Vì sao YouTube trừng phạt network kiểu Yeah1?

09/03/2019 18:14:09

Trong hàng trăm chiêu trò trục lợi bất chính trên YouTube, nhiều trong số đó đến từ các network dù mạng lưới này sinh ra để hỗ trợ YouTube quản lý nền tảng.

Tác động của khủng hoảng YouTube quá lớn, Công ty Cổ phần Tập đoàn Yeah1 thông báo hôm 9/3 về việc bán network ScaleLab dù mới mua hôm tháng 1/2019. Sau khi bán ScaleLab, Yeah1 sẽ giảm 2/3 người dùng và 1/2 lượt xem.

YouTube sẽ ngừng thỏa thuận lưu trữ nội dung với tất cả các công ty con của Công ty Cổ phần Tập đoàn Yeah1 (YGC) có hoạt động liên quan đến Google Adsense như Yeah1 Network, ScaleLab và SpringMe sau ngày 31/3. Nguyên nhân được thông báo do SpringMe có hoạt động tuyển lựa kênh không phù hợp.

Nếu Yeah1 không đàm phán "giảm tội" thành công với YouTube thì đây là động thái mạnh tay nhất từ trước đến nay của YouTube đối với một đối tác ở Việt Nam khi có vi phạm.

Điều gì đang xảy ra ở các network kiểu Yeah1?

Ngoài chức năng xâu chuỗi các kênh YouTube đơn lẻ và hỗ trợ các vấn đề về xúc tiến, pháp lý... để chia sẻ % doanh thu, các network kiểu Yeah1 còn đóng vai trò tư vấn cả về chiến lược phát triển kênh. Mỗi network như vậy được YouTube cấp phép hoạt động theo từng lĩnh vực như âm nhạc, thiếu nhi... Các network chỉ được phép tuyển lựa kênh theo đúng tiêu chí và các hoạt động trong khuôn khổ đã giao kèo với YouTube.

Vì sao YouTube trừng phạt network kiểu Yeah1?
Trước đây, Yeah1 Network từng bị cấm thu nhận kênh và chịu phạt khi chứa chấp nội dung có hại đến trẻ em.

Tuy nhiên, hoạt động thực sự của các network ở Việt Nam không đơn giản dừng lại ở đó. Đã có những bằng chứng cho thấy network ở Việt Nam nhiều lần vi phạm chính sách nền tảng như dung túng kênh bẩn để thu lợi bất chính, dịch vụ "ngầm" bật kiếm tiền cho các kênh muốn đi lên nhờ nội dung xấu độc hoặc nhảm nhí, lợi dụng công cụ bản quyền của YouTube để trục lợi....

Năm 2017, Yeah1 Network từng bị YouTube cấm thu nhận kênh và bị Bộ TT&TT phạt 20 triệu đồng vì chứa chấp nội dung có hại đến trẻ em, không thực hiện các biện pháp cần thiết để ngăn chặn hoặc loại bỏ thông tin trái pháp luật. Do đó, đây không phải lần đầu Yeah1 vi phạm chính sách.

Vì sao YouTube trừng phạt network kiểu Yeah1? - 1
Nhân viên xưng là người của Yeah1 Network nhận dịch vụ ngoài luồng để trục lợi.

"Thời điểm đó tôi nhiều lần báo cáo với anh HP. Thanh Duy, một người tự nhận là quản lý của Yeah1, điều hành SpringMe tại Việt Nam về nội dung video các nhân vật Spiderman, Elsa... nhưng anh này ngó lơ. Đến khi bị phạt thì số tiền 20 triệu chẳng thấm với tiền họ kiếm được", Anh Trung, nhân vật yêu cầu giấu tên, người có kênh từng hợp tác với Yeah1 Network từ nhưng ngày đầu thành lập cho biết.

Từ sai phạm này, Yeah1 Network bị YouTube cấm nhận kênh trong một khoản thời gian.

Theo trang Kedoo.com - chuyên cung cấp số liệu về các kênh YouTube, hiện network Yeah1 đang dung túng cho kênh "Văn Nhật". Mỗi tháng kênh này có gần 3 triệu lượt xem. Hầu hết video của kênh này có nhân vật là trẻ em. Một số video thực hiện các thử thách không phù hợp tiêu chuẩn YouTube như trẻ em uống rượu, ghi lô đề, một số thử thách nguy hiểm và các phát ngôn không phù hợp với trẻ em. Hiện những video này vẫn tồn tại.

Vì sao YouTube trừng phạt network kiểu Yeah1? - 2
Hiện network Yeah1 đang dung túng cho kênh "Văn Nhật", chứa các video không phù hợp với trẻ em.

Từ giữa năm 2018, cộng đồng YouTuber Việt Nam nhận được nhiều lời chào mời từ nhân viên SpringMe - hệ thống có 16,5% cổ phần từ Yeah1. "Họ mở dịch vụ bật kiếm tiền ồ ạt, nhanh gọn với giá từ 10-50 triệu đồng tùy kênh.Ngày 4/3, hàng trăm người từng sử dụng dịch vụ bật kiếm tiền qua SpringMe đã thông báo trong nhóm Facebook kênh của họ đã bị YouTube xóa. Sự trùng hợp này khiến nhiều người cho rằng YouTube đang mạnh tay với SpringMe.

Bê bối network có thể gây hại uy tín YouTube

Đầu năm 2019, YouTube dính bê bối nội dung hướng dẫn trẻ em tự sát. Trước đó, thể loại 'Single mom" - phụ nữ làm việc nhà trong trang phục hớ hênh được cho xuất phát từ Việt Nam cũng bị cộng đồng mạng quốc tế phản đối trên Reddit cũng xuất phát từ cách quản lý của network.

Network là một đối tác quan trọng đối với YouTube, "thay mặt" YouTube làm những phần việc phức tạp với các kênh nội dung. Mối quan hệ cộng sinh giữa YouTube - network kiểu Yeah1 - creator (các chủ kênh YouTube) đã tồn tại từ lâu. Những vấn đề xấu từ network đều tổn hại trực tiếp đến uy tín của YouTube.

Theo Đức Trung, người trước đây có kênh YouTube thuộc SpringMe, những người làm nội dung nhỏ lẻ, không muốn vào network rất bức xúc về việc này. Với YouTube, quyết định từ network luôn được tôn trọng hơn các kênh nhỏ. "Chính điều này, nhiều người lựa chọn tham gia network chỉ để yên thân. Không phải ai cũng muốn vào network để chia doanh thu cả", ông Đức Trung chia sẻ.

Vì sao YouTube trừng phạt network kiểu Yeah1? - 3
Diễn biến giá cổ phiếu Công ty Cổ phần Tập đoàn Yeah1 (tên mã YEG) trong một tháng qua.

Trong một nghiên cứu của Jacob Gardner, Kevin Lehnert từ Đại học Indiana (Mỹ), mô hình Network kiểu Yeah1 cũng tồn tại mặt trái, và "sống dựa" YouTube chưa hẳn là phương án tốt.

Nghiên cứu này trích dẫn quan điểm của Jason Calacanis, một doanh nhân từng xuất hiện nhiều lần trên các bản tin của CNBC, cho rằng rất khó để tạo ra một mô hình làm ăn nào đó dựa trên YouTube, bởi sau tất cả, nền tảng video này gặm nhấm phần lớn doanh thu lẫn người xem (cũng sẽ là khách hàng mà bạn cố công kéo về nền tảng này). YouTube cố gắng cò kéo người xem dính chặt vào nền tảng và ngày càng phát tài, trong khi doanh thu của doanh nghiệp sống dựa YouTube chưa chắc tăng theo.

Jason Calacanis cho rằng YouTube là nơi tốt để tìm kiếm khách hàng, nhưng chỉ là công cụ để dẫn dụ, thay vì phát triển hoàn toàn trên đó. Các YouTuber hay doanh nghiệp hãy cố gắng "điều hướng" khách hàng hoặc khán giả của mình sang một nền tảng khác, chẳng hạn website riêng, để có lợi nhuận hơn.

Nghiên cứu trên cũng dẫn ra trường hợp của Michelle Phan - ngôi sao trên YouTube nhưng không hề thích mô hình của network. "Tôi chả bao giờ tin vào mô hình MCN, nó không đủ tốt và được cộng đồng nhà sáng tạo yêu thích", Michelle Phan nói. 

Michelle Phan cũng cho rằng việc tạo một kênh YouTube và gia nhập network là chẳng bao giờ đủ để phát triển, thay vào đó các doanh nghiệp hãy cân nhắc tận dụng tất cả nền tảng và kênh phân phối ngoài các network nói riêng hay YouTube nói chung.

Như vậy, mô hình network tồn tại mặt trái, khiến các chủ kênh không hạnh phúc và luôn có nguy cơ gây tổn hại đến hình ảnh chung của YouTube - vốn dĩ gặp nhiều scandal trong thời gian qua. Đòn trừng phạt cứng rắn lần này với Yeah1 được cho là cách để YouTube "lập lại trật tự" các network sau các bê bối về nội dung.

Ngày 3/3, Công ty Cổ phần Tập đoàn Yeah1 (YGC) cho biết YouTube sẽ ngừng thỏa thuận lưu trữ nội dung với tất cả các công ty con của YGC có hoạt động liên quan đến Google Adsense như Yeah1 Network, ScaleLab và SpringMe sau ngày 31/3.

Việc YouTube ngừng hợp tác đồng nghĩa Yeah1 Network sẽ không thể thu nhận và quản lý tiền quảng cáo của tất cả kênh YouTube có trong hệ thống.

Theo YGC, sự việc bắt đầu khi YouTube cho rằng SpringMe - công ty có trụ sở tại Thái Lan mà YGC có 16,5% cổ phần hoạt động tuyển chọn kênh trái với quy định của YouTube.

Sau khi thông tin trên được công bố, cộng đồng những người làm YouTube tại Việt Nam không lấy làm bất ngờ. Bởi Network này có cách quản lý kênh lỏng lẻo, tạo điều kiện cho những nội dung vi phạm chính sách YouTube lộng hành.

Nếu YouTube cứng rắn "y án" với Yeah1, đây sẽ là minh chứng cho quyết tâm làm sạch nền tảng của YouTube. Nếu vẫn chọn làm ngơ để có doanh thu, YouTube đi theo con đường khủng hoảng của Facebook trong năm 2018.

Theo Bình Minh (Tri Thức Trực Tuyến)

Nổi bật