Giữa tháng 7, sau một tuần thấy ông T.V.C ho không dứt, lại thêm triệu chứng đau ngực, gia đình quyết định đưa ông đi khám ở Bệnh viện Đa khoa Thạch Thất, Hà Nội.
Tại đây, bác sĩ chỉ định cho ông chụp X-quang ngực thẳng. Phần mềm chẩn đoán hình ảnh có tích hợp AI (trí tuệ nhân tạo) nhanh chóng rà soát, đưa ra nhận định người đàn ông này bị tổn thương mờ phổi, đông đặc dạng khối.
Trên cơ sở cảnh báo của phần mềm, bác sĩ một lần nữa kiểm tra lại và gửi đi làm thêm các thăm dò khác. Bệnh nhân được chẩn đoán bị ung thư phổi.
"Nhờ tích hợp AI trong chẩn đoán hình ảnh, hệ thống lưu trữ hồ sơ, truyền tải dữ liệu, thầy thuốc tiết kiệm được rất nhiều thời gian, bệnh viện giảm phần nào chi phí in phim nhựa", bác sĩ Vương Trung Kiên, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Thạch Thất, chia sẻ với VietNamNet.
Tác dụng khi đưa AI vào chẩn đoán bệnh
Lý giải cụ thể hơn, bác sĩ Kiên cho biết tất cả bác sĩ lâm sàng có thể xem và phân tích kết quả phim từ hệ thống của phần mềm bằng cách đăng nhập vào tài khoản cá nhân đã được thiết lập từ khi triển khai. Phần mềm này cũng giúp phân tích và đánh giá 21 dấu hiệu bất thường từ dữ liệu phim X-quang ngực gửi lên trong 5 giây, ghi chú và làm nổi bật các bất thường, có công cụ đo đạc kích thước tổn thương.
"Việc tích hợp này giúp bác sĩ giảm thiểu nguy cơ bỏ sót tổn thương, đặc biệt là khi lượng bệnh nhân khám đông", bác sĩ Kiên nói.
Tuy nhiên, theo vị giám đốc, việc lập luận và đưa ra chẩn đoán còn phải phụ thuộc rất nhiều vào thăm khám lâm sàng và các thăm dò cận lâm sàng khác nên phần mềm chỉ cung cấp một phần thông tin hỗ trợ bác sĩ, "không thể thay thế vai trò của bác sĩ lâm sàng trong khám chữa bệnh".
Nhờ AI, không chỉ việc phân tích dữ liệu trên phim X-quang ngực thẳng được triển khai nhanh chóng mà thầy thuốc còn có thể có được các gợi ý ban đầu về các tổn thương của người bệnh, đặc biệt là các tổn thương nhỏ, tổn thương ít gặp mà bình thường nếu không quan sát kỹ bác sĩ có thể bỏ sót.
Khó khăn là động lực để thúc đẩy chuyển đổi số
Là một trong những bệnh viện tuyến huyện đầu tiên của Hà Nội mạnh dạn chuyển đổi số, ứng dụng AI trong chẩn đoán hình ảnh, theo bác sĩ Kiên, động lực đầu tiên chính là những khó khăn từ thực tiễn hoạt động.
"Nhân lực luôn là một câu hỏi khó đối với y tế cơ sở, chúng tôi thực sự thiếu nhân lực ở nhiều chuyên khoa, đặc biệt là chẩn đoán hình ảnh", ông Kiên nói. Cơ chế về mức lương, chế độ đãi ngộ tại các bệnh viện công có thể là một phần nguyên nhân của vấn đề này. Việc thiếu thốn về nguồn nhân lực đòi hỏi các bác sĩ phải làm việc với cường độ cao hơn, sai sót là điều khó tránh khỏi.
Trong khi đó, nếu mạnh dạn chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ hiện đại có thể giảm thiểu những sai sót này, mang lại hiệu quả tốt nhất cho khám, điều trị. Chi phí phần mềm theo đánh giá của ông Kiên là "ở mức khá hợp lý với các đơn vị công lập tuyến huyện".
Thừa nhận chuyển đổi số y tế còn nhiều khó khăn, nhất là với cơ sở tuyến huyện, ông Kiên cho rằng khó nhất là nguồn lực, gồm kinh phí và con người.
Ví dụ, bệnh viện rất muốn triển khai đồng bộ, toàn diện hệ thống lưu trữ hình ảnh (PACS) và phần mềm quản lý bệnh viện (HIS) nhưng nguồn kinh phí, nhân lực không phải lúc nào cũng sẵn sàng. Trong khi nếu không triển khai đồng bộ, chỉ triển khai từng phần, khi "khớp ray" với nhau sẽ phát sinh những điểm chưa phù hợp, buộc phải khắc phục.
Một ví dụ khác thuộc về khách quan như khi triển khai dùng thẻ BHYT có mã QR. Để phục vụ bệnh nhân khám chữa bệnh được thuận lợi nhất, đơn vị đã trang bị đầu đọc QR code tại tất cả các vị trí tiếp nhận khám chữa bệnh như khoa Khám bệnh, khu Cấp cứu, khoa Ngoại, khoa Sản…. Tuy nhiên, đến năm 2022, khi thẻ căn cước công dân có gắn chip được thay thế, toàn bộ số đầu quét QR code đã mua rơi vào tình trạng: hoặc không thể đọc được dữ liệu hoặc đọc được nhưng dữ liệu lại bị lỗi. Bệnh viện này phải dành kinh phí để thay thế toàn bộ.
Theo ông Kiên, chuyển đổi số y tế là việc cần thiết phải thực hiện. Cơ sở tuyến huyện này gần đây đã số hóa hoạt động khám chữa bệnh như thực hiện tiếp nhận khám chữa bệnh bằng thẻ căn cước công dân có gắn chip, VssID, thanh toán không dùng tiền mặt qua QR code. Gần đây nhất, bệnh viện triển khai nâng cấp HIS, dự kiến tháng 8 tới sẽ đi vào hoạt động chính thức với nhiều tiện ích mới như đặt lịch hẹn khám online, trả kết quả xét nghiệm online….
Theo Võ Thu (VietNamNet)