Lúc được tìm thấy, ông Zhang không mang theo đồ đạc, ngoài lá thư tình viết cách đây 40 năm và giấy hỏa táng vợ.
Một người đàn ông góa bụa được tìm thấy trong tình trạng lạc đường và bị lẫn, mang theo bên người bức thư tình cùng vật kỷ niệm về vợ quá cố. Câu chuyện về ông lão này và bức thư tình 40 năm tuổi ông mang theo khiến người dùng mạng xã hội Trung Quốc xúc động những ngày qua.
Theo Peninsula Morning Post, người đàn ông trên được cảnh sát tìm thấy khi đang lang thang ở thành phố Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh. Ông không mang theo đồ đạc gì, ngoài bức thư và giấy chứng nhận hỏa táng cách đây 17 năm của vợ. Ông lão không thể nhớ địa chỉ nhà, thậm chí tên mình, ngoài thông tin từng học tại Đại học Công nghệ Đại Liên.
Các bức ảnh chụp cảnh sát đang đi cùng ông lão và bức thư viết tay dài hai trang được chia sẻ rộng khắp, sau khi xuất hiện trên trang cá nhân của một blogger nổi tiếng có hơn 230.000 người theo dõi. Hai tiếng sau khi ảnh được đăng tải, một người dùng mạng có tên Lao Ma xác nhận ông lão tên là Zhang Liansheng, 90 tuổi. Ông Zhang từng là cán bộ của Đại học Công nghệ Đại Liên và nay đã nghỉ hưu. Ông Lao Ma cho biết ông và ông Zhang trước đây làm cùng một đội trong nhà máy ở thị trấn Trường Lĩnh, thị xã Trang Hà.
Trong lá thư viết cho người vợ được gọi là Xin, ông Zhang bảo bà "đừng lo" và ông đã mua cho bà ít thuốc giảm đau bụng khi tới tháng. Dưới thư, ông ký tên đơn giản là "Sheng". Trên dòng địa chỉ người gửi có ghi: Nhà máy thiết bị nông nghiệp Trường Lĩnh, thị xã Trang Hà, tỉnh Liêu Ninh, ngày 30/4/1977. Thời điểm viết lá thư ấy, ông Zhang đang làm việc tại một nhà máy cách xa nhà.
"Anh đã mua máy khâu và sắp gửi theo ôtô về làng cho em. Anh có thể về vào khoảng 10/5. Em đừng lo lắng nhé", trích lá thư ông Zhang viết.
Theo SCMP, máy khâu được xem là đồ vật thời thượng của các bà nội trợ Trung Quốc thời đó. Ngoài những dòng tâm sự, lá thư của ông Zhang cũng tiết lộ đôi điều về cuộc sống ở Đại Liên những năm 70 khi thành phố bước vào thời kỳ phát triển công nghiệp mạnh mẽ.
Bức thư nhận được nhiều tình cảm yêu mến của người dùng mạng xã hội. Không ít bình luận gửi biểu tượng mặt khóc để bày tỏ sự xúc động.
"Anh đã quên mình là ai nhưng vẫn không quên rằng anh yêu em", một bình luận được xếp top đầu tương tác viết.
Theo SCMP, nhờ sự giúp sức của mạng xã hội, ông Zhang sau đó đã trở về đoàn tụ cùng gia đình.
Theo Hà Phương (Ngoisao.net)