Phó Chủ nhiệm UB Quốc phòng An ninh (QP-AN) Quốc hội Trần Ngọc Khánh cho hay, nhiều ý kiến nhất trí với quy định tại dự thảo luật do Chính phủ trình là bắt buộc các DN nước ngoài khi cung cấp dịch vụ viễn thông, internet tại Việt Nam phải đặt cơ quan đại diện, máy chủ quản lý dữ liệu người sử dụng Việt Nam tại Việt Nam.
Tuy nhiên, một số ý kiến không nhất trí với quy định này, vì cho rằng khó bảo đảm tính khả thi, không đúng với thực tiễn, gia tăng chi phí của DN nước ngoài.
Sau khi tiếp thu các ý kiến, Ủy ban QP-AN thống nhất chỉnh lý dự thảo theo hướng không quy định nội dung yêu cầu đặt máy chủ quản lý dữ liệu trên lãnh thổ Việt Nam để bảo đảm tính khả thi và thuận lợi cho hoạt động của các DN nước ngoài khi cung cấp dịch vụ vào Việt Nam.
Về yêu cầu đặt cơ quan đại diện và lưu trữ dữ liệu người sử dụng Việt Nam trên lãnh thổ Việt Nam, Ủy ban QP- AN đề nghị giữ lại nội dung này trong dự thảo luật, nhưng có giới hạn về chủ thể (DN) và dữ liệu lưu trữ tại Việt Nam.
Giải thích lý do giữ lại, ông Khánh cho biết, việc này đáp ứng được yêu cầu bảo vệ chủ quyền quốc gia đối với dữ liệu điện tử và xử lý các tình huống, hành vi trên không gian mạng xâm phạm an ninh quốc gia; bảo đảm tính khả thi khi phối hợp ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin chống Đảng, Nhà nước, vi phạm pháp luật của Việt Nam; ngăn chặn có hiệu quả hoạt động chống phá của các đối tượng phản động, gián điệp trong và ngoài nước sử dụng không gian mạng.
Ngoài ra, nó sẽ gắn nghĩa vụ, trách nhiệm của các doanh nghiệp nước ngoài cung cấp dịch vụ xuyên biên giới trong việc phối hợp cung cấp thông tin, dữ liệu phục vụ điều tra, xác minh, xử lý vi phạm liên quan đến người sử dụng dịch vụ tại Việt Nam.
Ví dụ được nêu cụ thể qua vụ án “Sử dụng mạng internet thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản, tổ chức đánh bạc, đánh bạc, mua bán trái phép hóa đơn và rửa tiền” xảy ra tại Phú Thọ và một số tỉnh, thành trong thời gian qua.
Bên cạnh đó, quy định cũng phù hợp với điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên đồng thời, đáp ứng yêu cầu của tình hình thực tiễn hiện nay.
"Theo thống kê của Bộ Công an, tính đến tháng 1/2018, Google đã thuê 1.781 máy chủ, Facebook đã thuê 441 máy chủ của các DN Việt Nam để lưu trữ dữ liệu tại Việt Nam", ông Khánh nói.
Tán thành với quy định trên, Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Gia Lai Đinh Duy Vượt cho rằng, việc DN nước ngoài phải đặt cơ quan đại diện, máy chủ tại Việt Nam là phương pháp khó khả thi vì nhiều máy chủ đặt tại nước ngoài.
Theo ông, Việt Nam chưa xây dựng được thương hiệu nào và chưa có khả năng đáp ứng được. Với công nghệ phát triển hiện nay, theo công nghệ điện toán đám mây thì máy chủ là máy ảo nên không thể yêu cầu đặt tại Việt Nam được.
Ông cũng tán thành quy định buộc phải lưu trữ thông tin, dữ liệu khách hàng tại Việt Nam.
ĐB Nguyễn Thanh Xuân (Cần Thơ) cho rằng, quy định lưu trữ thông tin cá nhân người sử dụng Việt Nam trên lãnh thổ Việt Nam rất cần thiết cho việc quản lý song cần phải tính toán tính khả thi vì hiện nay với công nghệ điện toán đám mây, không gian mạng là xuyên biên giới và mang tính toàn cầu.
ĐB Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) cũng băn khoăn về quy định lưu trữ thông tin cá nhân người sử dụng Việt Nam.
"Liệu cơ quan quản lý có sử dụng thường xuyên thông tin này hay không. Vì thông tin cá nhân là bất khả xâm phạm, vì vậy chỉ khi nào cần thiết mới được yêu cầu trích xuất", ông Nhưỡng nói.
Theo Hương Bùi (VietNamNet)