Phở King được xem là đắt nhất Việt Nam với giá 3.888.888 đồng/bát hiện được bán tại một nhà hàng trong tòa nhà Landmark 81, TP.HCM.
Theo ghi nhận của Chuyển động 24h, sở dĩ món phở này có giá cao đến vậy không chỉ vì vị trí nhà hàng mà còn do những nguyên liệu để nấu phở.
Bát phở có nấm truffle giá 45 triệu đồng/kg - đây là loại nấm đắt nhất thế giới, bò Wagyu 3,5 triệu đồng/kg - loại thịt bò mệnh danh đắt nhất thế giới, gan ngỗng béo Pháp 2,5 triệu đồng/kg, bát phở cũng được trình bày thêm vàng lá trên thành bát.
Trong đó, nấm kim cương (truffle) tươi từ Úc là nguyên liệu đắt giá nhất trong bát phở King. Loại nấm này được tìm thấy dưới mặt đất nên có hương nồng từ đất, kết hợp với nước súp bò hầm, tạo nên hương vị đặc trưng khó quên.
Khi phục vụ, nấm truffle tươi sẽ được bào lát trực tiếp ngay trước mặt thực khách, và sau đó là phần nước dùng truyền thống nóng hổi sẽ được rót vào.
Theo chia sẻ của đầu bếp Lê Trung - chủ nhân của bát phở đắt nhất Việt Nam trên báo Dân trí: "Phiên bản "phở chọc trời" đã được phục vụ khoảng 5 năm tại nhà hàng. Tôi và các đồng sự muốn tạo nên một phiên bản đặc biệt và nâng cấp hơn cho món ăn này.
Thực khách sẽ có trải nghiệm ẩm thực mới mẻ, độc đáo và không kém phần thượng hạng đến từ các nguyên liệu cao cấp".
Trong quá trình tạo nên tô phở King, đầu bếp Trung cùng các cộng sự và giám đốc ẩm thực đã ngồi lại với nhau để thảo luận, chọn ra nguyên liệu cao cấp nhưng vẫn phải đảm bảo giữ được hương vị truyền thống của phở Việt.
Chia sẻ kỹ hơn về cách chế biến món phở bò thượng hạng với PV Trí thức trẻ, đầu bếp Lê Trung cho biết, về phần nước dùng (nước lèo), ngoài các loại gia vị quen thuộc trong món phở thì nhà hàng sử dụng các phần từ bò Úc như: xương ống, đuôi bò, nạm sườn và xương gà hầm liên tục trong 48 tiếng để đạt được độ đậm đà, vị ngọt tiết ra từ xương và thịt.
Ngoài nạm sườn bò đã được hầm mềm, thấm đẫm các loại gia vị từ trước thì không thể thiếu phần bò tái.
Anh Trung đã sử dụng loại thịt bò Wagyu A5 thái thành lát để trên bề mặt. Bằng sự phân bổ giữa các vân mỡ và nạc đan xen gần như hoàn hảo, vốn làm nên sự nổi tiếng của giống bò đen đến từ Nhật Bản này thì cách chế biến đơn giản là làm chín bằng nước ở nhiệt độ sôi vừa phải. Lúc ăn càng cảm nhận rõ nét vị thơm đặc trưng, mềm như tan trong miệng.
Trả lời tại sao lại có sự kết hợp giữa các loại nguyên liệu trên, đầu bếp Lê Trung nói thêm: "Phở vốn là một món ăn được phục vụ ở dạng nóng và có thể làm ấm cơ thể sau khi ăn, nên khi tìm các loại nguyên liệu, tôi cân nhắc ngoài yếu tố chất lượng thì chúng còn cùng mang tính ẩm nóng tương đồng thay vì ẩm nhưng lạnh để dễ dàng kết hợp và cùng nhau phát huy tác dụng".
Ăn kèm sẽ có thêm giá đỗ, quẩy, húng quế và các loại tương không thể thiếu trong món phở truyền thống.
Theo Duy Anh (Đời sống và Pháp luật)