Cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây là một 4 dự án đường cao tốc được vận hành và quản lý bởi Tổng công ty Đầu tư Phát triển Đường cao tốc Việt Nam (VEC). Đơn vị trực tiếp quản lý là Công ty CP Đầu tư Phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC E), doanh nghiệp thành viên của VEC.
Doanh thu trung bình 3 tỷ đồng/ngày năm 2018
Chính thức thông xe từ tháng 2/2015, doanh thu hàng năm của tuyến cao tốc này liên tục tăng lên đóng góp lớn vào tổng doanh thu hàng năm của VEC.
Cụ thể, theo báo cáo tài chính năm 2015, doanh thu toàn công ty VEC ghi nhận 1.699 tỷ đồng, tăng hơn 2,3 lần so với năm trước đó. Và trong 10 tháng đầu đi vào thu phí, tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây đã mang về cho công ty hơn 565 tỷ đồng doanh thu thu phí, chiếm hơn 33% tổng doanh thu. Ước tính, tuyến cao tốc này thu bình quân hơn 1,5 tỷ đồng tiền phí mỗi ngày trong năm đầu tiên thông xe.
Sang năm 2016, doanh thu của cả VEC và tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây tiếp tục tăng lên. Trong khi tổng doanh thu tăng lên 2.305 tỷ đồng, thì doanh thu thu phí của tuyến cao tốc này cũng tăng lên 783 tỷ đồng. Với hơn 13,13 triệu lượt phương tiện lưu thông trong năm, bình quân mỗi ngày tuyến cao tốc này thu hơn 2,1 tỷ đồng tiền phí.
Bước sang năm 2017, lượng xe lưu thông qua tuyến cao tốc này tăng lên 14,17 triệu lượt và mang về cho VEC tổng cộng 971 tỷ đồng doanh thu, tương đương 2,57 tỷ đồng mỗi ngày.
Theo số liệu được VEC công bố, năm 2018, 4 tuyến cao tốc do công ty quản lý đã đón tổng cộng 41 triệu lượt phương tiện lưu thông, cao hơn 15% so với năm trước. Tương ứng, doanh thu thu phí cũng vượt 17%.
Trong đó, riêng tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây đã đóng góp 14,7 triệu lượt phương tiện lưu thông. Qua đó mang về khoản doanh thu 1.100 tỷ đồng cho công ty. Như vậy, số tiền bình quân tuyến cao tốc này thu được mỗi ngày trong năm gần nhất vào khoảng hơn 3 tỷ đồng.
Cũng theo VEC, trong năm 2018, kỷ lục thu phí một ngày của tuyến cao tốc này là 4,7 tỷ đồng doanh thu với 57.783 lượt phương tiện lưu thông một ngày đêm vào ngày 28/4/2018. Trong khi đó, kỷ lục thu phí của năm 2019 đến nay là ngày 8/2 (mùng 5 Tết Kỷ Hợi), với mức cao hơn 2% so với kỷ lục năm 2018.
Trong hai ngày cuối cùng của kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2019, lưu lượng bình quân thông qua tuyến cao tốc này đạt 57.300 lượt phương tiện/ngày đêm, cao hơn 34-36% những ngày trong năm.
Theo một báo cáo của VEC, chính thức thông xe toàn tuyến vào ngày 8/2/2015, sau 4 năm đưa vào khai thác, đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây đã phục vụ tổng cộng 59 triệu lượt phương tiện lưu thông, bình quân trên 40.000 lượt phương tiện ngày/đêm.
Đây cũng là tuyến đường cao tốc có lưu lượng phương tiện tham gia lưu thông cao thứ 2 trong số 4 tuyến mà VEC quản lý, chỉ xếp sau cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình.
Trong phản hồi mới đây về những tin đồn doanh thu phí hàng ngày liên quan tới vụ cướp ngày 7/2 (mùng 3 Tết Kỷ Hợi), bà Nguyễn Thị Hoài Phương, Phó giám đốc Công ty Cổ phần dịch vụ kỹ thuật đường cao tốc Việt Nam (VEC E), đơn vị thành viên của VEC, cho biết doanh nghiệp "đang bị hiểu lầm về doanh thu trên tuyến cao tốc".
Theo doanh nghiệp này số tiền hơn 3,2 tỷ đồng trong két sắt là tổng thu của 8 ca trực chứ không phải là một ca.
Ngoài ra, còn có tiền quỹ dự phòng tính huống khẩn cấp, tiền lẻ phục vụ 10 ngày Tết do ngân hàng không đổi tiền lẻ trong suốt dịp này. Còn đối với 3 ca ngày 7/2 trước lúc bị cướp chỉ thu được hơn 300 triệu đồng.
Cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây được khởi công xây dựng vào cuối năm 2009 và chính thức đi vào hoạt động từ ngày 8/2/2015.
Với quy mô bốn làn xe, tuyến đường dài hơn 55 km có điểm đầu tại quận 2 (TP.HCM) và kết thúc tại huyện Thống Nhất (Đồng Nai). Tổng vốn đầu tư dự án là 20.630 tỷ đồng, trong đó vốn tài trợ dự án là từ Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC) và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam.
VEC E là đơn vị nào?
Tổng công ty VEC có 4 công ty thành viên đảm nhiệm vai trò khác nhau trong công tác đầu tư, xây dựng, quả lý khai thác và bảo trì các tuyến đường cao tốc. Bao gồm Công ty CP Đầu tư Phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC E); Công ty CP Tư vấn đường cao tốc Việt Nam (VEC Consultant); Công ty CP Dịch vụ đường cao tốc Việt Nam (VEC Services) và Công ty vận hành và bảo trì đường cao tốc Việt Nam (VEC O&M).
Riêng VEC E được thành lập từ tháng 4/2010 với số vốn điều lệ 50 tỷ đồng hoạt động chính trong lĩnh vực quản lý vận hành, khai thác đường cao tốc và thu phí đối với trạm thu phí đường cao tốc, đường bộ… Trong đó, VEC là cổ đông lớn nhất với 51% vốn góp (tương đương 25,5 tỷ).
Còn lại 49% vốn tại VEC E thuộc sở hữu 2 cổ đông pháp nhân khác là Công ty TNHH Liên hợp Vạn Cường và Công ty cổ phần Đạt Thành.
Đáng chú ý, cổ đông Vạn Cường chính là doanh nghiệp của đại gia Nguyễn Thủy Nguyên, người nổi tiếng gần đây khi tham gia cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam. Vạn Cường cũng là một doanh nghiệp có tiếng trong lĩnh vực xây dựng hạ tầng giao thông và từng thi công nghiều dự án đường bộ lớn như quốc lộ 1A và quốc lộ 14…
Thông qua Vạn Cường, đại gia Nguyễn Thủy Nguyên đã mua lại 70% vốn tại Tổng Công ty Vận tải thủy Vivaso, và tiếp tục thông qua Vivaso, nắm tới 65% vốn cổ phần của Hãng phim truyện Việt Nam (VFS).
Theo Quang Thắng (Tri Thức Trực Tuyến)