Vào ngày hôm qua (4/4), Giám đốc công nghệ của Facebook, ông Mike Schroepfer đã viết trên blog của mình: "Chúng tôi tin rằng, tổng cộng thông tin Facebook của hơn 87 triệu người - phần lớn tại Mỹ - đã bị chia sẻ trái phép với Cambridge Analytica bằng các ứng dụng mà mọi người hoặc bạn bè họ đã sử dụng". Bài viết cũng có nói thêm về những thay đổi có liên quan đến quyền riêng tư của người dùng mà Facebook đang thực hiện, bao gồm giới hạn quyền truy cập của các ứng dụng bên thứ ba và xóa các thông tin cuộc gọi, tin nhắn đã hơn một năm tuổi trên hệ thống.
Ngoài ra, Facebook sẽ loại bỏ tính năng cho phép người dùng tìm kiếm các trang cá nhân bằng số điện thoại hay email cá nhân, với lý do kẻ gian đã lợi dụng điều này để đánh cắp thông tin.
Ông Schroepfer viết: "Trước quy mô và tính chất phức tạp của vụ việc như chúng tôi đã chứng kiến, chúng tôi tin rằng đại đa số người dùng Facebook hoàn toàn có thể bị đánh cắp dữ liệu bằng cách này. Vì vậy, chúng tôi sẽ vô hiệu hóa tính năng tìm kiếm qua số điện thoại và email cá nhân".
Trong một diễn biến liên quan, CEO Facebook Mark Zuckerberg đã đồng ý điều trần trước cả Thượng viện lẫn Hạ viện Mỹ vào hai ngày 10-11/4 tới để nói về "việc sử dụng và bảo vệ dữ liệu người dùng của công ty". Mark cũng sẽ là nhân chứng duy nhất trong cả 2 buổi điều trần.
Sau khi bê bối rò rỉ thông tin người dùng Cambridge Analytica bị phanh phui, Facebook đã liên tục phải hứng những cơn bão chỉ trích của người dùng và giới truyền thông. Giá cổ phiếu của công ty liên tục sụt giảm, người dùng kêu gọi nhau "tẩy chay" nền tảng mạng xã hội lớn nhất thế giới. Facebook đang rất nỗ lực để khắc phục hậu quả bằng những sự thay đổi về chính sách cũng như điều khoản dịch vụ, tuy nhiên, chính Mark Zuckerberg cũng đã thừa nhận, việc "dọn dẹp" nền tảng có thể mất đến nhiều năm trời.
Theo Văn Hoàn (VnReview.vn)