Theo hãng tin Reuters, ngày 4-4 công ty Facebook đưa ra ước tính của họ cho rằng thông tin cá nhân của 87 triệu người dùng, hầu hết ở Mỹ, rất có thể đã bị chia sẻ không hợp lệ với công ty tư vấn chính trị Cambridge Analytica.
Trong cuộc họp báo qua điện thoại với các phóng viên, giám đốc điều hành Facebook, Mark Zuckerberg, cho biết công ty chưa phát hiện "bất cứ ảnh hưởng đáng kể nào" với sự tăng trưởng người dùng sau bê bối, mặc dù thừa nhận "chuyện này không tốt’.
"Cuộc sống là sự học hỏi từ các sai lầm và nhận ra anh cần làm gì để tiến về phía trước", ông chủ Facebook nói.
Mặc dù thừa nhận những sai lầm trong việc đánh giá chưa đúng mức nguy cơ lạm dụng nền tảng của mình, nhưng Mark Zuckerberg cho rằng anh vẫn là người phù hợp nhất để lãnh đạo công ty lúc này.
CEO của Facebook cũng nói anh không biết về bất cứ cuộc thảo luận nào ở ban quản trị công ty đề cập chuyện anh phải từ chức. Thực tế đây là thách thức với các giám đốc vì hiện Zuckerberg đang là cổ đông nắm quyền kiểm soát Facebook.
Theo truyền thông Mỹ, tuần tới (ngày 11-4), ông chủ Facebook sẽ điều trần trước Ủy ban Thương mại và Năng lượng Hạ viện về vấn đề này.
Cổ phiếu của Facebook giảm 0,6%, đạt 155,10 USD khi phiên giao dịch ngày 4-4 đóng cửa. Kể từ sau bê bối Cambridge Analytica, cổ phiếu công ty này đã giảm tổng cộng hơn 16% giá trị.
Con số ước tính 50 triệu người dùng Facebook bị ảnh hưởng trong vụ rò rỉ dữ liệu trước đây là do hai báo New York Times (Mỹ) và Observer (Anh) đưa ra, căn cứ vào các điều tra của họ về công ty Cambridge Analytica.
Còn số liệu ước tính cao hơn nhiều, khoảng 87 triệu người dùng, mới nhất là do Facebook đưa ra khi điều tra về số người đã tải ứng dụng trắc nghiệm tính cách do giáo sư đại học Cambridge, ông Aleksandr Kogan, phát triển là khoảng 270.000 người, sau đó cộng thêm số bạn bè trên Facebook của họ.
Bê bối rò rỉ dữ liệu Facebook đang kéo nhiều cơ quan chức năng các nước vào cuộc điều tra. Trong đó có Văn phòng cao ủy Thông tin Vương quốc Anh, Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ và khoảng 37 tổng chưởng lý các bang của Mỹ.
Đầu tuần này (2-4), người phát ngôn tổng thống Nigeria cho biết chính phủ nước này cũng sẽ điều tra về những cáo buộc về công ty Cambridge Analytica liên quan tới 2 cuộc bầu cử năm 2007 và 2015 của nước này.
Theo D.Kim Thoa (Tuổi Trẻ)