Cô gái 27 tuổi 'chết đi sống lại' sau cơn đột quỵ: Lời cảnh báo về lối sống hiện đại

15/05/2025 07:36:36

Câu chuyện của N.N.H., cô gái 27 tuổi sống tại Biên Hòa (Đồng Nai), bất ngờ trải qua cơn đột quỵ đã trở thành tâm điểm chú ý trên mạng xã hội, thu hút hàng chục nghìn lượt quan tâm và chia sẻ.

Trải qua 3 giờ đồng hồ như "chết đi sống lại", H. đã may mắn thoát khỏi lưỡi hái tử thần, nhưng sự việc là hồi chuông cảnh tỉnh về nguy cơ đột quỵ ngày càng gia tăng ở người trẻ với những thói quen tưởng chừng vô hại.

Làm công việc bán hàng online, H. thường xuyên phải đối mặt với áp lực vô hình từ công việc, thức khuya triền miên để xử lý đơn hàng và trả lời khách, dẫn đến tình trạng thiếu ngủ kéo dài. Tối ngày 12/5, sau khi đi ngủ lúc 22h, đến hơn 1h sáng, H. bất ngờ tỉnh dậy với cảm giác lạnh buốt toàn thân như đang ở Bắc Cực, dù thời tiết bên ngoài rất nóng. Kèm theo đó là cơn đau đầu dữ dội, không thể ngủ lại được.

Khoảng 10 phút sau, tình trạng trở nên nghiêm trọng hơn: H. bắt đầu chóng mặt, điện thoại rơi khỏi tay, tai ù và không còn nghe rõ âm thanh xung quanh. Tay chân cô co cứng, mắt không thể mở, mọi thứ chìm trong bóng tối với những vệt sáng lóa mờ ảo. Trong khoảnh khắc thập tử nhất sinh, H. chỉ còn ý niệm duy nhất: "phải tỉnh dậy và phải sống".

Gần 3h sáng, trong trạng thái mơ hồ và kiệt sức, cô gái trẻ gắng gượng cử động tay chân, lần mò tìm điện thoại và gọi người thân cầu cứu. Đến 3h30, H. được đưa vào bệnh viện cấp cứu.

Cô gái 27 tuổi 'chết đi sống lại' sau cơn đột quỵ: Lời cảnh báo về lối sống hiện đại
H. được đưa vào cấp cứu. Ảnh: NVCC.

Tại bệnh viện, sau khi thực hiện các xét nghiệm cần thiết, bác sĩ chẩn đoán H. bị thiếu máu lên não, cơ thể suy nhược nghiêm trọng do stress và mất ngủ kéo dài. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến cơn đột quỵ nhẹ suýt cướp đi sinh mạng cô gái trẻ. Dù không để lại biến chứng nghiêm trọng, H. vẫn không giấu nổi sự bàng hoàng và sợ hãi khi nghĩ về những gì đã xảy ra. Cô chia sẻ vẫn còn đau ê ẩm toàn thân, cơ mặt căng cứng, miệng không thể há to và sốc nhất là việc bị đột quỵ ở tuổi đời còn rất trẻ.

Bác sĩ đã yêu cầu H. tuyệt đối nghỉ ngơi, ngủ đủ giấc, tránh làm việc quá sức và theo dõi sát sao mọi dấu hiệu bất thường. "Chỉ là đột quỵ nhẹ thôi mà tưởng chừng như chết đi sống lại", H. tâm sự.

Câu chuyện của H. không phải là trường hợp cá biệt. Thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho thấy số ca đột quỵ ở người trẻ đang gia tăng đáng báo động. Tại Việt Nam, đột quỵ ở độ tuổi dưới 45 chiếm khoảng 10-15% tổng số ca mỗi năm.

Theo ThS.BS Đoàn Dư Mạnh, thành viên Hội Bệnh mạch máu Việt Nam chia sẻ trên Dân Trí, những thói quen tưởng chừng "bình thường" trong lối sống hiện đại của người trẻ đang tạo thành một "combo" nguy hiểm gây đột quỵ. Áp lực công việc kéo dài, ít vận động, chế độ ăn nhiều dầu mỡ và đường, thức khuya triền miên, cùng với việc hút thuốc và sử dụng rượu bia, âm thầm hủy hoại sức khỏe não bộ.

BS Mạnh nhấn mạnh, nhiều người trẻ không hề biết mình bị tăng huyết áp hoặc xem nhẹ tình trạng này mà không điều trị, trong khi đây là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến đột quỵ (thiếu máu não và xuất huyết não). Làm việc quá sức, căng thẳng cũng gây áp lực lớn lên não, khiến huyết áp tăng cao, tim co bóp mạnh, tăng nguy cơ hình thành cục máu đông hoặc xuất huyết não.

Cô gái 27 tuổi 'chết đi sống lại' sau cơn đột quỵ: Lời cảnh báo về lối sống hiện đại - 1
ThS.BS Đoàn Dư Mạnh, thành viên Hội Bệnh mạch máu Việt Nam. Ảnh: M.N./Dân Trí

Từ trường hợp của H., BS Mạnh khuyến cáo cộng đồng, đặc biệt là người trẻ, cần nhận biết sớm các dấu hiệu đột quỵ để kịp thời cấp cứu trong giai đoạn "giờ vàng" (4-6 giờ từ khi xuất hiện triệu chứng). Các dấu hiệu bao gồm: mất thăng bằng, nhức đầu, chóng mặt; mờ mắt; méo, xệ mặt một bên; tay, chân cùng bên tê bì hoặc yếu hơn bên kia; khó nói, nói ngọng.

Đột quỵ là tình trạng cấp cứu y tế khẩn cấp. Khi xuất hiện các dấu hiệu nghi ngờ, cần nhanh chóng đưa bệnh nhân đến ngay các cơ sở y tế có khả năng cấp cứu đột quỵ. Bên cạnh đó, việc kiểm soát huyết áp đúng cách cũng là yếu tố quan trọng để hạn chế nguy cơ đột quỵ. Câu chuyện của cô gái 27 tuổi là lời cảnh báo đanh thép về việc cần thay đổi lối sống, chú trọng chăm sóc sức khỏe để phòng ngừa đột quỵ, căn bệnh không còn là nỗi lo của riêng người cao tuổi.

PN (SHTT)

Nổi bật