Theo Nikkei đưa tin, Daihatsu đang phải xem xét việc triệu hồi tới 300.000 xe ô tô gồm mẫu Cast- thương hiệu Daihatsu và Pixis Joy- thương hiệu của công ty mẹ Toyota, sau khi nhà sản xuất ô tô này bị phát hiện gian lận trong các cuộc kiểm tra an toàn xe.
Các mẫu xe này có thể không đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn vì cửa xe có thể bị khóa và khó mở từ bên ngoài trong trường hợp xảy ra tai nạn. Nếu chiến dịch triệu hồi được triển khai, Daihatsu tiếp tục bị giáng thêm một đòn mạnh đối với hoạt động của công ty.
Bê bối gian lận an toàn của Daihatsu phát hiện cuối năm ngoái đã gây chấn động ngành công nghiệp ô tô toàn cầu, khiến niềm tin của người dùng vào các sản phẩm ô tô của Nhật Bản bị giảm sút nghiêm trọng.
Daihatsu đã buộc phải ngừng giao tất cả các lô hàng trong và ngoài nước trong tháng 12 năm ngoái và mọi hoạt động sản xuất xe từ ngày 20/12/2023. Kéo theo, hàng loạt mẫu xe thương hiệu Toyota do Daihatsu sản xuất bị ảnh hưởng. Riêng nhà máy Daihatsu ở Indonesia và Malaysia được hoạt động trở lại vài ngày sau đó nhờ được chính quyền sở tại chấp thuận.
Ông Koji Sato, Tổng giám đốc và Giám đốc điều hành Toyota đã phát biểu trong ngày 16/1 rằng Toyota sẽ xem xét lại hoạt động kinh doanh của Daihatsu và cải tổ lại một cách mạnh mẽ cơ cấu tổ chức quản lý.
Thứ 4 (18/1) tuần trước, Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng, Giao thông và Du lịch Nhật Bản đã quyết định sẽ thu hồi và hủy bỏ Giấy chứng nhận chất lượng và an toàn kỹ thuật xe đối với 3 mẫu ô tô do Daihatsu sản xuất gồm Gran Max (xe van và bán tải), mẫu xe Toyota TownAce (xe van, bán tải hạng nhẹ) và Bongo sản xuất cho Mazda.
Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng, Giao thông và Du lịch Nhật Bản còn cho biết cuộc điều tra tại chỗ đã phát hiện thêm 14 lỗi mới và đã yêu cầu Daihatsu nhanh chóng gửi báo cáo giải trình. Cho đến nay, đã có tổng cộng có 171 lỗi xảy ra khi kiểm tra thử nghiệm an toàn và chất lượng trên 64 mẫu xe do Daihatsu sản xuất bao gồm các thương hiệu riêng của Daihatsu, sản xuất OEM cho Toyota, Mazda và Suzuki.
Tại Việt Nam, vụ bê bối gian lận thử nghiệm xe của Daihatsu hiện chỉ ảnh hưởng tới một mẫu xe duy nhất là Toyota Avanza Premio bản số sàn MT dẫn đến mẫu xe bị ngừng bán từ ngày 21/12/2023. Tuy nhiên, lỗi đến từ việc kiểm tra về khí thải/hiệu suất nhiên liệu dẫn tới sai lệch về chất lượng xe trong vấn đề tiêu chuẩn khí thải, không thuộc nhóm lỗi an toàn kỹ thuật như trên 2 mẫu xe Daihatsu Cast và Toyota Pixis Joy.
Nguồn: Nikkei
Theo Ngô Minh (VietNamNet)