Thích thú hình ảnh gánh nước
Trong các ngày 16,17/12, xã Quỳnh Đôi (huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) đã ra mắt tour du lịch đầu tiên với chủ đề “Làng Cá Gỗ - sau ánh hào quang”, thu hút hàng nghìn du khách thập phương và người dân đến đây tham gia, trải nghiệm.
Về với mảnh đất địa linh nhân kiệt Quỳnh Đôi, du khách không khỏi bồi hồi, xúc động trước những câu chuyện về các “ông Nghè, ông Tổng”, hay sự lam lũ, chịu thương, chịu khó của người dân ở vùng quê yên bình nơi đây.
Đặc biệt, hình ảnh các cô “thôn nữ” ở làng Quỳnh Đôi tái hiện gánh nước trong câu chuyện của “Bà Chúa thơ Nôm” Hồ Xuân Hương ở Giếng Bà Cả (ở gần khu vực Đền Thần) đã để lại sự tò mò, thích thú cho du khách.
Theo cụ Hồ Đình Trụ (SN 1947, Phó Chủ tịch họ Hồ Đại Tộc Quỳnh Đôi) và các bậc cao niên ở địa phương cho biết, vào thế kỷ XVII, bà Hồ Xuân Hương (1772 – 1822) lúc ấy là một thiếu nữ trong một lần về quê nội chơi rồi đi gánh nước giúp bố mẹ bằng 2 nồi đình (nồi nung bằng đất – PV).
“Do hôm ấy trời mưa, đường trơn trượt nên bà không may té ngã vỡ mất nồi rồi bị các thanh niên, học trò làng cười nói. Sau đó, bà đã ứng khẩu và đọc bài thơ với tựa đề “Vũ Hậu” (nghĩa là sau mưa) gồm 4 câu thơ”, cụ Trụ nhớ lại.
"Vén bức màn mây thấy mặt trờiXanh xanh từng đám, trắng từng nơiNúi non cũng muốn nhô đầu dậyCây cỏ trăm hoa mỉm miệng cười".
Những câu thơ vừa hóm hỉnh, vừa sâu sắc của bà Hồ Xuân Hương khiến du khách vô cùng thích thú và cùng nhau tham gia trải nghiệm gánh nước tại nơi đây.
“Cây đa, giếng nước, mái đình là những hình ảnh gần gũi, thân thuộc đối với mỗi làng quê Việt Nam. Giếng Bà Cả không chỉ để lấy nước ăn, mà còn quan niệm là giếng phong thủy bởi giếng nằm ở tâm của Đền Thần; nhà thánh (nơi thờ khổng tử hiện nay chỉ còn nền và vị trí) và nhà Hiền từ (thờ các bậc đỗ dùng, độc thân.., hiện nay chỉ còn nền móng và vị trí). Hiện nay các bậc con cháu đang có kế hoạch để phục dựng lại”, thuyết minh viên Cù Thị Nhàn (SN 1984) chia sẻ với du khách.
“Làng Cá Gỗ - sau ánh hào quang”
Xã Quỳnh Đôi còn gọi là làng Quỳnh Đôi hay Làng Quỳnh có bề dày lịch sử hơn 600 năm với 8 di tích văn hóa cấp quốc gia, 1 di tích cấp tỉnh; quê hương của nhiều danh nhân nổi tiếng hay đỗ đạt và người giữ vị trí trọng trách cao như vua Quang Trung – Nguyễn Huệ (Hồ Thơm), Thi sỹ danh nhân văn hóa thế giới Hồ Xuân Hương, Quỳnh Quận công Hồ Phi Tích đậu Hoàng Giáp, Hồ Sỹ Dương đậu giải nguyên Đông các...
Xưa kia làng có hai nghề chính, thứ nhất là nghề “học”, làm “thầy đồ” đi khắp các địa phương khác để dạy học. Thứ hai là nghề dệt, nghề nuôi các sỹ tử đi học đi thi trở thành quan hay thầy đồ. Để đạt được như vậy, người Làng Quỳnh đã phải vượt qua bao gian khó và cũng không kém phần tự hào với câu chuyện “Ông đồ Nghệ và con cá gỗ”.
Hình ảnh “Làng Cá Gỗ” thể hiện tinh thần khổ luyện thành tài của cả cộng đồng làng, gợi nhớ chuyện xưa để truyền thống hiếu học luôn được giữ vững, có thể nói “Con cá gỗ” đã làm nên những “ông Nghè, ông Tổng”.
“Làng Cá Gỗ - sau ánh hào quang” nhắn nhủ sự tiếp nối việc học tập và làm việc, truyền thống của làng, luôn vượt qua gian khó bất kể ở hoàn cảnh nào, gợi cho du khách gần xa những tò mò về mảnh đất địa linh nhân kiệt này.
Với những giá trị tài nguyên của xã Quỳnh Đôi, năm 2023, Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã đến khảo sát, hướng dẫn, hỗ trợ địa phương này từng bước nghiên cứu, đánh giá tài nguyên và thống nhất các ý tưởng, các bước triển khai... Từ đó những nét du lịch ở làng Quỳnh dần dần được hình thành.
“Xã Quỳnh Đôi đã xác định phát triển du lịch bền vững dựa vào cộng đồng, sẽ tạo thêm công ăn việc làm, chuyển dịch một phần cơ cấu nông nghiệp sang du lịch, người dân có thêm thu nhập, nâng cao đời sống tinh thần. Việc ra mắt tour du lịch
“Làng Cá Gỗ - sau ánh hào quang” mới chỉ là bước khởi đầu. Xã phấn đấu phát triển thêm nhiều chương trình tham quan trong làng với những chủ đề và dịch vụ đa dạng, chất lượng để làng Quỳnh Đôi dần dần trở thành điểm du lịch hấp dẫn của tỉnh Nghệ An”, lãnh đạo UBND xã Quỳnh Đôi thông tin.
Theo Việt Hòa - Quốc Huy (Vietnamnet)