Theo Nikkei Asia, ông Tetsuo Saito - Bộ trưởng Đất đai, Hạ tầng, Vận tải và Du lịch Nhật Bản - cho biết cơ quan này đã bắt đầu các thủ tục nhằm thu hồi và hủy bỏ Chứng nhận chất lượng và an toàn kỹ thuật, bảo vệ môi trường của 3 mẫu xe do Daihatsu sản xuất.
Như vậy, hãng xe thuộc tập đoàn Toyota sẽ bị cấm sản xuất hàng loạt các mẫu xe bao gồm Daihatsu Gran Max, Toyota Town Ace và Mazda Bongo cho đến khi được cấp chứng nhận trở lại.
Giấy phép sản xuất của 3 mẫu xe Daihatsu sẽ bị cơ quan quản lý tại Nhật Bản thu hồi. Ảnh: Reuters. Tại Nhật Bản, các công ty trước khi sản xuất một mẫu xe mới cần vượt qua quy trình thử nghiệm nghiêm ngặt nhằm đáp ứng các yêu cầu về an toàn để được cấp giấy Chứng nhận chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường. Trong trường hợp giấy chứng nhận này bị hủy, mẫu xe chịu ảnh hưởng sẽ phải dừng sản xuất hàng loạt, đồng thời phải trải qua quá trình kiểm tra lại khá gắt gao.
Về phần Toyota, tập đoàn ôtô Nhật Bản cho biết trong khoảng một tháng tới sẽ công bố các bước cải tổ Daihatsu sau bê bối gian lận an toàn, theo Reuters.
“Chúng tôi đang xem xét vấn đề này một cách rất nghiêm túc”, ông Koji Sato – CEO của tập đoàn Toyota – trao đổi với báo giới.
Ông Koji Sato cho biết tập đoàn sẽ xem xét hợp nhất hoạt động kinh doanh của Toyota với Daihatsu như một phần trong nỗ lực cải tổ, đồng thời để ngỏ khả năng cử các kỹ sư của mình đến làm việc cho Daihatsu.
Một giải pháp tiềm năng khác, theo CEO của Toyota chia sẻ, là thay đổi cơ cấu lãnh đạo của Daihatsu.
Hoạt động sản xuất tại các nhà máy của Daihatsu ở Nhật Bản vẫn đang bị tạm dừng kể từ cuối tháng 12/2023. Trước đó, một ủy ban điều tra độc lập đã phát hiện ra các vấn đề liên quan đến 64 mẫu xe do Daihatsu sản xuất, trong đó có nhiều mẫu xe bán ra dưới thương hiệu Toyota.
Trao đổi với Reuters, đại diện Daihatsu cho biết vẫn chưa thể đưa ra khung thời gian chính thức về thời điểm hãng này có thể tái khởi động nhà máy sản xuất trong nước.
Vụ bê bối gian lận an toàn của Daihatsu bắt đầu từ tháng 4/2023 khi hãng này thừa nhận đã có những gian lận khi tiến hành thử nghiệm an toàn va chạm sườn cho một số mẫu xe Daihatsu và Toyota.
Các báo cáo khi ấy đã chỉ ra rằng Daihatsu đã can thiệp vào quá trình thử nghiệm an toàn trên hơn 88.000 mẫu xe. Trong số này có khoảng 76.000 xe Toyota Yaris Ativ dành riêng cho thị trường Thái Lan, Mexico và các nước vùng vịnh, bên cạnh khoảng 11.800 xe Perodua Axia sản xuất tại Malaysia.
Đến tháng 12/2023, kết quả từ cuộc điều tra độc lập được công bố, qua đó phát hiện thêm những bất thường mới trong 174 điểm thuộc 25 hạng mục kiểm tra an toàn mà Daihatsu thực hiện. Có tổng cộng 64 mẫu xe cùng 3 mẫu động cơ bị ảnh hưởng, trong đó bao gồm 22 mẫu xe và một động cơ bán ra dưới tên Toyota.
Trong thông cáo của Toyota Toàn cầu liên quan đến vụ việc, danh sách những mẫu xe bị ảnh hưởng có xuất hiện nhiều cái tên quen thuộc với thị trường Việt Nam như Toyota Wigo, Toyota Avanza Premio, Toyota Veloz Cross và Toyota Yaris Cross. Tuy nhiên, Toyota Việt Nam xác nhận Avanza Premio phiên bản số sàn là mẫu xe duy nhất chịu ảnh hưởng.
Toyota Việt Nam cũng nhanh chóng thông báo tạm dừng bán Avanza Premio MT cho đến khi có thông tin tiếp theo.
Theo Thảo Nguyễn (Kienthuc.net.vn)