Có thể đình chỉ phát triển thuê bao mới từ 3 - 6 tháng nếu nhà mạng sai phạm

16/03/2023 08:00:00

Bộ TT&TT đang tính đến phương án “mạnh tay” với các nhà mạng bằng cách đình chỉ phát triển thuê bao mới nếu sai phạm để dẹp vấn nạn SIM rác bơm ra thị trường dẫn đến nhiều hệ lụy cho xã hội.

Có thể đình chỉ phát triển thuê bao mới từ 3 - 6 tháng nếu nhà mạng sai phạm
Nhà mạng nhiều lần ký cam kết không xả SIM rác nhưng trên thực tế SIM rác vẫn được bơm ra thị trường với số lượng không nhỏ gây nên hệ lụy xã hội. Ảnh: Trọng Đạt

Ngày 14/3, Cục Viễn thông đã có văn bản yêu cầu các nhà mạng phải bảo đảm thuê bao phát triển mới, thuê bao được chuẩn hóa có thông tin đúng quy định. Theo đó, các doanh nghiệp viễn thông cần rà soát, ban hành, cập nhật các quy trình, quy định của doanh nghiệp về phát triển, đăng ký thông tin thuê bao bảo đảm tuân thủ theo đúng quy định tại Nghị định 49/2017/NĐ-CP, các cam kết của doanh nghiệp với Bộ TT&TT cũng như yêu cầu tại văn bản chỉ đạo của Cục.

Cục Viễn thông sẽ phối hợp với các Sở TT&TT tổ chức giám sát, kiểm tra quá trình thực hiện của doanh nghiệp. Đặc biệt với việc phát triển thuê bao mới, sẽ báo cáo lãnh đạo Bộ TT&TT xử lý nghiêm, bao gồm đề nghị đình chỉ hoạt động phát triển thuê bao mới đối với các doanh nghiệp vi phạm, nhất là những hành vi cung cấp dịch vụ cho thuê bao phát triển mới có thông tin không đầy đủ hoặc không chính xác, bán và lưu thông trên thị trường SIM thuê bao đã được nhập sẵn thông tin, kích hoạt sẵn dịch vụ di động cho SIM. 

Nguồn tin của VietNamNet cho hay, Bộ TT&TT đang xem xét đến hình thức xử lý quyết liệt là đình chỉ phát triển thuê bao mới từ 3 - 6 tháng nếu phát hiện các doanh nghiệp viễn thông mắc sai phạm quy định về quản lý thuê bao di động. Đây là lần đầu tiên Bộ TT&TT đưa ra phương án xử lý mạnh tay với nhà mạng. 

Nhiều ý kiến cho rằng, sở dĩ vấn nạn SIM rác hoành hành là do tình trạng nhờn luật khi mà các quy định về quản lý thuê bao trả trước khá chặt chẽ và nhà mạng nhiều lần ký cam kết không xả SIM rác nhưng SIM rác vẫn được bơm ra thị trường với số lượng không nhỏ gây nên hệ lụy xã hội.

Khoảng 10 năm trước, Bộ TT&TT cũng tính đến phương án xử lý triệt để SIM rác là khách hàng có thể mua SIM qua các kênh đại lý nhưng bắt buộc phải đến điểm đăng ký của nhà mạng làm thủ tục đăng ký thông tin thuê bao. Như vậy, cơ quan quản lý nhà nước có thể dễ dàng truy cứu trách nhiệm nhà mạng khi có hiện tượng SIM kích hoạt sẵn tung ra thị trường. Nhưng các nhà mạng đã phản ứng rằng điều này làm hạn chế số lượng phát triển thuê bao và các phương án siết chặt quản lý, quy rõ trách nhiệm cho nhà mạng đã không được thực thi.

Theo thống kê của Bộ TT&TT, Việt Nam có 126 triệu thuê bao di động và thị trường bắt đầu đến ngưỡng bão hòa. Một thống kê khác cho thấy, mỗi năm các nhà mạng đang giành nhau khoảng 800.000 thuê bao mới gia nhập thị trường. Như vậy, về cơ bản các nhà mạng sẽ không thể thay đổi được thị phần bằng cách giành giật thuê bao mới. Đây cũng là thời điểm tốt để siết chặt việc đăng ký thuê bao mới, quy trách nhiệm cho nhà mạng nhằm chặn đứng đầu ra của SIM rác.

Trước đó, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Đức Long cho biết, Thanh tra Bộ TT&TT đã kiểm tra việc thực hiện quy định quản lý thông tin thuê bao trả trước và xử phạt tất cả nhà mạng sai phạm. Sau đó, Bộ TT&TT ký văn bản nhắc nhở lần 2 đối với các doanh nghiệp viễn thông vi phạm. 

“Nếu nhà mạng không tuân thủ quy định về quản lý thông tin thuê bao di động, Bộ TT&TT phải có văn bản nhắc nhở lần 3, sau đó sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ và cơ quan chủ quản. Hiện Bộ TT&TT không quản lý trực tiếp nhân sự của các doanh nghiệp viễn thông. Tuy nhiên, Bộ TT&TT sẽ gửi văn bản đến cơ quan chủ quản trên tinh thần xử lý người đứng đầu các doanh nghiệp”, Thứ trưởng Phạm Đức Long nói.

 

Theo Thái Khang (VietNamNet)