Bài học đắt giá 2.000 tỉ đồng của ông trùm làng giải trí

08/03/2019 14:15:29

Vốn hóa thị trường của Tập đoàn Yeah1 đã bốc hơi rất mạnh sau khi xảy ra sự cố với YouTube.

Chạy theo các mô hình kinh doanh mới dựa trên các nền tảng YouTube hay Facebook, nhiều doanh nghiệp Việt tăng trưởng rất nhanh vì đã đáp ứng kịp các xu hướng khách hàng. Có điều là một khi các mạng xã hội thay đổi chính sách hoặc doanh nghiệp không tuân thủ điều khoản của họ thì toàn bộ hệ thống doanh nghiệp sẽ lao đao.

Điển hình là sau khi YouTube tuyên bố ngừng hợp tác với Tập đoàn Yeah1 (mã chứng khoán YEG), giá trị vốn hóa công ty bốc hơi lên đến con số vài ngàn tỉ đồng.

Kiếm tiền khủng nhưng rớt giá cũng nhanh

Tính đến hết phiên giao dịch buổi sáng hôm qua, 7-3, cổ phiếu Yeah1 đã mất giá đến 61.600 đồng, tương đương gần 28% giá trị và kéo theo đó vốn hóa thị trường của tập đoàn này bốc hơi hơn 1.900 tỉ đồng. Đây là một con số khủng chỉ sau bốn ngày YouTube ra thông báo ngừng hợp tác với Yeah1.

Cuộc đảo chiều nhanh chóng của Yeah1 gây kinh ngạc cho thị trường. Bởi trước đó dù mới chính thức hoạt động hơn ba năm, hệ thống YouTube của Yeah1 liên tục phát triển mạnh mẽ với mức tăng trưởng hai con số hằng năm.

Cụ thể theo Yeah1, riêng năm 2017, mạng đa kênh YouTube mang về cho tập đoàn tới 34,4% doanh thu và 56,9% tổng lợi nhuận sau thuế, tương đương 293 tỉ đồng doanh thu và 55 tỉ đồng lãi ròng. Năm ngoái, kết quả kinh doanh tiếp tục tăng trưởng nhưng doanh thu và lợi nhuận vẫn đến chủ yếu từ YouTube.

Ông Nguyễn Ảnh Nhượng Tống, Chủ tịch Tập đoàn Yeah1, cho biết: Trên nền tảng YouTube, cách Yeah1 đi là vừa tạo ra nội dung, vừa tạo ra cộng đồng để tăng view (lượt xem) và subscriber (người theo dõi) để thu hút quảng cáo cũng như chuyển dịch dần xu hướng từ xem miễn phí sang xem có tính phí.

Đáng chú ý, khi nhận thấy mảng giải trí trên YouTube bắt đầu được phổ biến trong giới trẻ, Yeah1 bắt đầu chuyển sang loại hình cung cấp dịch vụ giải trí kết hợp quảng cáo trên YouTube.

Cụ thể, Yeah1 cung cấp dịch vụ giải trí kết hợp quảng cáo thông qua việc trở thành đối tác đa kênh của YouTube từ năm 2015 với tên gọi Yeah1 Network. Có thể hiểu đơn giản, Yeah1 là trung gian kết nối người sáng tạo nội dung video và YouTube.

Bên cạnh đó, Yeah1 còn có thêm nguồn thu khác và không phải chia sẻ với YouTube là tiếp thị bán hàng thông qua việc để các thương hiệu xuất hiện trực tiếp trong nội dung video.

Nhưng công ty phải tuân theo chính sách chia sẻ doanh thu của YouTube. Ví dụ các nhãn hàng sẽ trực tiếp trả tiền cho YouTube để phân phối quảng cáo đến người xem.

Trong chiến lược của mình, Yeah1 cũng xác định sẽ dần nghiêng về mảng kinh doanh kỹ thuật số trên YouTube. Song sự cố vừa qua có thể sẽ làm ảnh hưởng tiêu cực tới những kế hoạch của tập đoàn.

Bài học đắt giá 2.000 tỉ đồng của ông trùm làng giải trí
Chủ tịch Yeah1 Nguyễn Ảnh Nhượng Tống tung tiền tỉ gom cổ phiếu sau sự cố với YouTube nhưng cổ phiếu của tập đoàn vẫn lao dốc . Ảnh: TL

Đặt tất cả trứng vào một giỏ

YouTube tuyên bố chấm dứt thỏa thuận lưu trữ nội dung với Spring Me Pte. Ltd, một doanh nghiệp có trụ sở tại Thái Lan do Tập đoàn Yeah1 sở hữu gián tiếp 16,93% cổ phần, vì có hoạt động tuyển chọn kênh chưa phù hợp với quy trình của YouTube.

Điều này dẫn tới việc YouTube áp dụng chính sách tương tự với tất cả công ty khác liên quan tới YouTube Adsense trực thuộc Yeah1 như Công ty Yeah1 Network và ScaleLab.

Trong thông cáo báo chí phát đi cho giới truyền thông ngay sau đó, Yeah1 khẳng định hệ thống kênh YouTube của công ty hiện tại không chứa các nội dung gây hại cho trẻ em và các nội dung gây hại cho cộng đồng.

Song theo tìm hiểu của chúng tôi, YouTube khi cấp giấy phép mạng đa kênh cho Yeah1 có nghĩa là trao cho Yeah1 thay mặt YouTube quyền quản lý và hỗ trợ cho các chủ kênh nhiều vấn đề liên quan từ bản quyền, gia tăng lượt view cho đến kiếm tiền.

Với quyền lực này, các chủ kênh muốn tiếp cận nhanh với người xem, kiếm tiền thì vào mạng lưới của Yeah1 hoạt động, ăn chia lợi nhuận.

Những lỗi vi phạm khi hợp tác với YouTube dẫn đến tình trạng bị chấm dứt hoặc tắt tính năng kiếm tiền như:

Nội dung không thân thiện với nhà quảng cáo, vi phạm nguyên tắc cộng đồng YouTube (phản cảm, khiêu dâm, kích động, bạo lực, máu me…); sử dụng nội dung do người khác sở hữu bản quyền trong video dẫn đến kênh bị nhận cảnh cáo vi phạm bản quyền...

Nhưng từ đây cũng nảy sinh hệ quả khác. Theo phân tích của một số chuyên gia am hiểu lĩnh vực này, Yeah1 có thể đã vô tình hoặc cố ý “dung túng” cho các kênh nội dung nhảm nhí, độc hại hoặc sử dụng các thủ thuật để đạt được tính năng bật kiếm tiền từ YouTube.

Điều này đã vi phạm các điều khoản của YouTube khiến mạng xã hội này ngừng hợp tác.

Thực tế cho thấy nhiều ca sĩ Việt Nam sử dụng YouTube là kênh quảng bá tên tuổi, một khi thu hút lượt view khủng thì còn nhận được nhiều quảng cáo từ các nhãn hàng. Có điều không ít ca sĩ đã vi phạm chính sách bản quyền mà YouTube đặt ra nên nhiều MV (video ca nhạc) bị xóa.

Chẳng hạn MV Chạm khẽ tim anh một chút thôi của ca sĩ Noo Phước Thịnh đạt mức 30 triệu view nhưng vi phạm bản quyền đã bị YouTube xóa.

Xa hơn nữa, làng nhạc Việt từng chứng kiến việc YouTube thẳng tay xóa MV Em của ngày hôm qua của ca sĩ Sơn Tùng M-TP với lý do MV này bị “tố” đạo nhái trắng trợn sản phẩm Every night của nhóm nhạc EXID (Hàn Quốc) vào năm 2014.

Bên ngoài lý do vi phạm cam kết và bị trừng phạt, theo chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển, Yeah1 rơi vào tình trạng như hiện nay còn do Yeah1 đã quá phụ thuộc vào hoạt động kinh doanh trên mô hình YouTube.

“Điều này giống như cách nhiều công ty cung ứng cho Apple rơi vào tình trạng phá sản vì quá phụ thuộc vào duy nhất một khách hàng lớn một khi đối tác này giảm hay dừng đặt hàng” - ông Hiếu lấy ví dụ.

Rủi ro không ít khi chỉ hợp tác với vài ông lớn

Công ty Chứng khoán TP.HCM từng đánh giá rủi ro của Yeah1 nằm ở chỗ công ty là đối tác của hai nền tảng kỹ thuật số phổ biến nhất hiện nay gồm Facebook và Google. Hai nền tảng này hỗ trợ rất lớn cho Yeah1 phát triển nhanh chóng ra các thị trường quốc tế.

Nhưng việc phụ thuộc lớn vào hai nền tảng này sẽ gây ảnh hưởng lớn tới hoạt động kinh doanh của công ty khi chính sách của các công ty lớn này có sự thay đổi trọng yếu.

Tán đồng quan điểm này, theo một số chuyên gia, nếu Yeah1 không tìm được cách hợp tác lại với YouTube thì các khoản đầu tư của Yeah1 có khả năng bị thiệt hại nặng nề do chưa kịp thu hồi vốn.

Bên cạnh đó, khả năng giá cổ phiếu tiếp tục bốc hơi trong tương lai vì nhà đầu tư nhìn thấy kỳ vọng ảm đạm về tăng trưởng của Yeah1.

Theo Phương Minh (Pháp Luật TP.HCM)