Trong năm 2020, thế giới đã chào đón hàng trăm mẫu smartphone khác nhau. Có những model tuy không có nhiều thay đổi nhưng vẫn "hot hòn họt" như bộ tứ iPhone 12, có những chiếc lại mang trong mình sứ mệnh định nghĩa lại khái niệm smartphone như Galaxy Z Fold2. Nhưng cũng không hề thiếu những chiếc smartphone tệ hại đến mức người dùng đã lập tức quay lưng với nó ngay kể từ giây phút nó được giới thiệu
Samsung Galaxy Note 20 (bản tiêu chuẩn)
Mặt lưng nhựa, thiết kế kém cao cấp và lại được định giá lên đến 1000 USD, ngay kể từ khi mẫu Galaxy Note này được ra mắt, nó đã nhanh chóng nhận được những tiếng la ó, xỉ vả và cả mỉa mai từ người dùng, bất kể Samfan hay những người đang sử dụng các mẫu điện thoại đến từ các thương hiệu đối thủ.
Samsung đã sinh ra Note 20 bản tiêu chuẩn như một model kiểu "chim mồi" nhằm thu hút sự chú ý của dư luận vào mẫu Note 20 Ultra cao cấp. Note 20 không hề sở hữu hệ thống lấy nét laser như Note 20 Ultra, bút S Pen trên mẫu "flagship" này cũng không hề có sự cải thiện so với thế hệ trước đó. Người dùng muốn tận hưởng tất cả những tinh hoa trên, cần phải bỏ thêm 300 USD nữa, để lấy thêm chữ Ultra và sở hữu cho mình những tính năng cao cấp nhất.
Còn về phần Note 20 tiêu chuẩn, nó chỉ mang trong mình những thứ mà đến mẫu S20 phiên bản thấp nhất là S20 FE cũng đã có, tuy nhiên S20 FE chỉ có giá bán rơi vào khoảng 700 USD vào thời điểm ra mắt. Vậy Samsung đang nhắm vào đối tượng khách hàng nào khi ra mắt Note 20? Câu trả lời là không một ai cả.
Nokia 8.3
HMD Global giới thiệu Nokia 8.3 vào tháng 3/2020. Đây là chiếc điện thoại tầm trung cao cấp với thiết kế, cấu hình ổn và hỗ trợ kết nối 5G. Tuy nhiên, phải mất gần 6 tháng kể từ lúc model này được ra mắt nó mới thực sự được giao đến tay người dùng.
Hãng sản xuất này không hề có một thông báo chính thức nào đến người hâm mộ Nokia về sự chậm trễ khó hiểu này. Tuy nhiên, việc trì hoãn này lại vô tình trùng hợp với bộ phim James Bond mới nhất bị hiện đang hoãn công chiếu, được biết, đây là bộ phim điện ảnh mà HMD Global ký hợp đồng hợp tác chiến lược. Liệu đây có phải lý do chính mà công ty này phải trì hoãn việc ra mắt chiếc smartphone được xem là đầu tàu của năm 2020 của hãng hay không?
Khi Nokia 8.3 thực sự được ra mắt, lúc này người tiêu dùng đã có rất nhiều lựa chọn tốt hơn, thậm chí là có giá cả phải chăng hơn như Pixel 4a, Poco F2 Pro và OnePlus Nord. Mang danh là chiếc điện thoại cao cấp nhất của HMD, nhưng Nokia 8.3 lại chỉ có một cấu hình tầm trung và có mức giá bán xấp xỉ các model cận cao cấp, đây cũng là một lý do tại sao doanh số của chiếc smartphone này lại trở nên hẩm hiu đến như vậy. Nếu tình trạng này cứ tiếp diễn, có lẽ đến nửa đầu năm 2021, chúng ta vẫn không được diện kiến bất kỳ chiếc điện thoại smartphone flagship nào đến từ ông lớn một thời Nokia.
Microsoft Surface Duo
Microsoft đã tạo nên cơn địa chấn thực sự vào năm 2019 khi tiết lộ về chiếc Surface Duo, đánh dấu lần đầu tiên gã khổng lồ phần mềm bước chân vào thế giới Android. Bản thân thiết bị này cũng mang một số điểm nhấn. Microsoft trang bị cho điện thoại màn hình đôi và có thể gập lại được, hứa hẹn sẽ tạo ra những khác biệt đáng chú ý trong trải nghiệm người dùng.
Tuy nhiên, thực tế lại cho thấy điều ngược lại, Surface Duo là một "đống hổ lốn" thực sự. Phần mềm của Microsoft gặp rất nhiều lỗi ngớ ngẩn, trong khi danh sách ứng dụng chạy trên nền Android được hỗ trợ thiết kế hai màn hình thì chưa nhiều dẫn đến trải nghiệm sử dụng cực kỳ khó chịu.
Trải nghiệm sử dụng nghèo nàn không phải yếu tố duy nhất khiến chiếc smartphone 2 màn hình của Microsoft phải chết yểu, điểm thứ hai làm cho Surface Duo phải nằm kho đó chính là mức giá cao đến điên rồ. Với $1400, bạn chỉ mua được một chiếc máy mang những thông số của một chiếc flagship ra mắt vào năm 2019, không 5G, không NFC, không sạc nhanh, không sạc không dây. Với số tiền này, Samsung Galaxy Z Fold 2 sẽ là một lựa chọn sáng suốt hơn rất nhiều.
Motorola Razr
Motorola dự định sẽ có một màn "comeback" ngoạn mục vào cuối năm 2019 khi công ty này thông báo chiếc điện thoại Razr, lấy cảm hứng từ huyền thoại Razr V3, sẽ được ra mắt trong tương lai gần, đi kèm với đó là màn hình gập độc đáo. Với thiết kế lấy cảm hứng từ vỏ sò, màn hình chính lớn có thể gập lại được, theo lý thuyết thì đây sẽ là sự pha trộn giữa truyền thống và hiện đại.
Tuy nhiên, khi model chính thức ra mắt vào năm 2020, nó không đem lại bất cứ điều gì ngoài nỗi thất vọng tràn trề. Bỏ ra 1500 USD nhưng bạn chỉ nhận về một chiếc smartphone có thời lượng pin thấp, camera của những dòng máy giá rẻ, vi xử lý tầm trung từ năm 2018 và chạy Android 9 mặc dù Android 10 đã ra mắt từ rất lâu. Ngoài ra, chất lượng hoàn thiện của máy cũng bị phàn nàn rất nhiều.
Cũng như các thiết bị gập khác, Razr bị đánh bại bởi Samsung Galaxy Z Flip. Cũng không có gì bất ngờ khi Motorola phải chạy chương trình mua một tặng một sau một thời gian ngắn máy ra mắt trên thị trường. Hãng này có phát hành thêm một phiên bản 5G vào cuối năm 2020, thiết kế có phần hiện đại hơn và có cụm camera kép. Nhưng bấy nhiêu đó có đủ cứu vãn một mẫu điện thoại với quá nhiều vấn đề như Razr?
OnePlus Nord N Series
Năm 2020 có lẽ sẽ là một năm thăng hoa của OnePlus nếu hãng này không có những nước đi sai lầm vào những ngày cuối cùng.
Chiếc Nord N10, được xem là phiên bản giá rẻ của model OnePlus Nord, có giá chỉ thấp hơn một chút, nhưng gần như không có những tính năng nổi bật, ví dụ như màn hình OLED, vi xử lý ổn định hay thêm camera trước.
Trong khi đó, chiếc Nord N100 còn tồi tệ hơn, nó dường như chỉ là Oppo A53 được tái thiết kế, hiệu năng thấp và có cụm 3 camera không thể nào tệ hơn.
Theo Huỳnh Phương (Pháp Luật & Bạn Đọc)