Cục Viễn thông (Bộ TT&TT) cho biết, các doanh nghiệp viễn thông di động đã triển khai những biện pháp kết nối, cung cấp dữ liệu, đối soát trong cơ sở dữ liệu thông tin thuê bao của doanh nghiệp với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Từ đó, phát hiện các trường hợp có thông tin chưa trùng khớp hoặc không đúng quy định nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, góp phần giải quyết triệt để tình trạng sử dụng SIM thuê bao di động có thông tin sai quy định; đảm bảo đến ngày 31/3/2023, các thuê bao đang hoạt động đều có thông tin đúng quy định và trùng khớp với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Từ 31/3/2023, các nhà mạng bắt đầu khóa 1 chiều với những thuê bao có thông tin không trùng khớp thông tin đối soát với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Tiếp đến, khóa thông tin 2 chiều với những thuê bao này và sau 2 tháng sẽ chấm dứt hợp đồng nếu thuê bao không đăng ký chuẩn hóa thông tin cá nhân.
Sau khi quyết định được công bố, nhiều độc giả VietNamnet đặt câu hỏi: "Nếu SIM của tôi đã chuyển cho người khác (bố, mẹ, con...) sử dụng thì có phải chuẩn hóa thông tin không?".
Trả lời thắc mắc trên, Cục Viễn thông cho biết, theo quy định tại NĐ 49/2017/NĐ-CP, đối với người dưới 14 tuổi hoặc người được giám hộ theo quy định của Bộ Luật Dân sự, việc giao kết hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung phải do cha, mẹ hoặc người giám hộ thực hiện. Tuy nhiên, khi con bạn đã có căn cước công dân, bạn nên cập nhật thông tin cho con để có thể sử dụng thuận lợi trên điện thoại thông minh hoặc các ứng dụng tài chính, ngân hàng...
Người dùng có thể nhắn tin đến tổng đài 1414 với cú pháp TTTB để biết thêm thông tin hoặc gọi điện đến số chăm sóc khách hàng của nhà mạng theo thông tin tại đường link.
Nhiều độc giả đặt câu hỏi người già, không sử dụng Internet, cũng không thể ra khỏi nhà thì phải chuẩn hóa thông tin thế nào?
Về câu hỏi này, Cục Viễn thông cho hay, với mục tiêu đến ngày 31/3/2023, các thuê bao đang hoạt động đều phải có thông tin đúng quy định và trùng khớp với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Bộ đã yêu cầu các mạng phải thông báo tới khách hàng và xây dựng nhiều kênh hỗ trợ chuẩn hoá thông tin (trực tuyến qua ứng dụng hoặc trang web, trực tiếp tại cửa hàng hoặc nhân viên tới gặp khách hàng).
Theo đó, các nhà mạng phải rà soát phân loại, cá thể hóa theo từng nhóm thuê bao cần chuẩn hoá để truyền thông, bảo đảm người dân tiếp cận đầy đủ thông tin, dễ dàng cập nhật, tránh làm phiền khách hàng đã có thông tin thuê bao đúng. Ví dụ, với người sử dụng điện thoại phím bấm, người cao tuổi… thì việc thông báo, thực hiện chuẩn hóa không thể qua ứng dụng cũng như trên web nên doanh nghiệp phải cử nhân viên trực tiếp hỗ trợ.
Cục Viễn thông khẳng định, việc rà soát, chuẩn hóa thông tin thuê bao là hoạt động cần thiết, phải có sự phối hợp của cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và người dân nhằm ổn định trật tự xã hội; kịp thời ngăn chặn, xử lý các hành vi sử dụng SIM điện thoại có thông tin đăng ký không đúng quy định thực hiện các hành vi lừa đảo, quảng cáo sai sự thật, thiếu văn hoá, trái với thuần phong mỹ tục… Cục Viễn thông mong nhận được sự hợp tác của các doanh nghiệp viễn thông di động cũng như người sử dụng dịch vụ.
Theo Thái Khang (VietNamNet)