Daihatsu vốn một trong những nhà sản xuất ô tô lâu đời, uy tín lớn tại Nhật Bản. Trước khi phải bán mình hoàn toàn cho Toyota vào năm 2016 và sa sút về uy tín, đạo đức kinh doanh vì những gian lận thử nghiệm an toàn, chất lượng xe, thương hiệu này có một chặng đường lịch sử hơn 100 năm với nhiều thăng trầm, trong đó, có những giai đoạn thành công rực rỡ, huy hoàng.
Quá khứ huy hoàng
Năm 1907, nhóm các nhà khoa học và nghiên cứu thuộc đại học Osaka đã thành lập Tập đoàn Hatsudoki Seizo với mục tiêu trở thành công ty chuyên sản xuất động cơ đốt trong chạy bằng nhiên liệu hóa thạch cho các nhà máy điện và động cơ hơi nước cho đầu máy xe lửa.
Năm 1951, Hatsudoki Seizo được tái cơ cấu mạnh mẽ và đổi tên thành Daihatsu nhằm tạo nhận diện thương hiệu riêng biệt khi các nhà sản xuất động cơ khác dần nổi lên tại Nhật Bản. Bản thân tên gọi “Daihatsu” cũng có nghĩa là nhà sản xuất động cơ đến từ Osaka.
Tên tuổi trong làng xe hơi của Daihatsu chỉ bắt đầu được công chúng biết tới kể từ năm 1963, sau khi hãng lần đầu tiên cho ra mắt mẫu xe Compagno rất hấp dẫn vào thời điểm bấy giờ. Dẫu vậy, doanh thu chủ yếu của nhà sản xuất vẫn tới từ những sản phẩm xe 3 bánh nhỏ gọn.
Giữa thập niên 1960, nhằm đẩy mạnh sự phát triển trong lĩnh vực ô tô, Daihatsu bắt đầu xuất khẩu xe mang thương hiệu chữ D tới với châu Âu và thị trường đầu tiên được nhắm đến chính là Anh quốc. Thế nhưng, con đường kinh doanh của hãng tại thị trường khó tính này không hề suôn sẻ như dự tính.
Năm 1967, lần đầu tiên Daihatsu “bén duyên” với Toyota, sự kiện sẽ thay đổi lịch sử của hãng về sau này. Trong thời điểm chính phủ Nhật Bản rục rịch có ý định mở cửa và phát triển thị trường nội địa, Toyota đã tự biến mình trở thành cổ đông lớn của Daihatsu với thương vụ mua 16,8% cổ phần nhà sản xuất ô tô tới từ Osaka.
10 năm sau, Daihatsu cho ra mắt mẫu xe du lịch hạng nhẹ mang tên Charade với mức tiêu thụ nhiên liệu thấp và khả năng vận hành cực kỳ đáng tin cậy, cùng mức giá khá bình dân. Đây chính là cú hích mạnh cho doanh số của Daihatsu, thúc đẩy sự phát triển thần tốc về mảng ô tô của nhà sản xuất này. Năm 1978, Daihatsu Charade thậm chí còn được Tạp chí ô tô Motor Fan của Nhật vinh danh là mẫu xe của năm.
Sau thành công vang dội này, tới năm 1980, Daihatsu đạt cột mốc quan trọng trong lịch sử với 3 triệu chiếc ô tô cỡ nhỏ được chế tạo và nửa triệu chiếc ô tô đã xuất khẩu ra thế giới. Điều này tạo một tinh thần tự tin cao độ cho Daihatsu tiếp tục xúc tiến phát triển ra các thị trường quốc tế sau một màn chào sân người tiêu dùng châu Âu không mấy thành công.
Bị Toyota thâu tóm, Daihatsu lụi tàn dần khỏi các thị trường
Năm 1988, Daihatsu lần đầu tiên “đổ bộ” thị trường Mỹ đầy thách thức với 2 mẫu xe cực kỳ hấp dẫn là chiếc Charade đã gây tiếng vang lớn và mẫu SUV hạng A Rocky. Thế nhưng vận đen về xuất khẩu vẫn đeo bám Daihatsu khi công việc kinh doanh của hãng tại Mỹ cực kỳ ảm đạm và không được khách hàng địa phương chào đón.
Chỉ 4 năm sau, tháng 2/1992, Daihatsu ngừng phân phối bán lẻ tại thị trường Mỹ và ngừng sản xuất các loại xe dành cho thị trường này, đồng nghĩa rằng hãng rút lui hoàn toàn khỏi quốc gia tiêu thụ nhiều ô tô nhất thế giới vào thời điểm bấy giờ.
Cùng trong thời điểm này, khó khăn tài chính càng chồng chất lên vai Daihatsu khi kinh tế Nhật Bản rơi vào khó khăn. Nhiệm vụ cấp bách cần phải có nguồn lực để phát triển các mẫu xe mới buộc lòng Daihatsu phải bán cổ phần cho Toyota. Tới năm 1995, Toyota đã sở hữu tới 33,4% cổ phần của công ty. Chỉ 3 năm sau, Toyota nâng tổng số cổ phần mà họ sở hữu lên quá bán, 51.2% và trở thành “chủ nhân” mới của Daihatsu.
Đáng buồn hơn, việc liên tục bán lượng lớn cổ phiếu ra ngoài cũng không giúp Daihatsu cải thiện hơn tình hình, buộc hãng phải rút khỏi hàng loạt các thị trường nước ngoài tiềm năng. Năm 2000, Daihatsu rút khỏi thị trường Australia và Việt Nam.
Trong giai đoạn từ năm 2007 – 2011, doanh số của Daihatsu tại châu Âu chứng kiến tình trạng sụt giảm liên tục. Theo tờ Gauk Motor, số xe Daihatsu bán ra ở châu Âu từ 58.000 chiếc vào năm 2007 giảm xuống chỉ còn 12.000 chiếc vào năm 2011. Cộng với việc đồng Yên vào thời điểm bấy giờ liên tục tăng giá, các công ty xuất khẩu khó có thể kiếm lợi nhuận nhiều như trước. Tất cả các yếu tố này đã buộc Daihatsu phải tuyên bố, sẽ rút khỏi thị trường châu Âu kể từ ngày 31/1/2013. Cùng trong năm 2013, New Zealand tuyên bố ngừng nhập khẩu xe thương hiệu Daihatsu.
Năm 2016, tập đoàn Toyota chính thức mua lại toàn bộ cổ phần và sở hữu hoàn toàn nhà sản xuất ô tô Daihatsu, chính thức kết thúc hơn 100 năm chặng đường phát triển độc lập của hãng xe giàu truyền thống của Nhật Bản.
Dẫu vậy, kể từ khi sáp nhập vào Toyota năm 2016 cho tới nay, Daihatsu vẫn cực kỳ năng nổ đóng góp nhiều sản phẩm ô tô cỡ nhỏ, tiết kiệm và mang tính thực dụng cao, rất được người tiêu dùng chào đón dưới thương hiệu Toyota. Hãng cũng tiên phong, là lá cờ đầu của Toyota trong việc xúc tiến và phát triển các thị trường mới giàu cơ hội.
Tại Nhật Bản, trong số các loại xe mini hạng nhẹ phổ biến, hay còn gọi là xe Kei, Daihatsu đứng đầu với thị phần 33%, tiếp theo là Suzuki với 31% và Honda Motor với 18%. Toyota cho biết, Daihatsu đã sản xuất 1,1 triệu xe trong 10 tháng đầu năm 2023, gần 40% trong số đó đến từ các nhà máy ở nước ngoài. Hãng cũng đã bán được khoảng 660.000 xe trên toàn thế giới trong cùng kỳ và chiếm 7% doanh số bán hàng của Toyota.
Tuy nhiên, tương lai của Daihatsu đang bên bờ khủng hoảng khi những bê bối gian lận thủ tục thử nghiệm an toàn và chất lượng xe lớn nhất trong lịch sử vừa bị đưa ra ánh sáng. Đến ngày 20/12, Daihatsu buộc phải ngừng giao xe trên toàn bộ thị trường toàn cầu với 64 mẫu và 3 động cơ, trong đó, 22 mẫu mang thương hiệu Toyota. Nhiều tên xe rất quen thuộc với người dùng Việt Nam như Toyota Vios, Toyota Yaris, Toyota Veloz Cross, Toyota Wigo, Toyota Raize, Toyota Avanza... Sự việc ảnh hưởng nặng nề tới 8.316 nhà cung cấp, đạt doanh thu hàng năm 2,21 nghìn tỷ yên (15,5 tỷ USD) từ Daihatsu. Đáng tiếc rằng, đây không phải lần đầu Daihatsu vi phạm. Các vụ việc tương tự của công ty này đã xảy ra từ năm 1989 và gia tăng từ năm 2014.
Hiện, Daihatsu đang bị Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng, Giao thông và Du lịch thực hiện thanh tra với quy mô lớn và đứng trước nguy cơ bị Chính phủ Nhật Bản thu hồi lại giấy chứng nhận sản xuất.
Theo Hùng Dũng (VietNamNet)