương gồm Việt Nam, Lào và Campuchia với con trai trong suốt 4 tháng vào năm 2022. Người khiến bà thực hiện chuyến đi đáng nhớ này cũng vẫn là con trai bà Vân.
"Sau 4 năm học, tôi muốn cùng con có một chuyến trải nghiệm ý nghĩa. Tôi đi từ cửa khẩu Bờ Y sang đến Lào rồi đi khắp các tỉnh thành của Lào, thăm các chùa tháp nổi tiếng lâu đời hay những thác đẹp của nước bạn. Khi bắt đầu ra khỏi cửa khẩu của Lào, tôi thăm mùa lúa chín ở Tây Bắc Việt Nam. Sau đó đi dần về Hà Nội rồi lại vào miền Trung, Tây Nguyên quê tôi. Rồi từ cửa khẩu Lệ Thanh, tôi cùng con trai đi khám phá đất nước Campuchia trong 15 ngày sau đó về cửa khẩu Mộc Bài, đi miền Tây Nam Bộ và leo 3 đỉnh núi của Việt Nam", bà Bích Vân hào hứng kể lại.
Trong suốt chuyến đi, bà cùng con trai có nhiều kỷ niệm đẹp nhưng vì là chặng đường dài nên hai mẹ con bà Bích Vân cũng có đôi lúc thấy kiệt sức và muốn bỏ cuộc. Những lúc như vậy, hai mẹ con bà Vân luôn tâm niệm hai từ "cố gắng" để hoàn thành chuyến đi.
Thay đổi tích cực từ những cung đường
Ở độ tuổi trên dưới 60 như bà Bích Vân không phải ai cũng có một sức khỏe bền bỉ dẻo dai như vậy. Bà Vân kể bản thân bà có bệnh huyết áp và tim mạch. Trước mỗi chuyến đi, bà chuẩn bị rất kỹ bằng cách luyện tập gym, chạy bộ, đi bộ trong thời gian dài nhiều tiếng...thậm chí bà còn tắm nước nóng - lạnh liền lúc để cơ thể quen với sự thay đổi của thời tiết.
Sau những chuyến đi, bà Bích Vân có được những trải nghiệm quý giá mà tiền không thể mua được. Bà hạnh phúc khi được đón hoàng hôn ở đèo Ô Quy Hồ, ngắm mặt trời lặn ở Lũng Cú... Khi chinh phục các đỉnh núi cao hay các cảnh đẹp núi rừng, bà cảm thấy rất xúc động hạnh phúc vô cùng vì đất nước Việt Nam nơi mình sinh sống thật sự rất đẹp và có ưu thế về địa lý.
"Không chỉ tôi nhận ra mà chính những người xung quanh đều thấy tôi thay đổi tích cực hơn. Họ thấy tôi cởi mở, sống phóng khoáng hơn thậm chí thay đổi về nhân sinh quan sống. Nếu như trước kia, tôi không vui khi thấy chồng đi chơi nhiều thì hiện tại tôi đã hiểu, mỗi người đều có một ước mơ, sở thích riêng. Ngoài vật chất, họ cần xây đắp một cuộc sống tinh thần thật tốt", bà Bích Vân bày tỏ.
Bà Vân cũng kể, những lần được tiếp xúc với đồng bào địa phương những nơi bà đi qua, bà cảm nhận được tình người của họ vô cùng sâu sắc dù đời sống vật chất còn nghèo.
"Khi có sức khỏe, được đi nhiều, tôi thấy rất hào sảng, thấy mình sống một cuộc sống ý nghĩa nên cũng muốn chia sẻ kinh nghiệm, lan tỏa sự tích cực với mọi người xung quanh. Tôi chỉ muốn mỗi người hãy tự đem đến cho bản thân niềm vui miễn là không ảnh hưởng nhiều đến gia đình. Điều đó sẽ khiến chúng ta đồng cảm và thấu hiểu mọi người xung quanh mình hơn", bà Bích Vân nói.
Theo Băng Tâm (SHTT)