“Ký ức đó làm sao quên được”
“40 năm trước, tôi chỉ là cô bé 7 tuổi, người bé tẹo nhưng những ký ức cùng cha mẹ và anh chị trong gia đình đi chạy giặc và những ngày cùng chị gái bị lạc trong rừng không thể nào quên được”, chị Lê Thị Bay mở đầu câu chuyện với PV Dân Việt.
Tháng 2.1979, khi quân xâm lược Trung Quốc tràn sâu vào tỉnh Cao Bằng, cũng như những người dân cùng xóm, gia đình ông Lê Văn Tiệu (bố chị Bẩy và Bay) cùng chạy vào xã Bình Dương, huyện Hòa An, Cao Bằng để tìm đường xuyên ra quốc lộ 3 về hướng Bắc Kạn. Tối hôm đó sau khi ngớt tiếng súng, gia đình ông Tiệu và một số gia đình khác tìm đến một lán trên rẫy của người dân địa phương để trú chân.
“Một số gia đình có đèn dầu mang theo nhưng không ai dám thắp vì sợ có ánh sáng quân Trung Quốc sẽ ập đến. Giữa không gian yên ắng đó bỗng trong đoàn có người làm rơi chiếc vung nồi kêu loảng xoảng. Mọi người phát hoảng lo là giặc đến nên chạy tứ tung. Bố dắt tôi và chị Bẩy chạy, còn mẹ và các anh chị chạy hướng khác”, chị Bay kể.
Trời tối, bố con chị Bay dắt ríu nhau vừa chạy vừa tìm đường, mấy lần định xuống đường dân sinh nhưng nghe tiếng quân Trung Quốc gọi nhau í ới lại phải chạy tiếp. Qua một đêm và một ngày không tìm người thân, quen nào, sẩm tối hôm đó khi đến khu rừng ở Tài Hồ Sìn ông Tiệu đưa hai cô con gái nằm ở gốc cây, lấy lá chuối khô che lên người hai con rồi dặn: Con nằm yên ở đây, bố đi tìm đường lát quay lại đón.
Ra tìm đường, ông Tiệu bị dân quân xã nghi ngờ là gián điệp cho quân Trung Quân nên giữ lại. Dù ông giải thích, van xin còn hai con nhỏ đang nằm ở bìa rừng nhưng không ai tin. Ông bị giữ hết đêm, đến hôm sau nhờ nói tên người quen và được họ đến bảo lãnh ông mới được thả. Quay trở về nơi hai con gái nằm ông bàng hoàng khi chúng không còn ở đó. Chạy tìm khắp xung quanh nhưng không thấy bóng dáng con đâu.
Mẹ cạn hết nước mắt
“Sáng hôm sau hai chị em ngủ dậy không thấy bố đâu nên chạy đi tìm và bắt đầu bị lạc. Chị dắt em men theo suối vừa đi vừa gọi bố, giữa rừng vắng thỉnh thoáng tiếng pháo giặc nổ xé rừng, chim bay dáo dác. Hai chị em sợ quá chạy ngã dúi dụi”, chị Bay cho biết.
Những ngày còn ở nhà hai đứa trẻ Bẩy 9 tuổi, Bay 7 tuổi vẫn được bố mẹ xào lõi chuối cho ăn, nhờ thế những ngày đầu bị lạc họ cũng biết tìm đến những cây chuối bị đổ trong rừng để tước vỏ lấy lõi về ăn sống, rồi ăn quả chuối rừng. Một tối cô bé Bay mang quả chuối rừng hái được hồi chiều ra ăn, nhưng chuối chưa chín, chát không ăn được nên cô bé bỏ vào túi áo rồi nằm thiếp đi. Quả chuối vô tình được ủ hơi nóng từ người nên sáng hôm sau chín hơn và ăn không bị chát. “Từ đó mình có thêm kinh nghiệm, mỗi tối khi đi ngủ lại ủ hai quả chuối rừng vào người để chín sáng ra có cái ăn”, chị Bay nhớ lại.
Khoảng thời gian bị lạc trong rừng, ban ngày hai chị em dắt nhau đi tìm bố mẹ, đến tối tìm bãi đất trống rồi lấy lá cây làm chiếu, phủ lên chân. Hai chị em cởi áo bông và áo len vẫn mặc làm chăn đắp. Ngày qua ngày, hai chị em càng đi tìm càng bị lạc xa hơn, người cứ lả dần đi vì đói khát.
“Có lần đói quá hai chị em bò vào rẫy để mót sắn. Trông thấy củ sắn nhỏ bằng đầu ngón chân cái hai chị em dùng cây hì hụi bới mãi nhưng củ sắn chỉ nhô ra chưa được 10cm. Hai chị em chụm lại cùng nhổ nhưng vì không còn sức nên bị ngã ngửa rồi lăn xuống chân đồi. Lúc lồm cồm bò dậy, giây phút hồn nhiên của tuổi thơ ùa về nên hai chị em đã cười, nhưng vì tiếng cười yếu ớt nghe như tiếng thở dài. Trời tối, chị em lại bảo nhau tìm chỗ ngủ để sáng mai đào tiếp, nhưng sáng ra củ sắn vừa nhô lên đó bị con dúi ăn hết”, chị Bay kể.
Thời gian đó cô bé Bay đang ở tuổi thay răng, những lúc đào được khoai, sắn trên rẫy chị Bẩy phải nhá đút cho em. Trong những ngày hai chị em ngủ trong rừng, một đêm trời mưa rất to kéo dài hết đêm. Hai chị em dắt nhau tới một gốc cây to đứng ôm nhau khóc tới sáng. Ở nơi xa, mẹ của hai bé bà Lê Thị Đoa cũng cạn hết nước mắt.
Trong những ngày đó gia đình cô bé Bẩy – Bay tổ chức đi tìm kiếm khắp nơi, họ băng qua bao cánh rừng, khe suối nhưng không có kết quả. Có lúc nghe người dân địa phương bảo đêm nghe tiếng khóc của trẻ em khu này, khu kia, nhưng khi người nhà hai bé đến nơi lại chỉ tiếng có dấu chân mà không thấy bóng người.
“Càng ngày hai chị em càng mệt lả, tai ù, mắt nhìn chỉ thấy mờ mờ. Có những lúc nghe thấy tiếng người ở gần nhưng sợ là quân Trung Quốc nên không dám ra”, chị Bay nói.
Một buổi sáng tháng 3.1979, khi mặt trời lên cao, những tia nắng rọi qua các tán lá rừng, hai cô bé Bẩy – Bay dìu nhau ra phía bờ suối. Họ bỗng nghe thấy tiếng gọi “Bẩy – Bay ơi”. Cô bé Bay lúc này còn tỉnh táo hơn chị nên đã nói “hình như có tiếng gọi mình”. Hai chị em ngồi thụp xuống bên một lùm cây. Tiếng gọi “Bẩy – Bay” mỗi lúc một gần. Cô bé Bẩy dồn sức cố u lên một tiếng. Theo tiếng thưa yếu ớt, ông Lê Văn Tiệu và người con gái lớn gạt những vạt cây tìm tới. Hai người vỡ òa khi thấy cô bé Bẩy – Bay đang co ro trong lùm cây. Tính tới hôm đó, hai bé Bẩy – Bay đã trải qua đúng 23 ngày lạc cha, mẹ, người thân.
Ông Nông Thanh Quế, nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo Cao Bằng (ảnh rể của hai chị Bẩy - Bay) nhớ lại: Sau ngày hai người được đưa về nhà, cô bé Bẩy bị ảnh hưởng nên hằng ngày cứ im lặng, ngồi đâu ngồi đó, phải mất một thời gian sau mới trở lại bình thường. Còn cô bé Bay dù sức khỏe chưa phục hồi nhưng vẫn cố chống gậy bước ra khi hàng xóm, người quen của gia đình khắp nơi đến thăm hỏi. Có người còn chạy tới ôm bé, sờ tay, chân để xem có phải đúng thật là người đã trở về trong câu chuyện cổ tích.
Lạc mẹ sau tiếng súng
Tháng 2.1979, khi quân xâm lược Trung Quốc đánh vào Cao Bằng, bà Tô Thị Yển (năm đó 41 tuổi, ở xóm Đức Chính, xã Vĩnh Quang, TP. Cao Bằng) cùng chồng và 3 người con (Đinh Thị Hoa, Đinh Ngọc Thiên lúc đó 17 tuổi, Đinh Ngọc Tinh lúc đó 15 tuổi) cùng người dân trong xóm tất tả chạy ra quốc lộ 3 để xuôi về Bắc Kạn. Khi đến Khau Đồn (cách TP. Cao Bằng khoảng 8km) thì tiếng đạn vèo vèo bắn tới. Cả đoàn người chạy toán loạn mỗi người một hướng. Anh Đinh Ngọc Tinh và bố chạy cùng nhau, sau vào đến xã Bình Dương (huyện Hòa An). Nhưng đến đây hai cha con lại lạc nhau, mãi khi chạy về tới huyện Ngân Sơn, Bắc Kạn (cách thị xã Cao Bằng khoảng 60km) anh mới gặp bố. Còn mẹ, chị gái, anh trai vẫn bặt tăm.
Anh Đinh Ngọc Thiên nhớ lại: “Lúc đó tôi và mẹ chạy cùng hướng với nhau. Sau đó quân Trung Quốc bắn dữ dội quá tôi phải chạy lên đồi, còn mẹ không chạy kịp đành nằm xuống giao thông hào ven đường để tránh đạn. Đến chập tối mấy lần tôi định xuống chân đồi tìm mẹ nhưng giặc bắn dữ quá không xuống được”. Sau đó anh Thiên chạy vào xã Bình Dương rồi ra quốc lộ 3 xuôi đến Nà Phặc (Bắc Kạn). Tại đây anh được gặp lại bố và em trai.
Sau khi nghe tin quân Trung Quốc rút, ba bố con anh Thiên tìm về nhà. Lúc này chị Đinh Thị Hương cũng đã về. Chị cho biết sau khi bị lạc gia đình đã quay trở lại xóm Đức Chính trốn trên quả đồi gần nhà. Còn mẹ anh Thiên, bà Tô Thị Yển vẫn bặt vô âm tín.
Gia đình anh Thiên tổ chức đi tìm, hỏi thăm khắp nơi nhưng nhiều ngày trôi qua vẫn không có tin tức gì về mẹ. Một ngày tháng 3.1979, vào gần trưa anh Thiên nhận được thông tin ở Tổng Chúp, xã Hưng Đạo, ngày đó thuộc huyện Hòa An, nay thuộc TP. Cao Bằng, phát hiện có mấy chục thi thể bị giặc sát hại ném xuống giếng, xuống ven suối. Anh Thiên vội chạy ra.
Những thi thể đang trong thời kỳ phân hủy được vớt lên xếp ngay ngắn để người thân nhân đến nhận dạng. Số thi thể được vớt lên gần hết anh Thiên tìm đi, tìm lại vẫn không nhận ra đặc điểm nào của người mẹ. Một chút hy vọng nắm níu nhưng rồi anh bỗng khụy xuống khi nhìn thi thể cuối cùng dưới giếng được vớt lên.
“Nhìn thấy hai nốt ruồi trên trán tôi nhận ra đó chính là mẹ. Tôi ôm ngực khóc nấc”, anh Thiên xúc động kể lại.
Qua tìm hiểu anh Thiên được biết, sau khi lạc gia đình bà Tô Thị Yển đã nhập vào đoàn công nhân Trại lợn Đức Chính (toàn phụ nữ và trẻ nhỏ). Trên đường chạy đoàn người này không may gặp quân Trung Quốc. Chúng đã dồn mọi người đến khu vực Tổng Chúp, sau đó sát hại dã man bằng búa bổ củi, cọc tre, dao, lưỡi lê (có 43 người là phụ nữ và trẻ em). Ngày đó là 9.3.1979, tức 12.2 âm lịch.
Theo Lương Kết (Dân Việt