Ngày 17-2, tại di tích Đồn biên phòng 209, đỉnh Pò Hèn (Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh) có mây mù che phủ, mưa giăng nhưng từ khắp các địa phương, hàng trăm cựu binh từng tham gia cuộc chiến đấu bất khuất bảo vệ biên cương phía bắc của Tổ quốc vẫn tề tựu về Đài tưởng niệm liệt sĩ Pò Hèn.
Nơi đây đúng 40 năm trước (ngày 17-2-1979), tại nơi đây đã diễn ra cuộc chiến đấu đầy bi tráng giữa những người lính công an vũ trang, công nhân lâm trường Pò Hèn đương đầu với đội quân Trung Quốc hùng hậu hàng ngàn tên từ biên giới Trung Quốc tràn sang. Trong cuộc chiến đấu không cân sức ấy, 86 liệt sĩ đã ngã xuống để bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc nơi biên ải.
Trong cơn mưa tầm tã hôm nay, dòng người cứ thế ùa về thắp lên những nén nhang nghi ngút, cháy rực đỏ để tưởng nhớ, tri ân những liệt sĩ đã anh dũng hy sinh. Nhiều đôi mắt đỏ hoe khi trở lại nơi màn những người đồng đội, người chồng, người cha, người thân…của mình đã ngã xuống trong một trận chiến không cân sức để bảo vệ biên cương Tổ quốc.
Dù nhiều năm qua, cứ vào ngày mồng 1 âm lịch và ngày rằm hàng tháng đều đến đây thắp hương "tâm sự" với đồng đội nhưng lần nào cũng vậy ông Hoàng Như Lý (67 tuổi), người trinh sát của Đồn Pò Hèn tháng 2-1979, vẫn không thể kìm nén được cảm xúc và những giọt nước mắt.
Mắt đỏ hoe, ông Lý tâm sự: "40 năm đã trôi qua nhưng nỗi đau mất mát và sự khốc liệt của cuộc chiến đấu giữ gìn bảo vệ biên giới phía Bắc vẫn chưa thể nguôi ngoai trong trái tim chúng tôi".
Giọng đầy xúc động, ông Lý kể lại cho chúng tôi nghe về trận chiến đấu không cân sức bảo vệ biên giới 40 năm trước, về những người lính đã ngã xuống vào mùa xuân năm 1979, về hành trình tìm kiếm phần mộ của từng đồng đội. Từ đầu năm 1997, ông bắt đầu hành trình tìm lại từng phần mộ của đồng đội.
"Dù 40 năm đã trôi qua nhưng mỗi lần lên đỉnh Pò Hèn, kỉ niệm cũ cùng các đồng đội trong tôi lại ùa về. Đặc biệt nhất là chuyện tình đẹp đầy bi hùng của liệt sĩ Bùi Văn Lượng, người lính trinh sát Đồn biên phòng Pò Hèn và nữ liệt sĩ anh hùng Hoàng Thị Hồng Chiêm" - ông Lý nói.
Theo lịch sử của Đồn Biên phòng Pò Hèn ghi lại và lời kể của một số cựu bình Đồn Biên phòng Pò Hèn, trong những ngày đầu căng thẳng vùng biên giới, quân Trung Quốc vẫn thường xuyên khiêu khích, lén lút phục kích bắn về phía ta, nhưng Hoàng Thị Hồng Chiêm vẫn băng rừng về Móng Cái nhận hàng. Chiều 16-2-179, Hoàng Thị Hồng Chiêm cùng với ông Vượng, cửa hàng trưởng cửa hàng Pò Hèn, từ Tràng Vinh lên để chuyển một số mặt hàng cuối cùng về tuyến sau.
Tối đó (16-2-1979), ở lại bảo vệ cửa hàng Pò Hèn có ông Thắng, chủ tịch xã; ông Vượng, Hoàng Thị Hồng Chiêm và ông Định, y sĩ của bệnh xá Pò Hèn.
Sớm ngày 17-2, Hoàng Thị Hồng Chiêm và các cán bộ, nhân viên cửa hàng Pò Hèn ở lại bảo vệ cửa hàng đã trở thành những người chiến sĩ nơi tuyến đầu của trận chiến đấu bảo vệ biên Tổ quốc.
Theo những nhân chứng, ngay trong những phút đầu của cuộc chiến, Hoàng Thị Hồng Chiêm đã chiến đấu vô cùng anh dũng. Với một khẩu K44 và 2 quả lựu đạn, chị đã yểm trợ cho đồng đội lùi sâu an toàn.
Sau khi yểm trợ đồng đội rút lui an toàn, Hoàng Thị Hồng Chiêm tiến về đồn Pò Hèn cùng chiến đấu với cán bộ, chiến sĩ của đồn.
Thấy các đồng đội của ta bị thương, chị Hoàng Thị Hồng Chiêm vừa tham gia chiến đấu vừa băng bó vết thương cho đồng đội. "Chiêm chiến đấu rất giỏi, mỗi phát súng là một tên địch đổ xuống. Anh em trong đồn rất bất ngờ với khả năng, bản lĩnh chiến đấu của Chiêm" - ông Lý nhớ lại.
Thế nhưng, quân Trung Quốc quá đông, lực lượng của ta lại mỏng. Hoàng Thị Hồng Chiêm cùng những người lính đồn Pò Hèn đã chiến đấu ngoan cường, kiên quyết chiến đấu bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc.
Những giờ phút chiến đấu của ngày 17-2-1979 là những giờ phút chiến đấu cuối cùng nhưng oanh liệt nhất của người con gái đất mỏ mang tên Hoàng Thị Hồng Chiêm.
Năm 1979, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã truy tặng Huy chương Tuổi trẻ anh hùng bảo vệ Tổ quốc cho liệt sĩ Hồng Chiêm và tên của người anh hùng liệt sĩ này đã được ghi vào trang sử truyền thống của Đoàn thanh niên.
Theo lời kể của ông Hoàng Như Lý, chị Hoàng Thị Hồng Chiêm là một cô gái đẹp người, đẹp nết, có khí chất mạnh mẽ. Những ngày làm cán bộ thương nghiệp tại Pò Hèn, chị Hoàng Thị Hồng Chiêm đã gặp gỡ và yêu anh Bùi Văn Lượng, một chiến sĩ của Đồn Pò Hèn. Khi đồn bị quân Trung Quốc bao vây, chị Hoàng Thị Hồng Chiêm không chịu lùi về tuyến sau mà kiên quyết ở lại sát cánh chiến đấu cùng người yêu. Cả chị và người yêu đã cùng anh dũng hy sinh trong trận chiến đấu bất khuất bảo vệ biên cương Tổ quốc.
Năm 2017, tình cờ biết được mong mỏi của gia đình hai bên về việc tác thành cho chị Hoàng Thị Hồng Chiêm và anh Bùi Văn Lượng, một phóng viên của đài địa phương cùng ông Lý đã nảy ra ý tưởng một tổ chức lễ ăn hỏi cho hai liệt sĩ.
"Khi chúng tôi đặt vấn đề làm lễ cưới cho hai liệt sĩ, cả hai gia đình đều tán thành, để linh hồn hai liệt sĩ về ở mãi bên nhau" - ông Hoàng Như Lý tâm sự.
Sau khi kết nối và được gia đình hai bên đồng ý, ngày 6-8-2017, lễ cưới, hỏi chưa từng có, đẫm nước mắt đã được tổ chức.
Ông Bùi Văn Huy (anh trai liệt sĩ Bùi Văn Lượng) chia sẻ: "Nghi thức cho đám cưới đặc biệt này cũng đầy đủ như bao đám cưới khác, cũng trầu cau, bánh trái, phát biểu của nhà gái, nhà trai, của đồng đội hai liệt sĩ… trước sự chứng kiến của họ hàng, bạn bè và những đồng đội cũ của hai bên. Chỉ có điều, khác biệt là hai họ đón dâu, rể là đón nhận 2 tấm ảnh chân dung của hai liệt sĩ".
"Gia đình nhà trai đem lễ và ảnh liệt sĩ Lượng từ TP Hạ Long ra TP Móng Cái. Lễ ăn hỏi diễn ra ngay tại ngôi nhà tri ân do địa phương xây dựng để em trai Hoàng Thị Hồng Chiêm lo việc thờ cúng Hồng Chiêm. Xin dâu xong, nhà trai gửi lại nhà gái ảnh của liệt sĩ Lượng và rước ảnh chân dung của liệt sĩ Chiêm về Hạ Long rồi làm thủ tục đón nhận cô dâu Chiêm chính thức trở thành thành viên của gia đình. Buổi lễ rất trang trọng, ấm cúng, có cả bạn bè Hồng Chiêm cùng rất đông họ hàng, hàng xóm đến dự. Mọi người ai cũng xúc động đến trào nước mắt" - ông Huy nghẹn lời.
Theo Trọng Đức (Nld.com.vn)