Trong thông tin chia sẻ với ICTnews hôm 30/10, đại diện các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet (ISP) tại Việt Nam xác nhận thời điểm hiện tại 2 trong 5 tuyến cáp quang biển quốc tế chiếm phần lớn dung lượng kết nối Internet từ Việt Nam đi quốc tế là Asia America Gateway (AAG) và Asia Africa Europe 1 (AAE-1).
AAG là tuyến cáp quang biển kết nối trực tiếp khu vực Đông Nam Á với Mỹ, được đưa vào vận hành chính thức từ tháng 11/2009. Các quốc gia và vùng lãnh thổ mà tuyến cáp biển AAG đi qua gồm có Malaysia, Singapore, Thái Lan, Việt Nam (nhánh cáp rẽ vào Việt Nam dài 314km, điểm cập bờ tại Vũng Tàu), Brunei, Hong Kong (Trung Quốc), Philippines và Hoa Kỳ (Guam, Hawaii và California).
Còn AAE-1 là tuyến cáp biển được đưa vào khai thác tháng 7/2017, có vai trò nâng cao chất lượng kết nối hướng châu Âu, Trung Đông cũng như cung cấp bổ sung thêm dung lượng và dự phòng tới hướng kết nối đi Hong Kong (Trung Quốc), Singapore.
Trong năm nay, như ICTnews đã thông tin, vào 23h50 ngày 22/10, chỉ hơn 10 ngày sau khi khắc phục xong sự cố trên nhánh S1B kết nối từ Hong Kong đi Singapore, tuyến cáp AAG đã tiếp tục gặp sự cố.
Ở lần thứ 3 gặp sự cố trong năm 2021, cáp AAG bị lỗi rò nguồn trên nhánh S1I kết nối từ Việt Nam đi HongKong (Trung Quốc). Hơn thế, trong thông tin mới nhất từ đại diện một ISP tại Việt Nam, tuyến cáp này gặp thêm lỗi cả hướng cáp kết nối đi Singapore. Hiện toàn bộ dung lượng trên tuyến cáp AAG bị gián đoạn.
VNPT, Viettel và các nhà mạng khác đều cho biết, đến nay đơn vị vận hành tuyến cáp AAG vẫn chưa đưa ra được lịch sửa chữa cụ thể các sự cố xảy ra trong tháng 10.
Trong khi đó, với tuyến cáp biển AAE-1, đại diện Viettel thông tin, tuyến cáp biển này vẫn đang được đơn vị quản lý tuyến cáp xử lý đồng thời 3 sự cố xảy ra trên tuyến từ 4/9 đến nay. Các sự cố này cũng đã gây mất toàn bộ dung lượng trên cáp AAE-1 từ Việt Nam đi quốc tế.
Theo kế hoạch dự kiến, đến ngày 15/11, việc sửa chữa, khắc phục sự cố trên tuyến cáp biển AAE-1 mới được hoàn tất, khôi phục hoàn toàn các kênh truyền trên tuyến, thay vì được sửa xong vào ngày 6/11 như kế hoạch đã được thông báo tới các nhà mạng trước đó.
Trong bối cảnh cả 2 tuyến cáp biển AAE-1 và AAG đều đang bị gián đoạn dịch vụ do gặp sự cố, các nhà mạng tại Việt Nam đều đang chịu áp lực lớn trong việc bổ sung dung lượng nhằm giảm thiểu ảnh hưởng chất lượng dịch vụ Internet quốc tế cung cấp tới các khách hàng.
Trên thực tế, mỗi khi cáp biển gặp sự cố, các nhà mạng đều đã khẩn trương triển khai các phương án dự phòng, chuyển hướng lưu lượng từ tuyến cáp bị lỗi sang những tuyến cáp biển khác như APG, IA, SMW3 và các hướng cáp đất liền qua biên giới Việt Nam - Trung Quốc, Việt Nam - Lào và Việt Nam - Campuchia.
Cụ thể, lần này, trong thông báo gửi các khách hàng, cùng với việc cho biết sự cố cáp biển có thể ảnh hưởng đến việc sử dụng dịch vụ Internet quốc tế, VNPT cũng cho hay ngay sau khi sự cố xảy ra, đã lập tức có biện pháp khắc phục, đó là điều chỉnh lưu lượng qua các hướng cáp khác đang hoạt động ổn định để đảm bảo chất lượng dịch vụ.
Với Viettel, đại diện nhà mạng này thông tin: Do đây là sự cố tiếp diễn nên từ cuối tháng 9, Viettel đã thực hiện bổ sung dung lượng qua qua các tuyến cáp biển khác như TGN-IA; APG; và cáp đất liền kết nối đi quốc tế. Đồng thời, bổ sung thêm các kết nối đến Zoom, Microsoft, Amazon, Google và tối ưu định tuyến để đảm bảo chất lượng dịch vụ Internet của người dùng.
Song song đó, các nhà mạng lớn đã và đang phối hợp chặt chẽ với Ban quản trị vận hành tuyến cáp biển AAG, AAE-1 để khôi phục lưu lượng kết nối trên các tuyến cáp này sớm nhất có thể.
Theo Vân Anh (ICT News)