Ngày 9/3, Bloomberg đưa tin YouTube đang chấm dứt thỏa thuận lưu trữ thông tin với Yeah1YEG-11.9% Group Corp (YGC) sau sự cố quản lý kênh của SpringMe (công ty Thái Lan có 17% sở hữu của Yeah1). Nguyên nhân của sự việc vẫn chưa được công bố.
Trên Fanpage chính thức, Yeah1 Network cho biết sẽ công bố kết quả làm việc chính thức với YouTube tới đối tác tác chậm nhất vào ngày 11/03.
Việc YouTube chấm dứt thỏa thuận lưu trữ thông tin từ ngày 31/3 khiến Yeah1 thông qua việc xem xét bán ScaleLab - network có trụ sở tại California, Mỹ mà tập đoàn vừa mua lại để bảo vệ vốn và quyền lợi của nhà đầu tư. Tháng 1/2019, Yeah1 mua lại ScaleLab với giá 20 triệu USD.
Cổ phiếu Yeah1 đã giảm 27% trong năm nay. Google, công ty chủ quản YouTube hiện chưa đưa ra bình luận về vụ việc này.
"Chúng tôi đánh giá các hướng đi khác nhau bao gồm cả việc bán lại (ScaleLab) cho chủ sở hữu ban đầu", Yeah1 viết trong email vào ngày 8/3. Cũng theo Yeah1, công ty đang đàm phán để khôi phục thỏa thuận lưu trữ nội dung với YouTube.
Yeah1 cho biết, sau khi thỏa thuận kết thúc, công ty sẽ không được phép quản lý doanh thu từ các kênh YouTube bên thứ ba. Tháng 1/2019, ông Đào Phúc Trí, Giám đốc điều hành Yeah1 cho biết công ty giải trí đa phương tiện này sở hữu 3.000 kênh YouTube với 6,9 tỷ lượt xem mỗi tháng. Điều này khiến Yeah1 trở thành hệ thống đa kênh YouTube lớn thứ 3, theo Bloomberg.
Tuy nhiên, theo thống kê từ trang Kedoo.com, ba network đứng đầu hiện nay là Vevo, BroadbandTV, Believe với số lượt xem là 25, 22 và 11 tỷ lượt. Vì vậy, con số 6,9 tỷ lượt xem mỗi tháng của cả Yeah1 Network, ScaleLab... chỉ có thể ở top 9.
Hoạt động kinh doanh trên YouTube của Yeah1 gồm bán hàng trực tiếp, quản lý kênh bên thứ ba và kênh riêng.
Ngày 3/3, Công ty Cổ phần Tập đoàn Yeah1 (YGC) cho biết YouTube sẽ ngừng thỏa thuận lưu trữ nội dung với tất cả công ty con của YGC có hoạt động liên quan đến Google Adsense như Yeah1 Network, ScaleLab và SpringMe sau ngày 31/3.
Việc YouTube ngừng hợp tác đồng nghĩa Yeah1 Network sẽ không thể thu nhận và quản lý tiền quảng cáo của tất cả kênh YouTube có trong hệ thống.
Theo YGC, sự việc bắt đầu khi YouTube cho rằng SpringMe - công ty có trụ sở tại Thái Lan mà YGC có 16,5% cổ phần hoạt động tuyển chọn kênh trái với quy định của YouTube.
Sau khi thông tin trên được công bố, cộng đồng những người làm YouTube tại Việt Nam không lấy làm bất ngờ. Bởi Network này có cách quản lý kênh lỏng lẻo, tạo điều kiện cho những nội dung vi phạm chính sách YouTube lộng hành.
Nếu YouTube cứng rắn "y án" với Yeah1, đây sẽ là minh chứng cho quyết tâm làm sạch nền tảng của YouTube. Nếu vẫn chọn làm ngơ để có doanh thu, YouTube đi theo con đường khủng hoảng của Facebook trong năm 2018.
Theo Bình Minh (Tri Thức Trực Tuyến)