Cuộc đua kiểm soát trí tuệ nhân tạo

14/08/2023 08:00:00

Trước sự phát triển như vũ bão của công nghệ trí tuệ nhân tạo, các cường quốc đang tăng tốc cho cuộc đua kiểm soát AI.

Năm 2023, chúng ta đã thấy được khả năng của ChatGPT và các công nghệ AI thế hệ mới để thay đổi cách học hỏi, làm việc và tương tác. Đây chỉ là những bước đi đầu của một công nghệ, mà trong viễn cảnh tốt nhất, sẽ đem đến cho con người những giới hạn mới về kiến thức và năng suất làm việc, làm thay đổi thị trường lao động, tái tạo các nền kinh tế, dẫn đến mức tăng trưởng xã hội và kinh tế chưa từng có.

Cuộc đua kiểm soát trí tuệ nhân tạo
Ap lực ngày càng gia tăng để kiểm soát cuộc đua AI mà không hoàn toàn dập tắt sự phát triển của công nghệ này.

Cùng lúc đó, tốc độ nhanh chóng của sự phát triển AI đang khiến các nhà phát minh, những người lãnh đạo lĩnh vực công nghệ, và các cơ quan quản lý phải lo lắng. Ngay cả Sam Altman, CEO của OpenAI – công ty nghiên cứu phát triển ChatGPT – cũng đã đưa ra những cảnh báo về nguy cơ của AI gây ra những mối đe doạ cho các cá nhân, nền kinh tế, và xã hội, nếu không được kiểm soát chặt chẽ. Các viễn cảnh xấu nhất được đặt ra dựa trên khả năng của AI có thể vượt tầm kiểm soát của con người, cho phép công nghệ này phá huỷ thị trường lao động, khiến cho con người không còn cần thiết nữa và thậm chí dẫn đến sự kết thúc của loài người, như một vài kịch bản phim viễn tưởng của Hollywood.

Trong bối cảnh này, các chính phủ toàn cầu - đặc biệt tại Mỹ, Trung Quốc và Liên minh Châu Âu (EU) - đang phải đối mặt với áp lực ngày càng gia tăng để kiểm soát cuộc đua AI diễn ra giữa các công ty công nghệ mà không hoàn toàn dập tắt sự phát triển của công nghệ này. Mặc dù gặp phải cùng một mối lo ngại, Mỹ, Trung Quốc và EU đã bắt đầu phát triển cách kiểm soát công nghệ AI rất khác nhau, dựa trên các giá trị và hệ tư tưởng được coi là quan trọng nhất trong xã hội của họ. 

Sự chiến thắng trong cách tiếp cận AI sẽ có ảnh hưởng lớn tới tương lai của công nghệ và xã hội, do các quyết định đang được đưa ra ở thời điểm mà công nghệ AI còn mới, chưa đi theo một hướng phát triển rõ ràng. Và không ai trong số họ có thể tự cho phép mình bị bỏ lại phía sau.

Mỹ

Cách tiếp cận ít quy định của Mỹ đối với việc kiểm soát AI là minh chứng cho niềm tin mãnh liệt của nước này vào chủ nghĩa tư bản thị trường tự do và cách các giá trị này cho phép đổi mới công nghệ. Bắt nguồn từ mô hình quản trị kinh tế cho phép các công ty được hoạt động tự do, từ đó tạo nên sức mạnh chính trị lớn của những công ty này, khuôn khổ kiểm soát AI của Mỹ thể hiện rõ ràng đặc tính laissez-faire. Nó tập trung vào việc bảo vệ tự do ngôn luận, Internet tự do và chính phủ tạo nên các chính sách khuyến khích sự đổi mới.

Cuộc đua kiểm soát trí tuệ nhân tạo - 1
Cách tiếp cận ít quy định của Mỹ đối với việc kiểm soát AI dẫn đến những tiến bộ vượt bậc của nước này trong công nghệ AI.

Một trong những lý do chính cho cách tiếp cận này là niềm tin của xã hội Mỹ vào sự đổi mới và các sáng kiến mới như động lực chính thúc đẩy tiến bộ xã hội và thịnh vượng kinh tế. Các nhà hoạch định chính sách Mỹ phần lớn tin rằng các quy định kiểm soát quá hạn chế có thể cản trở quá trình đổi mới sáng tạo đã từng phát triển mạnh tại đây theo các nguyên tắc thị trường tự do. Cách tiếp cận này đã dẫn đến những tiến bộ vượt bậc của Mỹ trong AI, từ công cụ ChatGPT của OpenAI cho người dùng hàng ngày tới các cải cách chẩn đoán chăm sóc sức khoẻ, dự đoán mô hình và xu hướng khí hậu.

Do đó, Mỹ đã không xây dựng chính sách kiểm soát AI liên bang có ý nghĩa nào, mà chỉ đề xuất một vài tiêu chuẩn tự nguyện mà các công ty công nghệ có thể chọn áp dụng hoặc bỏ qua. Ví dụ gần đây nhất là Bản kế hoạch chi tiết cho Dự luật về quyền của AI - một cuốn sổ tay do Nhà Trắng xuất bản vào tháng 10/2022. Nó cung cấp hướng dẫn cho các nhà phát triển và người dùng AI về cách bảo vệ quyền của công chúng Mỹ trong thời đại AI, nhưng cuối cùng vẫn đặt niềm tin vào các công ty để tự quản lý công nghệ của mình. Sự ủng hộ phát triển AI trong lĩnh vực tư này có thể thấy được trong cách Washington tập trung hơn vào đầu tư nghiên cứu, phát triển AI (R&D) và nâng cao năng lực của chính phủ liên bang để sử dụng AI trong các hoạt động hành chính.

Washington cũng coi AI như cơ hội để củng cố uy thế quân sự và công nghệ Mỹ trong bối cảnh cạnh tranh công nghệ Mỹ-Trung ngày càng căng thẳng và mối lo ngại xung đột địa chính trị giữa hai cường quốc ngày càng đến gần. Sự tập trung của Mỹ vào ưu thế kinh tế và địa chính trị khiến cho việc kiểm soát công nghệ trở thành một mối lo ngại thứ hai. Cách tiếp cận thoải mái này cũng phản ánh chiến lược địa chính trị của Washington, với các nhà hoạch định chính sách tin rằng Mỹ có thể sử dụng quyền lực mềm để có được ưu thế và vị trí lãnh đạo công nghệ AI. Những cân nhắc địa chính trị này cho thấy quan điểm của Washington - rằng quá nhiều quy định kiểm soát sẽ kìm hãm sự đổi mới công nghệ AI, và từ đó đe doạ vị trí dẫn đầu thế giới của Mỹ trong lĩnh vực này. Thay vì đó, Washington phụ thuộc vào các tiêu chuẩn tự nguyện, hy vọng rằng ảnh hưởng của các công ty Mỹ trong việc phát triển AI sẽ cho phép Mỹ thúc đẩy cách tiếp cận này lên toàn cầu - củng cố quyền lực của Mỹ.

Liên minh Châu Âu (EU)

Cách tiếp cận của EU đối với quy định AI được định hình trong một khuôn khổ tập trung vào nhân quyền, dựa trên những tiền lệ xã hội đã tạo nên Quy định chung về bảo vệ dữ liệu (GDPR). Chính sách GDPR, có hiệu lực từ 2018, đã đặt nền móng cho cách EU tiếp cận AI dựa trên quyền của con người.

Các nguyên tắc giảm thiểu dữ liệu, giới hạn mục đích sử dụng, và yêu cầu minh bạch đều là những giá trị tiếp tục được áp dụng trong việc định hình cách châu Âu kiểm soát AI. Theo cùng một cách, các nhà hoạch định chính sách phải đan xen giữa các cân nhắc về đạo đức và đổi mới công nghệ - nhằm thiết lập một khuôn khổ kiểm soát AI với lợi ích của con người ở chính giữa. Cách tiếp cận này nhằm bảo vệ quyền riêng tư của các cá nhân, đảm bảo các công ty hoạt động minh bạch và duy trì niềm tin của công chúng vào công nghệ AI.

Cuộc đua kiểm soát trí tuệ nhân tạo - 2
EU tiếp cận AI dựa trên quyền của con người.

Bằng chứng lớn nhất cho cam kết của EU đối với việc quản trị AI mạnh mẽ là đề xuất khung pháp lý quản trị AI của Uỷ ban Châu Âu (European Commission). Đây là khung pháp lý đầu tiên nhằm kiểm soát công nghệ AI. Nó cố gắng đặt ra các yêu cầu và nghĩa vụ rõ ràng cho các nhà phát triển, nhà triển khai và người dùng AI, đặc biệt tập trung vào các ứng dụng AI có rủi ro cao. Đề xuất này có mục đích nhằm giải quyết các thách thức đa dạng do công nghệ AI đặt ra, bao gồm những khó khăn trong việc hiểu quá trình đưa ra quyết định (decision-making) của các hệ thống AI, và đánh giá các trường hợp công nghệ này được sử dụng một cách không công bằng. Ngoài việc đảm bảo an toàn và các quyền cơ bản của người dân và doanh nghiệp, đề xuất này cũng hướng tới mục tiêu sử dụng AI để giảm gánh nặng hành chính và tài chính cho doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV).

Chiến lược của EU cũng đề xuất một cách tiếp cận dựa trên rủi ro, phân biệt giữa các ứng dụng AI theo bốn cấp độ - không thể chấp nhận được, rủi ro cao, cần phải hạn chế, và không có rủi ro nào. Các ứng dụng AI được coi là mối đe doạ rõ ràng đối với sự an toàn, sinh kế và quyền của con người sẽ bị cấm, trong khi những ứng dụng có rủi ro cao – bao gồm công nghệ AI được sử dụng trong xây dựng cơ sở hạ tầng quan trọng và trong việc làm - sẽ phải tuân theo các quy định nghiêm ngặt. Các hệ thống AI gây rủi ro tối thiểu cũng sẽ bị giám sát bởi cơ quan quản lý, nhưng tại mức tối thiểu.

Có lẽ không rõ ràng bằng Mỹ và Trung Quốc, nhưng EU cũng công nhận vai trò của AI trong việc giúp cạnh tranh địa chính trị. Bằng cách đi đầu trong việc thiết lập các tiêu chuẩn kiểm soát AI tại châu Âu, Brussels hy vọng sẽ truyền bá các giá trị của mình về nhân quyền, minh bạch, và bảo vệ người dùng trên khắp thế giới. Năng lực kiểm soát công nghệ của EU, một thứ đã được thể hiện trong lĩnh vực bảo vệ dữ liệu với GDPR, mang đến cho Brussels cơ hội định hình các chuẩn mực toàn cầu về AI – và từ đó đem tới EU một nguồn sức mạnh mềm đáng kể.

Tuy nhiên, cách tiếp cận của EU không phải là không có thách thức. Tiềm năng phát triển công nghệ AI của các quốc gia EU hiện không thể ngang bằng với những gì đang thấy tại Mỹ và Trung Quốc. Một số nhà quan sát cho rằng các quy định kiểm soát nghiêm ngặt của EU có thể kìm hãm sự đổi mới và khiến cho các công ty châu Âu không có khả năng cạnh tranh toàn cầu. Điều này cho thấy, mặc dù EU mong có thể đưa ra được các chuẩn mực kiểm soát AI, họ sẽ không có khả năng phát triển đa số những công nghệ này, thay vì đó phụ thuộc sức mạnh vào khả năng để kiểm soát công nghệ đến từ bên ngoài. Điều này có thể củng cố thái độ từ các quốc gia thứ ba rằng EU đang cố gắng áp đặt các giá trị của châu Âu lên các xã hội nơi các giá trị này không phù hợp, tạo nên tác dụng ngược là châu Âu mất đi ảnh hưởng địa chính trị.

Trung Quốc

Trái ngược với cách tiếp cận tự do thị trường của Mỹ và kiểm soát dựa trên nhân quyền của châu Âu, Trung Quốc áp dụng một mô hình kiểm soát trí tuệ nhân tạo quyết đoán và tập trung hơn. Mô hình kiểm soát từ trên xuống (top-down) có thể được coi là hiện thân của cách Trung Quốc pha trộn việc quản trị nhà nước theo chủ nghĩa chuyên chế và kinh tế thị trường cùng một lúc.

Nền tảng của cách tiếp cận này là vai trò chủ chốt của chính phủ trong việc phát triển và giám sát AI. Với một tầm nhìn chiến lược dài hạn và sự sẵn sàng huy động các nguồn lực lớn để phát triển công nghệ, Bắc Kinh đã đặt AI lên hàng đầu trong chính sách phát triển của đất nước.

Cuộc đua kiểm soát trí tuệ nhân tạo - 3
Trái ngược với cách tiếp cận tự do thị trường của Mỹ và kiểm soát dựa trên nhân quyền của châu Âu, Trung Quốc áp dụng một mô hình kiểm soát trí tuệ nhân tạo quyết đoán và tập trung.

“Kế hoạch phát triển trí tuệ nhân tạo mới”, được đưa ra vào năm 2017, vạch ra một kế hoạch chi tiết nhằm đưa Trung Quốc trở thành quốc gia dẫn đầu thế giới về AI vào năm 2030. Chiến lược này coi AI là động lực cốt lõi để nâng cấp công nghiệp và chuyển đổi kinh tế Trung Quốc và trong quá trình này, sẽ tích hợp sâu AI vào quản trị và quản lý xã hội, trong đó có quản trị thành phố, các dịch vụ công, cũng như việc giám sát an ninh nội địa. Chính phủ Trung Quốc cho rằng AI có thể được triển khai để duy trì trật tự và kiểm soát xã hội chặt chẽ. Mô hình nhà nước giám sát của Trung Quốc đã kết hợp AI vào chiến lược quản trị quốc gia, sử dụng nó như một công cụ để giám sát, kiểm duyệt và kiểm soát không chỉ các nguồn thông tin trong xã hội.

“Các biện pháp tạm thời để quản lý các dịch vụ trí tuệ nhân tạo sáng tạo” chuẩn bị có hiệu lực từ ngày 15/8 cho thấy cách Trung Quốc cân bằng giữa việc dùng AI để thúc đẩy sự năng động của nền kinh tế trong lúc nắm giữ quyền kiểm soát xã hội của nhà nước. Chính sách này bao gồm các biện pháp kiểm soát AI tương tự EU và Mỹ như bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, đảm bảo công nghệ được phát triển minh bạch, cấm phân biệt đối xử giữa người dùng và cũng bao gồm các yếu tố chính trị phản ánh bối cảnh xã hội của Trung Quốc. 

Điều này bao gồm những yêu cầu sự phát triển AI tuân theo các giá trị xã hội chủ nghĩa, nghiêm cấm sử dụng AI để thực hiện những hành vi kích động, chống lại nhà nước. Chính sách cũng yêu cầu các công ty phát triển AI phải có giấy phép được chấp thuận bởi nhà nước để cung cấp các dịch vụ AI, cho thấy cách Bắc Kinh có ý định duy trì mức độ kiểm soát cao với việc triển khai công nghệ này.

Giống với Mỹ và EU, cách tiếp cận của Trung Quốc cũng được định hình bởi thái độ xã hội, văn hoá, và chính trị trong nước, trong lúc cũng sẽ ảnh hưởng ngược lại với những thái độ này qua cách tiếp cận của chính quyền. Nỗ lực quốc gia hướng tới làm chủ AI đã thúc đẩy một xã hội, nơi công nghệ AI trở thành một thứ được chấp nhận trong cuộc sống hàng ngày của người dân, từ các hệ thống thanh toán nhận dạng khuôn mặt cho đến trợ lý giảng dạy AI. Sự sẵn sàng của Bắc Kinh để áp dụng những công nghệ này vào đời sống hàng ngày so với Mỹ và EU có lẽ sẽ như một chất xúc tác để thúc đẩy sự phát triển nhanh chóng của AI tại Trung Quốc. Trong lúc các quốc gia phương Tây phải đối mặt với những cuộc tranh cãi sâu sắc về việc áp dụng AI trong xã hội, Trung Quốc có thể sử dụng sự ủng hộ đổi mới từ công chúng để triển khai AI trên quy mô lớn, mà không phải đối mặt với phản kháng từ người dân như ở phương Tây.

Ngoài khía cạnh triển khai vào xã hội, khả năng vượt bậc của Trung Quốc cũng có thể thấy trong cách Bắc Kinh điều tiết thị trường để ủng hộ nghiên cứu AI, thay vì phụ thuộc vào thị trường tự do để tạo nên đổi mới. Trung Quốc chiếm gần 1/5 nguồn vốn đầu tư tư nhân toàn cầu cho AI vào năm 2021, và về mặt nghiên cứu học thuật, Trung Quốc đã xuất bản khoảng 1/3 tổng số bài nghiên cứu và các trích dẫn về AI trong cùng năm. Sự đầu tư và hỗ trợ mạnh mẽ của chính phủ Trung Quốc đã thúc đẩy một lĩnh vực công nghệ AI ngày càng năng động, với mục tiêu biến AI thành một nguồn lực quan trọng cho mọi lĩnh vực phát triển của đất nước.

Chính sách của Trung Quốc mang đậm dấu ấn của truyền thống Nho giáo, nhấn mạnh đến sự hài hoà xã hội và quyền lực của nhà nước để đảm bảo sự hài hoà này. Mặc dù cách tiếp cận của Trung Quốc đối với quy định về AI có thể tiếp tục gây ra những lo ngại về quyền riêng tư và tự do của người dân – do khả năng của các ứng dụng AI để giám sát và kiểm soát xã hội – nó cũng thể hiện khả năng của Bắc Kinh để thích ứng nhanh chóng đối với những thay đổi công nghệ. Điều này cho thấy cách các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc có khả năng đề xuất, áp dụng và thay đổi các luật kiểm soát AI nhanh chóng. So với các quy trình ở châu Âu và Mỹ, Trung Quốc sẽ có khả năng thích nghi chính sách tốt hơn để bắt kịp với sự phát triển nhanh chóng của AI.

Theo Phạm Vũ Thiều Quang (VietNamNet)