Bộ Giao thông Vận tải đang lấy ý kiến vào dự thảo thông tư về "hoạt động của trạm thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ", thay thế cho thông tư 49. Trong đó, tên gọi "trạm thu tiền" được đề xuất thay thế "trạm thu giá" hay "trạm thu phí" hiện nay.
Theo ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam, mục đích của đề xuất trên là quy định việc người dân trả tiền dịch vụ đường bộ đối với dự án BOT do doanh nghiệp đầu tư, khác với trả phí cho dự án hạ tầng do nhà nước đầu tư. Tuy nhiên, cơ quan soạn thảo cần hiểu từ phí là chi phí, là phần mà các doanh nghiệp hạ tầng thu lại sau khi đầu tư, nên việc đặt tên trạm thu phí là hợp lý.
Bên cạnh đó, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô cho rằng, các dự án BOT vẫn có sự chi phối của nhà nước về mức phí, thời gian thu phí, chứ không phải do doanh nghiệp hoàn toàn quyết định.
"Các bệnh viện tư vẫn gọi chi phí mà người dân phải trả là viện phí hay trường học do tư nhân đầu tư vẫn thu học phí, nên việc đặt tên trạm thu phí là không sai. Tên gọi này đã quen thuộc với người dân, không phải vấn đề cấp thiết để Bộ Giao thông Vận tải phải sửa đổi", ông Quyền nêu quan điểm.
Ông Phạm Văn Khôi, Tổng giám đốc Công ty cổ phần BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ nhận xét, "tên gọi trạm thu phí hay hơn vì cảm giác êm tai và quen thuộc hơn trạm thu tiền". Theo ông, về bản chất, người dân trả phí hay trả tiền đều là việc hoàn vốn của dự án hạ tầng khi qua trạm BOT.
Ông Vũ Minh Hoàng, Phó chủ tịch HĐQT Công ty Đèo Cả, cũng đề nghị giữ nguyên tên gọi cũ là trạm thu phí và trong thông tư cần giải thích rõ "trạm thu phí BOT là thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ".
Ngoài nội dung nêu trên, dự thảo thông tư về "hoạt động của trạm thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ" còn đưa ra quy định về trách nhiệm của doanh nghiệp, như: Công khai thông tin; phạt do lỗi của nhà đầu tư và dừng thu phí do việc bảo trì dự án chưa đảm bảo...
Theo ông Nguyễn Văn Quyền, việc dự thảo thông tư yêu cầu các doanh nghiệp lưu trữ thông tin, dữ liệu phương tiện qua trạm trong 5 năm là quá dài sẽ gây khó khăn cho nhà đầu tư. "Hàng năm cơ quan nhà nước đã thanh kiểm tra dự án nên những dữ liệu này chỉ cần lưu trữ trong 2 năm là đủ", ông nói.
Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô cũng cho rằng, các thông tin trên bảng điện tử tại trạm nên ngắn gọn, khái quát nhất, nếu chi tiết quá thì tài xế đi qua không có đủ thời gian xem. Thông tin cần thiết bao gồm tên dự án, tổng chi phí, số tiền đã thu, thời gian thu còn lại của dự án.
Đại diện một doanh nghiệp BOT nói, dự thảo thông tư quy định lưu trữ thông tin camera tại trạm thu phí 5 năm là quá lâu, tối đa chỉ 2-3 năm; hình ảnh camera tại cabin phải lưu trong một năm cũng là dài, thay vào đó chỉ trong một tháng vì đây chỉ ghi lại hành vi của nhân viên, thông thường khi nhân viên có sai phạm sẽ được xử lý ngay sau đó.
Với bảng điện tử tại trạm thu phí, đại diện đơn vị này đề xuất chỉ thông báo lưu lượng, số tiền thu được hàng ngày, hàng tháng. Tổng mức đầu tư hay thời gian thu phí không cần thiết phải thông báo, vì nhiều dự án chưa được thanh quyết toán, hoặc thời gian thu phí, số tiền hoàn vốn sẽ được điều chỉnh sau 2-3 năm khi lưu lượng có sự thay đổi.
"Chúng tôi ủng hộ việc công khai tại các trạm thu phí để người dân yên tâm, song có những hạng mục đầu tư không cần thiết sẽ gây lãng phí", đại diện doanh nghiệp nói.
Theo đại diện Bộ Giao thông Vận tải, dự thảo thông tư về "hoạt động của trạm thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ" sẽ được lấy ý kiến trong một tháng; sau đó cơ quan chức năng tiếp thu các góp ý để chỉnh sửa dự thảo cho phù hợp.
Đầu năm 2018, Bộ Giao thông Vận tải đã sử dụng tên "trạm thu giá" để thay cho tên gọi "trạm thu phí" để phù hợp với Luật giá và lệ phí đã được Quốc hội thông qua. Tuy nhiên, sau khi dư luận phản đối vì cụm từ "trạm thu giá" không có nghĩa, Bộ đã quyết định đổi lại thành "trạm thu phí" như cũ.
Theo dự thảo thông tư mới nhất, đơn vị thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ phải công khai các thông tin: Tên dự án, giá trị công trình dự án, tổng thời gian được thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ, thời điểm bắt đầu thu, thời gian thu còn lại, doanh thu tháng trước, số điện thoại đường dây nóng.
Dự thảo cũng quy định tạm dừng thu khi doanh nghiệp dự án vi phạm chất lượng bảo trì công trình đường bộ; để xảy ra các tình huống mất an toàn giao thông, ùn tắc giao thông kéo dài trên tuyến đường.